Thứ 7, 16/11/2024, 14:36[GMT+7]

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV: Hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình và thành công tốt đẹp

Thứ 5, 16/06/2022 | 22:47:20
18,329 lượt xem
Chiều ngày 16/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV đã họp phiên bế mạc kỳ họp thứ ba.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình dự phiên bế mạc kỳ họp.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Sau 19 ngày làm việc, kỳ họp thứ ba đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Kỳ họp đã xem xét một khối lượng công việc lớn, đạt sự đồng thuận rất cao, quyết định nhiều nội dung quan trọng không chỉ cho năm 2022, mà cả cho giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo. Tại kỳ họp này đã có 1.484 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 6 phiên thảo luận tổ, 592 lượt thảo luận và 62 lượt tranh luận tại 23 phiên họp toàn thể tại hội trường, trong đó tại phiên chất vấn có 133 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn, 28 lượt đại biểu tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề quan tâm; tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp 19 phiên với tổng thời lượng là 62 giờ. Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 5 luật, 16 nghị quyết chuyên đề và nghị quyết chung của kỳ họp, cho ý kiến về 6 dự án luật và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác. 

Về kết quả của kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình triển khai và kết quả phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022. Trong 5 tháng đầu năm 2022, tình hình dịch Covid-19 cơ bản được cải thiện tích cực, các chính sách hỗ trợ về tài chính, tiền tệ từng bước được cụ thể hóa và triển khai, tạo tiền đề căn bản để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Những kết quả nói trên được nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. 

Quốc hội cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong các ngành, lĩnh vực, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, rút ra những bài học kinh nghiệm, dự báo những thuận lợi, nguy cơ, thách thức, nhất là những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị thế giới. Quốc hội đã quyết nghị nhiều định hướng lớn, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm khơi thông nguồn lực, khơi dậy mọi tiềm năng, tạo động lực để vượt qua khó khăn, thách thức, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 

Về công tác lập pháp, Quốc hội đã thông qua 5 luật, 3 nghị quyết, góp phần kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ, phát triển thị trường bảo hiểm, xây dựng nền điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tạo động lực mới trong công tác thi đua, khen thưởng, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, phát triển tỉnh Khánh Hòa nhanh và bền vững, là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quốc hội cũng đã cho ý kiến về 6 dự án luật. 

Chủ tịch Quốc hội đánh giá việc thông qua các luật, nghị quyết với sự thống nhất, tập trung cao là thành quả của quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa của các cơ quan hữu quan, với sự phát huy dân chủ, tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của của nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các bậc lão thành cách mạng, các chuyên gia, nhà khoa học. Đây là bài học quý để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp cũng như các quyết sách khác của Quốc hội. 

Về hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội dành thời gian thích đáng để nghe và thảo luận các báo cáo, cơ bản đánh giá cao các báo cáo đã bám sát thực tiễn đời sống, cơ bản phản ánh trung thực tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sát thực để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan tổ chức hữu quan tập trung giải quyết, tạo chuyển biến cơ bản trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tương xứng với những kết quả đạt được trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và kịp thời giải quyết những kiến nghị của nhân dân và cử tri đối với các vấn đề “nóng” về kinh tế - xã hội đang nổi lên hiện nay. 

Quốc hội đã giám sát tối cao và ban hành Nghị quyết “về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030”, trong đó cho phép điều chỉnh một số quy định hiện hành chưa phù hợp, tháo gỡ các tồn tại, bất cập trước mắt để đẩy nhanh tiến độ và chất lượng công tác lập quy hoạch. 

Qua 2,5 ngày tiến hành chất vấn đối với 3 bộ trưởng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ với sự tham gia trả lời của các Phó Thủ tướng Chính phủ và các vị trưởng ngành về các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn; tài chính; ngân hàng; giao thông vận tải đã cho thấy các vấn đề được Quốc hội lựa chọn làm nội dung chất vấn là “trúng và đúng”, vừa có tính thời sự, cấp bách trước mắt vừa mang tính chiến lược lâu dài. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc chất vấn và trả lời chất vấn, là cơ sở để Quốc hội giám sát lại và xem xét lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp cuối năm giữa nhiệm kỳ. 

Quốc hội đã thảo luận, thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Nghị quyết thành lập đoàn giám sát chuyên đề “việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” và “việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”. 

Về công tác nhân sự, xem xét và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là lần đầu tiên tại một kỳ họp Quốc hội, có 5 dự án quan trọng quốc gia được xem xét quyết định chủ trương đầu tư, nâng tổng số dự án mà Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ lên 6 dự án với tổng mức đầu tư 392.644 tỷ đồng. Đây đều là những dự án giao thông trọng điểm, có ý nghĩa cấp bách, lan tỏa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các vùng và từng địa phương. Cùng với việc cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình, công khai, minh bạch, tuyệt đối không được để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, trục lợi chính sách, làm lãng phí, thất thoát tiền và tài sản Nhà nước. 

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã đồng ý bổ sung nội dung bất thường về công tác nhân sự vào chương trình kỳ họp và đã thực hiện các thủ tục theo quy định, ban hành Nghị quyết bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế vì đã có những sai phạm nghiêm trọng. 

Để các luật, nghị quyết của kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV đi nhanh vào cuộc sống và sớm phát huy hiệu quả, Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cấp, các ngành, các cơ quan trong bộ máy nhà nước, các Đoàn đại biểu Quốc hội khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện kịp thời các luật, nghị quyết vừa được thông qua, khắc phục tình trạng “quyết sách đúng - trúng - kịp thời nhưng triển khai chậm - kém hiệu quả”. 

Qua mỗi kỳ họp, với tinh thần tiếp tục đổi mới và luôn tự hoàn thiện, Quốc hội đã có thêm bài học quý để ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn và sự kỳ vọng của cử tri, nhân dân. Quốc hội đã linh hoạt điều chỉnh, bổ sung nội dung chương trình kỳ họp nhưng vẫn bảo đảm chất lượng và kết thúc thời gian kỳ họp như dự kiến; quyết định tăng thêm thời lượng truyền hình trực tiếp trên sóng của Truyền hình Quốc hội Việt Nam nhiều phiên thảo luận tại hội trường để hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, minh bạch hơn, gần gũi với cử tri và nhân dân, qua đó cũng tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân và cử tri giám sát các hoạt động của Quốc hội. 

Với kết quả của kỳ họp thứ ba và các luật, nghị quyết, chính sách mới được ban hành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và giám sát của Quốc hội, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhất định sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và cả giai đoạn 2021 - 2025, đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, đời sống người dân sẽ được nâng cao, niềm tin của nhân dân sẽ càng được củng cố vững chắc.

VŨ SƠN TÙNG 

(Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh)