Thứ 7, 16/11/2024, 04:33[GMT+7]

Thông cáo báo chí số 21 Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV

Thứ 3, 15/11/2022 | 21:11:50
9,915 lượt xem
Thứ Ba, ngày 15/11/2022, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 21 cũng là ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV chiều 15/11. (Ảnh: DUY LINH).

Buổi sáng

Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 468 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,98% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 466 đại biểu tán thành (bằng 93,57% tổng số đại biểu Quốc hội); có 1 đại biểu không tán thành (bằng 0,20% tổng số đại biểu Quốc hội); có 1 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,20% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Sau đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 475 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,38% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 470 đại biểu tán thành (bằng 94,38% tổng số đại biểu Quốc hội); có 4 đại biểu không tán thành (bằng 0,80% tổng số đại biểu Quốc hội); có 1 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,20% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nội dung 3: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận đã có 18 đại biểu phát biểu. Qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đấu thầu để khắc phục bất cập của luật hiện hành, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, góp phần công khai, minh bạch, tiết kiệm trong chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong mua sắm đầu tư công, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản nhà nước, giải quyết tồn đọng, vướng mắc hiện nay trong lựa chọn nhà thầu thực hiện đầu tư mua sắm công.

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị đánh giá kỹ tác động của chính sách, sửa đổi, bổ sung tính hiệu quả cụ thể của các quy định trong luật, đồng thời tham gia nhiều ý kiến về các nội dung cụ thể như: phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giải thích từ ngữ, khái niệm hành vi bị cấm, quy định nhà thầu, nhà đầu tư, bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, thông tin đấu thầu, ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, đình chỉ cuộc thầu, hủy thầu và cơ chế đền bù; quy trình, thủ tục trong hoạt động đấu thầu; các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, đặc biệt là phạm vi, nguyên tắc, điều kiện trong việc áp dụng chỉ định thầu, điều kiện áp dụng thẩm quyền quyết định và quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt; quy định về đấu thầu trước, đấu thầu qua mạng, đấu thầu dự án sử dụng đất và đấu thầu quốc tế; lựa chọn nhà thầu trong lĩnh vực y tế cho doanh nghiệp có vốn nhà nước, sử dụng dự án vốn tín dụng, vốn ODA trong cung cấp dịch vụ phi tư vấn; các hình thức hợp đồng, bảo đảm thực hiện hợp đồng, điều chỉnh hợp đồng, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu; giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đấu thầu, quản lý nhà nước trong hoạt động đấu thầu.

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều

Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô-tô thông qua đấu giá.

Sau đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô-tô bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 489 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 98,19% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 473 đại biểu tán thành (bằng 94,98% tổng số đại biểu Quốc hội); có 11 đại biểu không tán thành (bằng 2,21% tổng số đại biểu Quốc hội); có 5 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,00% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 488 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 97,99% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 487 đại biểu tán thành (bằng 97,79% tổng số đại biểu Quốc hội); có 1 đại biểu không tán thành (bằng 0,20% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nội dung 3: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 488 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 97,99% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 483 đại biểu tán thành (bằng 96,99% tổng số đại biểu Quốc hội); có 3 đại biểu không tán thành (bằng 0,60% tổng số đại biểu Quốc hội); có 2 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,40% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nội dung 4: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên bế mạc. Phiên họp được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi.

Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 448 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 97,99% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 486 đại biểu tán thành (bằng 97,59% tổng số đại biểu Quốc hội); có 1 đại biểu không tán thành (bằng 0,20% tổng số đại biểu Quốc hội); có 1 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,20% tổng số đại biểu Quốc hội).

Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 485 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 97,39% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 484 đại biểu tán thành (bằng 97,19% tổng số đại biểu Quốc hội); có 1 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,20% tổng số đại biểu Quốc hội).

Tiếp đó, Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp.

Theo: nhandan.vn