Thứ 6, 15/11/2024, 23:19[GMT+7]

UBND tỉnh họp nghe báo cáo một số nội dung quan trọng

Thứ 4, 29/03/2023 | 15:46:09
24,230 lượt xem
Sáng ngày 29/3, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp của UBND tỉnh nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I, nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2023 và một số nội dung quan trọng khác. Dự họp có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Quý I năm 2023, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh ước đạt 14.696 tỷ đồng, đạt 21% kế hoạch và tăng 8,26% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 42.769 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ. Trong đó, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì ổn định, giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt trên 6.200 tỷ đồng, đạt 20,9% kế hoạch, tăng 2,13%. Tổng diện tích gieo trồng cây vụ đông đạt 36.644ha; lúa xuân gieo cấy đúng thời vụ và phát triển tốt, tổng diện tích gieo cấy đạt trên 75.000ha; tổng diện tích lúa cấy bằng máy đạt 18.057ha, tăng 6.108ha, gấp 1,5 lần so với vụ xuân năm 2022. Hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được duy trì ổn định. Khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt trên 28.200 tỷ đồng, đạt 18,9% kế hoạch, tăng 9,06% so với cùng kỳ năm 2022. 

Đầu năm tỉnh đã tổ chức gặp mặt, động viên các doanh nghiệp; tổ chức khởi công, động thổ một số dự án, công trình tạo khí thế thi đua sản xuất sôi nổi, thi đua sản xuất kinh doanh và quảng bá môi trường đầu tư của tỉnh. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, nhà ở được duy trì; tỉnh phối hợp với các tỉnh Nam Định, Ninh Bình khẩn trương hoàn thiện phương án triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc CT.08. 

Tính đến ngày 31/3, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt trên 1.390 tỷ đồng, tăng khoảng 350 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022; tỷ lệ giải ngân đạt 28,3% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 18,7% kế hoạch vốn tỉnh phân bổ.

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Tổng thu ngân sách quý I ước thực hiện 8.765 tỷ đồng, đạt 41,7% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt trên 1.890 tỷ đồng. Thu hút đầu tư được đẩy mạnh, đến ngày 20/3 tỉnh đã cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 28 dự án với tổng số vốn đăng ký 1.370 tỷ đồng. Công tác cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Lãnh đạo Sở Công Thương phát biểu tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tờ trình HĐND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 30/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh ban hành quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với dự án đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025; nghe Sở Xây dựng báo cáo chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2030; kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Thái Bình 5 năm 2021-2025; quyết định phân công, phân cấp quản lý kiến trúc trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo thành phố Thái Bình phát biểu tại cuộc họp.

Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Quý I/2023, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các chủ trương, chính sách, chỉ đạo của trung ương, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong tỉnh nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn cơ bản ổn định và đạt được những kết quả tích cực, duy trì được chất lượng tăng trưởng cao. Đặc biệt, đầu năm nay, tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tỉnh phối hợp với các tỉnh khẩn trương hoàn thiện phương án triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc CT.08 được Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao…

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế để các sở, ngành, địa phương cần nghiêm túc khắc phục như: công tác giải phóng mặt bằng ở một số địa phương còn chậm, thu ngân sách chưa bảo đảm kế hoạch, tình trạng vi phạm Luật Đất đai còn diễn ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh; ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức ở một số sở, ngành, địa phương chưa tốt…

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là với những vướng mắc, khó khăn đã chỉ rõ thì cần tập trung đề ra các giải pháp thực hiện tạo đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, chú trọng công tác phối hợp trong triển khai thực hiện giữa các cơ quan chủ trì và các sở, ngành, địa phương là rất quan trọng, vì vậy, việc phối hợp phải thực sự đồng bộ, nhất quán để đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, phải tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ; đặc biệt là đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính trong các cơ quan, đơn vị, địa phương; phải tạo môi trường công khai, minh bạch, thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính,  từ đó nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh PCI của tỉnh. Các sở, ngành, địa phương tập trung công tác thu ngân sách, đẩy mạnh thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các công trình trọng điểm; chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, trong đó tình trạng xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp, hành lang ATGT…

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương trong tham mưu cho UBND tỉnh đề ra các giải pháp, thực hiện hiệu quả các nội dung, kế hoạch đã đề ra.

Nguyễn Thơi