Thứ 6, 15/11/2024, 08:41[GMT+7]

Nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn trong phát triển kinh tế - xã hội

Thứ 2, 03/04/2023 | 17:24:01
20,179 lượt xem
Ngày 3/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2023, tình hình triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội quý II/2023 và thời gian tới; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự họp tại điểm cầu tỉnh Thái Bình.

Video: 030423_-_HOP_TRUC_TUYEN.mp4?_t=1680523080

 

Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành.

Đại biểu dự họp tại điểm cầu Thái Bình.  

Cơ bản đạt mục tiêu trọng tâm đã được Đảng, Quốc hội thông qua   

3 tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, cơ bản thực hiện tốt các mục tiêu trọng tâm đã được Đảng, Quốc hội thông qua. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định. Thu ngân sách nhà nước quý I ước đạt 30,3% dự toán, trong đó thu nội địa ước đạt 30,9% dự toán, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì, một số lĩnh vực có mức tăng khá như: lĩnh vực dịch vụ với giá trị tăng thêm quý I tăng 6,79% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 95,9% tăng trưởng của cả nền kinh tế; lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản với giá trị tăng thêm quý I tăng 2,52% so với cùng kỳ năm 2022... Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số quốc gia được đẩy mạnh, nhất là các cơ sở dữ liệu quốc gia. Đời sống người dân tiếp tục cải thiện, 93,4% hộ gia đình đánh giá có thu nhập trong quý I không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm 2022. Các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra sôi nổi. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm; chủ quyền quốc gia được giữ vững; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh; thông tin truyền thông được tăng cường.

Năm 2023, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết nghị hơn 711.684 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã giao hơn 707.044 tỷ đồng cho từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Đến ngày 31/3/2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã giao kế hoạch chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án hơn 617.244 tỷ đồng, đạt 87,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước thanh toán đến ngày 31/3/2023 hơn 73.192 tỷ đồng, đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, số tuyệt đối cao hơn khoảng 11.700 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Về tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đến ngày 27/3/2023, có 44/48 địa phương đã giao chi tiết dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2023; trong đó giải ngân vốn năm 2023 ước đến hết 31/3/2023 đạt hơn 2.052 tỷ đồng, đạt 8,5% kế hoạch.

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; các cấp, bộ, ngành đã bám sát diễn biến tình hình để kịp thời chỉ đạo, điều hành theo đúng thẩm quyền với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”. 

Thủ tướng đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội quý I/2023 đó là: tăng trưởng kinh tế chưa được như kỳ vọng và chưa đạt được mục tiêu đề ra, tăng trưởng tín dụng còn thấp, rủi ro nợ xấu gia tăng; sản xuất công nghiệp còn tăng trưởng âm; hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn nhất là việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; thị trường bất động sản và thị trường khác chưa có nhiều cải thiện; đời sống một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân

Cùng với việc nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới đó là bám sát vào các nghị quyết, kết luận của trung ương, Quốc hội, Chính phủ để cụ thể hóa, tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong khó khăn, phức tạp cần giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, quyết tâm cao hơn, sáng tạo hơn; nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, đặc biệt không để lãng phí thời gian, chủ động, kịp thời giải quyết công việc; phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, lấy khó khăn, thách thức, áp lực là động lực phấn đấu vươn lên, tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và sinh kế của người dân. 

Thủ tướng đề nghị tiếp tục nhất quán quan điểm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa lãi suất và tỷ giá, tăng trưởng và lạm phát, cung và cầu, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình bên trong và bên ngoài. Tập trung làm tốt công tác quy hoạch; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, phát huy vai trò tích cực hơn của các tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân; cơ cấu lại nợ, tiếp tục khoanh nợ, giãn nợ, nghiên cứu hoàn thuế cho doanh nghiệp; quyết liệt đơn giản hóa các thủ tục hành chính rườm rà; đẩy mạnh các đột phá chiến lược, rà soát, hoàn thiện thể chế, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, hạ tầng chiến lược; tăng cường nâng cao hiệu quả phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, không trông chờ, ỷ lại, không để địa phương phải đi lại nhiều mà không được việc. Thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, môi trường, bảo đảm đời sống của nhân dân; giải quyết dứt điểm các vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu; củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh; tăng cường công tác truyền thông, truyền thông chính sách.

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; lãnh đạo Bộ Tài chính báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. So với báo cáo tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sau khi đánh giá bổ sung đã có một số thay đổi tích cực như: tốc độ tăng GDP đạt 8,02% so với năm trước (số đã báo cáo 8%), CPI bình quân tăng 3,15% so với năm trước (số đã báo cáo 4%), thu ngân sách nhà nước đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng (cao hơn 201,4 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội), kim ngạch xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2021 (số đã báo cáo 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,5%)...

Về nội dung này, Thủ tướng thống nhất với kịch bản tăng trưởng năm 2023 đạt 6,5%; đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến phát biểu của đại biểu trên cơ sở đó hoàn thiện báo cáo gửi Quốc hội; đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm như: tháo gỡ cho các dự án đang triển khai có vướng mắc về pháp lý; phân cấp ủy quyền nhiều hơn cho cấp dưới; cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa; nghiên cứu đề xuất miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí; cơ cấu lại nhóm nợ, khoanh nợ, giãn nợ; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai thực hiện các nghị định, thông tư đã ban hành; chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội...

 Minh Hương  

Ảnh: Thành Tâm