Thứ 4, 13/11/2024, 07:02[GMT+7]

Thái Thụy Sức lan tỏa sau thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII)

Thứ 4, 24/04/2013 | 16:05:56
1,301 lượt xem
Xác định rõ vai trò của văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, huyện Thái Thụy đã huy động nhiều nguồn lực thực hiện Nghị quyết Trung ương (T.Ư) 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Sau 15 năm đi vào cuộc sống, Nghị quyết đã có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư tạo môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Nghị quyết T.Ư 5 (Khóa VIII) tạo động lực, cổ vũ người dân ở Thái Thụy tích cực xây dựng hạ tầng nông thôn mới.

Giống như nhiều địa phương khác, thôn Nam Hưng (xã Thái Thủy) trước đây điều kiện kinh tế rất khó khăn. Do tư tưởng cũ ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của người dân nên các gia đình vẫn tổ chức ăn uống bày linh đình trong các đám cưới, đám tang. Tuy nhiên, từ khi Thái Thủy thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khoá VIII), đặc biệt là năm 2004 thôn thực hiện quy ước văn hóa, Nam Hưng trở thành thôn điển hình không chỉ riêng Thái Thủy mà trong toàn huyện về xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Nhân dân tích cực lao động sản xuất, góp công, góp của cứng hóa 100% đường thôn xóm, xây dựng cổng làng, hoàn thành đóng góp mọi loại thuế, quỹ cho nhà nước, thực hiện nghiêm nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội. Thôn thành lập 12 tổ tự quản về môi trường, 6 tổ tự quản về ANTT, 1 tổ tự quản về ATGT hoạt động hiệu quả nên nhiều năm liền trên địa bàn không có tệ nạn xã hội, cảnh quan môi trường luôn xanh-sạch-đẹp. Nam Hưng hiện có 4/4 dòng họ đều đăng ký xây dựng Dòng họ văn hóa, 1 dòng họ xây dựng Dòng họ không ma túy. Từ năm 2003 đến nay, thôn không có người sinh con thứ 3. Năm 2012, có 84,1% gia đình trong thôn đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 3 năm liên tục (2010-2012), Nam Hưng đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa.

Nam Hưng chỉ là một trong rất nhiều thôn tiêu biểu của Thái Thụy thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII). 15 năm trước, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, Thái Thụy đã tổ chức nghiêm túc việc tuyên truyền, quán triệt, học tập Nghị quyết đến từng tổ chức, đơn vị, người dân. Nhờ đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, xây dựng các thiết chế văn hóa trong toàn huyện ngày càng phát triển rộng khắp. Chất lượng và số lượng gia đình đăng ký và được bình xét đạt chuẩn văn hóa không ngừng tăng lên. Nếu như năm 2001, Thái Thụy có 43.378/69.191 (chiếm 62,6%) hộ gia đình đăng ký xây dựng Gia đình văn hóa, 38.173 hộ đạt Gia đình văn hóa (chiếm 55%) thì đến năm 2012 số gia đình đăng ký đạt danh hiệu Gia đình văn hóa tăng lên 69.516/76.009 và số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa là 59.755 (chiếm 78,6%).

Từ phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nhiều gia đình đăng ký xây dựng: gia đình sản xuất kinh doanh giỏi, gia đình hiếu học, gia đình hòa thuận tiến bộ, gia đình xóa đói, giảm nghèo. Cùng với đó, phong trào xây dựng thôn làng, khu phố văn hóa, cơ quan, đơn vị trường học văn hóa được cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đặc biệt coi trọng gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Hai tốt”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Lương y như từ mẫu”, “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”…. Ðến tháng 12/2009, 270/270 thôn, làng của Thái Thụy đã khai trương thực hiện quy ước văn hóa. Nếu như năm 2009, toàn huyện mới có 5 thôn đạt danh hiệu Làng văn hóa thì đến năm 2012 có 73 lượt thôn làng và 105 lượt cơ quan, đơn vị, trường học đạt danh hiệu Ðơn vị văn hóa.

Phong trào xây dựng thôn làng, khu phố văn hóa, gia đình văn hóa ở Thái Thụy góp phần rất quan trọng cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực thi đua lao động sản xuất nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng số hộ giàu. Bà con tích cực góp công, góp tiền đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng, thực hiện dồn điền đổi thửa, làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa thôn theo tiêu chí nông thôn mới. Cũng trong 15 năm qua, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, toàn huyện đã xây dựng mới được 142 nhà văn hóa thôn và đến nay có 243/270 thôn làng có nhà văn hóa. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường tích cực xây dựng các sân bóng đá, cầu lông, bóng chuyền, bóng rổ phục vụ nhu cầu chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe cho công nhân viên chức, người lao động, học sinh và người dân. Cùng với đó, phong trào văn hóa văn nghệ diễn ra sôi nổi. Trung bình mỗi năm, Thái Thụy tổ chức từ 30 đến 45  các hoạt động văn hóa, liên hoan, biểu diễn nghệ thuật. Toàn huyện hiện đã thành lập được 200 đội, nhóm văn nghệ thu hút hàng ngàn người dân tham gia. Chính vì được sinh hoạt tập thể nên nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan ăn sâu vào nếp nghĩ của một số người dân từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi. Hiện nay, đa số các đám cưới đều thực hiện theo nếp sống văn hóa, không còn tình trạng thách cưới, ép hôn, tảo hôn. Nhiều địa phương tổ chức trao giấy đăng ký kết hôn tại trụ sở UBND xã và ký cam kết thực hiện tốt nếp sống văn hóa tại đám cưới. Phần lớn các đám tang đều thực hiện việc khâm liệm và an táng đúng nơi quy định, không hút thuốc lá, không dùng loa máy trước 5 giờ sáng và quá 22 giờ đêm. Hầu hết các địa phương đã  quy hoạch nghĩa trang có nơi hung táng, cát táng riêng. Ðặc biệt, một số xã quy định và thực hiện tốt việc sang cát cho người quá cố trong 2 ngày trong năm được nhân dân đồng thuận, hưởng ứng.

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII), đặc biệt gắn việc thực hiện Nghị quyết với thực hiện tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, thời gian tới Thái Thụy tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng trên lĩnh vực văn hóa. Ðẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về chính trị, tư tưởng, động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện phong trào”Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế - xã hội. Toàn huyện phấn đấu đến năm 2015 có 85 đến 90% hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 50% thôn làng đạt danh hiệu Thôn làng văn hóa.

Bài, ảnh:  Nguyễn Hình

  • Từ khóa