Thứ 7, 23/11/2024, 21:21[GMT+7]

Mặt trận Tổ quốc các cấp Tích cực góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Thứ 4, 03/04/2013 | 14:13:16
991 lượt xem
Với kinh nghiệm trong triển khai lấy ý kiến nhân dân, có hệ thống tổ chức thống nhất từ tỉnh đến khu dân cư nên việc triển khai lấy ý kiến được Ủy ban MTTQ các cấp triển khai sâu rộng nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thu hút sự quan tâm hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trí thức, các doanh nhân và cán bộ nghỉ hưu...

Ông Nguyễn Văn Luân, Phó Chủ tịch UB MTTQ VN tỉnh báo cáo công tác triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tìm hiểu về việc tổ chức, thực hiện lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ông Nguyễn Văn Luân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh cho biết: Trong hệ thống MTTQ và các tổ chức thành viên của MTTQ, việc triển khai tổ chức lấy ý kiến hội viên, đoàn viên, các tầng lớp nhân dân được thực hiện nghiêm túc, đúng hướng dẫn và kế hoạch đề ra. Nhìn chung, các tầng lớp nhân dân tin tưởng, phấn khởi, cơ bản đồng tình với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đồng thời tích cực nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng, thể hiện ý thức trách nhiệm cao của tổ chức, công dân trong hoạt động xây dựng pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền.

 

Với kinh nghiệm trong triển khai lấy ý kiến nhân dân, có hệ thống tổ chức thống nhất từ tỉnh đến khu dân cư nên việc triển khai lấy ý kiến được Ủy ban MTTQ các cấp triển khai sâu rộng nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thu hút sự quan tâm hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trí thức, các doanh nhân và cán bộ nghỉ hưu... Mặc dù còn gặp một số khó khăn,  song đến ngày 19/3, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên từ tỉnh đến khu dân cư đã tổ chức được gần 5.000 hội nghị lấy ý kiến góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (trong đó có 32 hội nghị cấp tỉnh; 120 hội nghị cấp huyện; gần 1800 hội nghị cấp xã; gần 3.000 hội nghị do khu dân cư, các chi hội, chi đoàn tổ chức) thu hút 200.000 lượt cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia với trên 40.400 lượt ý kiến. Ngoài ra còn có 12 văn bản của các cá nhân thuộc các ngành nghề khác nhau trong xã hội gửi về Ủy ban MTTQ Việt Namon> tỉnh và các tổ chức thành viên tham gia đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

Quá trình triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 xuất hiện nhiều đơn vị tiêu biểu, chủ động thực hiện, có nhiều cách làm hay, hiệu quả, tiết kiệm. Ủy ban MTTQ các xã, phường, thị trấn tổ chức thông báo rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh về việc triển khai lấy ý kiến nhân dân và nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Các tổ chức thành viên như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân, hội cựu chiến binh có nhiều hình thức tổ chức lấy ý kiến góp ý như: phối hợp tổ chức chung một hội nghị ở khu dân cư; tổ chức hội nghị chuyên đề; lồng ghép lấy ý kiến góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cùng với góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); hội CCB tổ chức hội thảo thảo luận chuyên sâu về những nội dung có nhiều ý kiến khác nhau; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tổ chức lấy ý kiến trong các tổ chức thành viên và các nhà khoa học; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh triển khai thêm hình thức góp ý thông qua trang thông tin điện tử và mạng xã hội facebook...

 

Đến nay, tổ chuyên viên giúp việc của cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổng hợp đầy đủ ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân, hoàn thiện báo cáo lần một gửi Thường trực HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam theo đúng kế hoạch. Đồng thời tiếp tục đôn đốc Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố, các tổ chức thành viên ghi nhận, tổng hợp ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân. Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến, tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn phối hợp với Báo Đại đoàn kết, Đài Truyền hình Việt Nam tuyên truyền để nhân dân cảnh giác, đồng thời lên tiếng phản đối những hành vi lợi dụng, mạo danh người dân Thái Bình nêu ý kiến đề nghị bỏ Điều 4 trong Hiến pháp, xây dựng Nhà nước ta theo mô hình nhà nước tam quyền phân lập, phi chính trị hóa lực lượng vũ trang.

 

Tiếp tục triển khai lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chỉ đạo MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; vận động nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác trước những hành động lợi dụng dân chủ, mạo danh nhân dân để làm sai sự thật nhằm chống phá Đảng và Nhà nước; tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra việc triển khai lấy ý kiến; tiếp nhận và tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý của nhân dân gửi về Thường trực HĐND tỉnh và báo cáo Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam theo đúng tiến độ kế hoạch đề ra.

Bài, ảnh: Hà Dung

 

 

  • Từ khóa