Thứ 7, 23/11/2024, 21:28[GMT+7]

Kỷ niệm 123 năm ngày thành lập tỉnh (21/3/1890 – 21/3/2013) Tự hào truyền thống, vững bước tương lai

Thứ 4, 20/03/2013 | 19:49:49
2,702 lượt xem
Kỷ niệm 123 năm thành lập tỉnh trong bối cảnh Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đang tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, chúng ta cùng ôn lại những chặng đường đã qua, đặc biệt là 83 năm có Đảng lãnh đạo để tiếp tục phát huy truyền thống Anh hùng trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH-HĐH, vững bước xây dựng Thái Bình thành tỉnh nông thôn mới vào năm 2020 và trở

Gác chuông chùa Keo. Ảnh: Thành Tâm

Tiếp nối truyền thống mảnh đất địa linh, nhân kiệt với những tên tuổi rạng danh trong các triều đại lịch sử như Vũ Thị Thục Nương, Lý Bí, Trần Lãm, Đinh Bộ Lĩnh, Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung, Hoàng Công Chất, Phan Bá Vành; các danh nhân văn hóa như nhà bác học lỗi lạc Lê Quý Đôn, Nguyễn Bảo, Quách Hữu Nghiêm, Bùi Sỹ Tiêm, kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm... trong suốt quá trình 123 năm hình thành và phát triển (kể từ ngày thành lập tỉnh năm 1890), người Thái Bình luôn tự hào bởi quê mình là địa danh nổi tiếng được nhiều người biết đến. Đặc biệt từ khi có Đảng lãnh đạo, Thái Bình nổi danh bởi mang tên quê hương “Tiếng trống năm 30”, “Quê hương năm tấn” gắn với phong trào cách mạng Việt Nam; tự hào bởi những đóng góp không nhỏ về sức người, sức của trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tự hào bởi nhiều tên tuổi được khắc ghi gắn với các mốc lịch sử đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc như lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ, anh hùng Nguyễn Thị Chiên, Phạm Tuân, Tạ Quốc Luật, Bùi Quang Thận... cùng nhiều tên tuổi anh hùng trong lao động, sản xuất gắn với các mốc son thời kỳ đổi mới.

Quê hương cách mạng 
Nhớ lại thời kỳ đầu cách mạng, trên đất Thái Bình, hạt giống chủ nghĩa Mác - Lênin đã sớm nảy mầm. Những thanh niên ưu tú, tiên phong như Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Danh Đới, Nguyễn Công Thu, Vũ Trọng… được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc huấn luyện tại Quảng Châu (Trung Quốc) trở thành những chiến sĩ cách mạng lỗi lạc. Trong đó, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người có vai trò trọng yếu trong việc thành lập Đông Dương cộng sản Đảng (17/6/1929) và sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930). Ngay sau khi Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên được phát triển về trong nước, ở Thái Bình đã sớm ra đời hai chi bộ “Thanh niên” đầu tiên là Minh Thành và Trình Phố.

Từ khi có tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, phong trào cách mạng ở Thái Bình đã chuyển sang giai đoạn mới, việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin được tiến hành sâu rộng trong quần chúng. Các cuộc đấu tranh mang tính quy mô lớn, có sức phối hợp của các địa phương trong tỉnh ở những mức độ khác nhau. Đó là cuộc biểu tình của nông dân Duyên Hà - Tiên Hưng ngày 1/5/1930, cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải ngày 14/10/1930 đã tạo tiền đề thuận lợi cho Đảng bộ trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương trên những chặng đường tiếp theo, đồng thời làm nên cơn bão táp cách mạng đầu tiên đánh vào thành trì của chủ nghĩa thực dân và phong kiến tay sai, mở ra con đường mới cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tháng 8/1945, khi có lệnh tổng khởi nghĩa, Thái Bình là một trong những tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong cả nước. Chỉ trong vòng 6 ngày (từ 18/8/1945 - 23/8/1945), chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân. Hơn 1 năm (9/1945 -12/1946) đấu tranh cách mạng Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ và giành được những thắng lợi đáng kể. Cuộc đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài để giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng, bảo vệ trật tự trị an, khắc phục tình trạng úng lụt, đẩy lùi nạn đói, xây dựng lực lượng cách mạng, thực hiện nhiệm vụ thanh toán nạn mù chữ, vận động đời sống mới, chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến kiến quốc là những kết quả hết sức to lớn và đáng tự hào. Năm 1946, Thái Bình vinh dự 2 lần đón Bác Hồ về thăm.

