Thứ 7, 16/11/2024, 06:56[GMT+7]

Thông cáo số 13 Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Thứ 6, 04/11/2022 | 20:06:31
9,115 lượt xem
Thứ Sáu, ngày 4/11, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 13 tại Nhà Quốc hội dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. Theo Chương trình, Quốc hội dành cả ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, lĩnh vực nội vụ.

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 4/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi.

Buổi sáng

Quốc hội tiếp tục nghe Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng Chính phủ làm rõ một số vấn đề liên quan.

Phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh: Xây dựng là lĩnh vực quan trọng, mang tính chiến lược, có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Là một trong những nhân tố quan trọng quyết định quy mô, trình độ kỹ thuật của nền kinh tế. Nhiều chính sách pháp luật trong lĩnh vực xây dựng có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương các cấp. Vì vậy, việc lựa chọn chất vấn lĩnh vực xây dựng tại kỳ họp thứ 4 đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã có 61 đại biểu đăng ký, có 36 đại biểu đã chất vấn và 1 đại biểu tranh luận trực tiếp với Bộ trưởng Xây dựng. Nhìn chung phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng. Các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung thuộc phạm vi chất vấn, cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn theo tinh thần đổi mới hoạt động chất vấn của Quốc hội.

Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Xây dựng tuy lần đầu trả lời chất vấn, nhưng với kinh nghiệm quản lý lĩnh vực, Bộ trưởng đã có sự chuẩn bị khá tốt về nội dung, trả lời thẳng thắn vào các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, giải trình đầy đủ các vấn đề còn bất cập, đề xuất được một số giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu quan tâm.

Tiếp theo, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Bộ trưởng Công an Tô Lâm cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. Tại phiên chất vấn, đã có 32 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 13 đại biểu tranh luận, tập trung vào những nội dung sau:

1. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số (Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp số ở Việt Nam đối với chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; thực trạng và giải pháp khắc phục tình trạng cát cứ dữ liệu của một số cơ quan nhà nước; tình trạng tác động tiêu cực của không gian mạng trong lĩnh vực giáo dục; việc xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội; phát triển đội ngũ công nghệ thông tin ở cấp xã, phường; vấn đề chảy máu chất xám, nhân tài công nghệ thông tin và các giải pháp để thu hút nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chuyên trách trong lĩnh vực công nghệ thông tin; trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc để xảy ra tình trạng chậm trễ triển khai Chương trình “Sóng và máy tính” cho em; nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng chậm đấu giá tần số; khắc phục tình trạng các nền tảng số chưa thống nhất, chưa chia sẻ, kết nối; giải pháp thúc đẩy nền tảng số trên không gian mạng; quản lý nhà nước về mạng xã hội; biện pháp để giúp người dân tham gia vào nền tảng số; quan điểm và giải pháp của Bộ về việc mỗi người dân Việt Nam cần có một tài khoản số để học tập suốt đời trên nền tảng học liệu mở và miễn phí).

Công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia (trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông và các giải pháp khắc phục tình trạng cơ sở dữ liệu quốc gia chưa đồng bộ, kết nối khó khăn; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trách nhiệm của Bộ trưởng và thời hạn hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai có khả năng kết nối, chia sẻ đồng bộ, thông suốt từ trung ương đến địa phương).

2. Việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi (thực trạng và giải pháp phủ sóng “vùng lõm”; khắc phục tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khó khăn trong việc tiếp cận thông tin; trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc triển khai chậm chương trình thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; việc phát triển hạ tầng viễn thông ở các địa phương miền núi, biên giới, “vùng lõm”; các chính sách hỗ trợ quỹ viễn thông công ích).

3. Việc quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác. Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử (giải pháp xử lý vấn đề báo hóa tạp chí, trang tin; giải pháp khắc phục tình trạng mạng xã hội nước ngoài thu thập dữ liệu cá nhân; việc quản lý và xử lý tình trạng sim rác; nguyên nhân và các giải pháp để khắc phục các tình trạng: lừa đảo qua mạng; thông tin xấu, độc, tin giả trên không gian mạng; tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân; quảng cáo sai sự thật, phản cảm trên mạng xã hội và các nền tảng số xuyên biên giới; khủng bố qua điện thoại; việc xử lý các cá nhân livestream vi phạm pháp luật).

Buổi chiều

Quốc hội tiếp tục nghe Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng tham gia giải trình về những vấn đề có liên quan. Sau đó, Quốc hội nghe Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ hai, trong đó nhấn mạnh: Lĩnh vực thông tin và truyền thông có vai trò rất quan trọng trong đời sống. Công nghệ thông tin đã góp phần cải cách hành chính, cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao đời sống, minh bạch hóa thông tin, thực hiện công bằng xã hội.

Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và ứng dụng phát triển mạng xã hội, các dịch vụ truyền thông trên Internet đã có tác động rất lớn đến đời sống của người dân và toàn xã hội. Diễn biến phiên chất vấn đã cho thấy tầm quan trọng và sự quan tâm của đại biểu Quốc hội đối với lĩnh vực này. Trong phiên chất vấn đã có 33 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, trong đó có 10 đại biểu tham gia tranh luận. Phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi với tinh thần xây dựng, trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi cụ thể, ngắn gọn, đúng nội dung. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng có kinh nghiệm trong công tác quản lý ngành, lĩnh vực và đã từng trả lời chất vấn trước Quốc hội. Bộ trưởng đã nắm chắc thực trạng vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý, trả lời đầy đủ, thẳng thắn với tinh thần cầu thị các câu hỏi của đại biểu Quốc hội, đề xuất các giải pháp và phương án xử lý cụ thể. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã tham gia trả lời giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan.

Cũng trong buổi chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực nội vụ. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã tập trung chất vấn và tranh luận về những nội dung sau:

1. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức. Việc ban hành các văn bản thực hiện quy định của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức (tác động của việc tinh giản biên chế đối với cải cách tiền lương; giải pháp để tinh giản biên chế đạt hiệu quả, khắc phục tình trạng tinh giản cơ học, cào bằng, đạt mục tiêu tinh giản biên chế theo Kết luận số 40-KL/TW của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026; thực trạng và giải pháp xây dựng hệ thống vị trí việc làm để cải cách tiền lương; khắc phục tình trạng một số cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước nhưng lại giao biên chế sự nghiệp; về việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp; tiền lương tối thiểu vùng;...).

2. Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét, đánh giá, xử lý vi phạm (các giải pháp để công tác đánh giá cán bộ, công chức sát thực tiễn, đi vào thực chất; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong việc tham mưu xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật; về giải pháp thu hút và trọng dụng nhân tài, khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung theo Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị; thực trạng và giải pháp khắc phục việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức chưa gắn với yêu cầu vị trí việc làm; tình trạng vi phạm của cán bộ công chức thời gian qua; giải pháp khắc phục sai phạm trong tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức).

3. Nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là lĩnh vực, vị trí địa bàn đông dân cư, chịu nhiều áp lực công việc (như viên chức y tế, giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học…). Thực trạng và giải pháp bảo đảm biên chế cho ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy - học.

4. Giải pháp giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố (về số lượng người làm việc; về chế độ, chính sách cho cán bộ công chức cấp xã là người đồng bào dân tộc thiểu số …), nhất là công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp; tham mưu của Bộ Nội vụ trong việc sửa Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

Thứ Bảy, ngày 5/11: Quốc hội tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nội vụ, thanh tra. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Phiên họp được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi.

Theo: nhandan.vn