Dấu son chói lọi 
Ngày 8/2/1950, thực dân Pháp tập trung lực lượng tiến đánh Thái Bình, không chịu khuất phục, quân dân trong tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã anh dũng, kiên cường đấu tranh quyết liệt với kẻ thù, giữ đất, giữ làng, giành quyền làm chủ về mọi mặt, tiến tới giải phóng Thái Bình vào tháng 6/1954. Hòa chung với không khí chống thực dân Pháp xâm lược của cả nước, hàng vạn thanh niên Thái Bình đã lên đường nhập ngũ, hàng vạn tấn lương thực đã kịp thời chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, Thái Bình đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ “Quân dân một lòng tiêu diệt quân địch”, làng Nguyên Xá được tặng cờ “Làng kháng chiến kiểu mẫu”, nhiều cá nhân vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng, trong đó có Nguyễn Thị Chiên là nữ Anh hùng lực lượng vũ trang đầu tiên trong toàn quốc.

Hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhân dân Thái Bình hăng hái hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa. Năm 1958, cả tỉnh được mùa, toàn dân biết chữ, Thái Bình vinh dự được đón Bác về thăm lần thứ ba. Năm 1962, trước thành tích của quân dân Thái Bình, đặc biệt là thành tích quai đê lấn biển, Bác về thăm Nam Cường (Tiền Hải) - lần thứ tư.

Bước sang thời kỳ chống Mỹ, Thái Bình vừa chống chiến tranh phá hoại, vừa lo chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” và là tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt 5 tấn thóc/1ha. Với thành tích đó, đầu năm 1967, Thái Bình vinh dự đón Bác Hồ về thăm lần thứ năm, vinh dự được Bác căn dặn: “Xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt”. Với trách nhiệm “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, 151.993 người con lên đường nhập ngũ, Thái Bình tự hào là tỉnh có tỷ lệ tuyển quân tham gia quân đội cao nhất miền Bắc so với tỷ lệ dân số. Tỉnh cũng đã đón về nuôi dưỡng và giải quyết chính sách cho 23.738 thương bệnh binh các hạng, trong đó có hơn 2.000 thương bệnh binh là cán bộ, chiến sĩ ở miền Nam; cung cấp cho chiến trường hàng vạn tấn lương thực, tô thắm truyền thống “thóc thừa cân, quân vượt mức”. Thi đua với tiền tuyến, nhân dân và lực lượng vũ trang Thái Bình đã bắn rơi 44 máy bay, bắn cháy 4 tàu chiến Mỹ. Nhiều người con Thái Bình đã chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc, khắc vào lịch sử những dấu son chói lọi không thể phai mờ.

Thành tựu thời đổi mới 
Năm 1975, đất nước thống nhất, cùng cả nước xây dựng Chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã khắc phục mọi khó khăn, giành nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Thực hiện 5 trọng tâm phát triển kinh tế được đề ra từ Đại hội lần thứ XVI nhằm đẩy mạnh CNH-HĐH, Đảng bộ đã lãnh đạo tập trung đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp, phát triển nghề và làng nghề, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa và phát triển kinh tế biển. Nền kinh tế của tỉnh đã thoát khỏi tình trạng trì trệ, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Sản xuất nông nghiệp thắng lợi toàn diện, từng bước chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá. Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết, sâu bệnh, nhưng năng suất lúa luôn giữ vững ở mức trên 130 tạ/ha, sản lượng thóc trên 1 triệu tấn/năm. Sản xuất công nghiệp và xây dựng phát triển đạt tốc độ khá cao, góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết nhiều việc làm cho người lao động.

Phá thế thuần nông, Thái Bình quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2020 với  quy hoạch chi tiết 7 khu công nghiệp, diện tích 1.216 ha, 31 cụm công nghiệp diện tích 775,5 ha; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tích cực chuẩn bị, chủ động triển khai nhiều dự án lớn tạo tiền đề cho những năm tới. Thực hiện mở rộng và phát triển làng nghề, toàn tỉnh đã có 241 làng nghề được công nhận đạt tiêu chuẩn, tăng 68 làng nghề so với năm 2005, giải quyết việc làm ổn định và tăng thu nhập cho trên 154 nghìn lao động. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao có nhiều tiến bộ, luôn giữ vững thành tích là tỉnh có phong trào mạnh trong toàn quốc. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Bộ mặt đô thị, nông thôn ngày một đổi mới; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên. Các phong trào, các cuộc vận động, nhất là việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Vì người nghèo”... được nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực thực hiện. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chuyển biến tích cực; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng được nâng lên.

Đặc biệt, năm 2012 – năm có nhiều khó khăn, song kinh tế Thái Bình vẫn phát triển với những con số mang ý nghĩa: tổng sản phẩm GDP đạt 13.558 tỷ đồng, tăng 7,82% - là mức tăng trưởng cao so với bình quân chung của cả nước. Bình quân thu nhập đầu người ước đạt 24,8 triệu đồng/người/năm. Lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản tiếp tục được giữ vững. Đầu tư xây dựng cơ bản tăng 54% so với năm 2011, là năm thứ 2 liên tiếp tăng trưởng vốn đầu tư cao. Trong khó khăn chung, Thái Bình vẫn là địa chỉ đỏ được các nhà đầu tư chọn lựa. Đã có 66 dự án được đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 4.800 tỷ đồng, nâng số dự án đầu tư hiện nay lên 631 với tổng vốn đăng ký 72.443 tỷ đồng; 375 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm nghìn lao động. Năm 2012, đời sống nhân dân tiếp tục ổn định; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; tai nạn giao thông giảm trên cả 3 chỉ số; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục đào tạo tiếp tục được quan tâm; an sinh và phúc lợi xã hội được chú trọng. Năm 2012 cũng đánh dấu mốc son trong lĩnh vực văn hoá khi Chùa Keo được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, trở thành niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình...

Thực hiện xây dựng nông thôn mới, Thái Bình vinh dự được Ban Chỉ đạo Trung ương chọn là một trong 5 tỉnh của cả nước làm điểm. Nắm bắt và phát huy thời cơ, từng bước vượt qua khó khăn và thách thức, Thái Bình đã trở thành điểm đến tham quan, học tập xây dựng nông thôn mới của nhiều địa phương. Từ 8 xã làm điểm với số tiêu chí nông thôn mới đạt cao, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo, rút kinh nghiệm và nhân diện rộng trên toàn tỉnh. Đến nay phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển rộng khắp với những kết quả bước đầu khả quan, không chỉ tạo diện mạo nông thôn mới, khí thế mới, phong trào xây dựng nông thôn mới còn tạo niềm tin mới trong quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, hứa hẹn tương lai sớm xây dựng thành công tỉnh nông thôn mới đúng như mục tiêu kế hoạch  đề ra.

Với những thành tích to lớn và đặc biệt xuất sắc trong các cuộc kháng chiến, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang Thái Bình đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng, Huân chương Độc lập hạng Nhất, 6 Huân chương Quân công; 96 tập thể và 78 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao động; 2.205 bà mẹ được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, hàng trăm tập thể và cá nhân được tặng Huân chương Độc lập, Huân chương Chiến công và Huân chương Lao động. Đó là niềm vinh dự, tự hào của mỗi người con quê hương Thái Bình, là động lực để cán bộ và nhân dân tỉnh nhà tiếp tục vững bước trước thời cơ và thách thức, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Kỷ niệm 123 năm thành lập tỉnh trong bối cảnh Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đang tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, chúng ta cùng ôn lại những chặng đường đã qua, đặc biệt là 83 năm có Đảng lãnh đạo để tiếp tục phát huy truyền thống Anh hùng trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH-HĐH, vững bước xây dựng Thái Bình thành tỉnh nông thôn mới vào năm 2020 và trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt như Bác Hồ hằng mong muốn.  

Hà Dung 

 (Tổng hợp)

  • Từ khóa