Thứ 5, 14/11/2024, 11:10[GMT+7]

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội

Thứ 6, 26/05/2023 | 14:18:16
3,377 lượt xem
Khắc phục những bất cập do vị trí yếu thế của người tiêu dùng trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh khi tiến hành giao dịch, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý, qua đó khẳng định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội và bảo vệ người tiêu dùng chính là góp phần bảo vệ quyền hiến định của mỗi công dân.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH).

Theo chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 26/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Trước khi tiến hành thảo luận, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Từng bước hình thành sự chủ động của người tiêu dùng

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan liên quan đã đáp ứng được quan điểm, mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật.

Cụ thể, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được xác định là đạo luật điều chỉnh chung trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, là tiêu chuẩn, cơ sở để tham chiếu trong quá trình xây dựng hay thực thi các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Luật khẳng định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội và bảo vệ người tiêu dùng chính là góp phần bảo vệ quyền hiến định của mỗi công dân; khắc phục những bất cập do vị trí yếu thế của người tiêu dùng trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh khi tiến hành giao dịch; từng bước trang bị các kiến thức, kỹ năng tiêu dùng để hình thành sự chủ động của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Luật hướng tới bảo đảm sự cân bằng trong giao dịch dân sự giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính; tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng và các giao dịch xuyên biên giới…

Về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại khoản 10, Điều 4 theo hướng khi sử dụng dịch vụ công người tiêu dùng được bảo vệ theo quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan.

Các đại biểu dự phiên họp sáng 26/5. (Ảnh: DUY LINH).

Đồng thời, để ngăn chặn việc cung cấp các dịch vụ không bảo đảm chất lượng, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 36 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ công) không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng bổ sung khoản 5, Điều 5 về nghĩa vụ của người tiêu dùng, cụ thể: “Bảo đảm cung cấp chính xác, đầy đủ về các nội dung thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ theo quy định của pháp luật”.

Bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù

Một số ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn nội dung và giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các bên tham gia, giữa người bán và người mua.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, dự thảo Luật đã có nhiều quy định cụ thể về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với các giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, như quy định về giao dịch trên không gian mạng, giao dịch trên nền tảng số, quy định về trách nhiệm chung của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, trách nhiệm cụ thể của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian, xác thực danh tính tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số…

Quang cảnh phiên họp của Quốc hội sáng 26/5. (Ảnh: DUY LINH).

Ngoài ra, Chương II dự thảo Luật còn có các quy định về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, giao kết, chấm dứt hợp đồng, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa khuyết tật, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, không đúng như công bố…

Bên cạnh đó, nội dung này còn được điều chỉnh theo pháp luật về thương mại điện tử cũng như pháp luật khác có liên quan.

Về hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội, dự thảo Luật đã có nhiều quy định để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (trong đó có Hội Bảo vệ người tiêu dùng), như đại diện người tiêu dùng khởi kiện khi có yêu cầu và ủy quyền hoặc tự mình khởi kiện vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng…

Đồng thời, dự thảo Luật đã quy định cụ thể các hoạt động của Hội khi tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phân loại rõ các loại hình tổ chức xã hội để có căn cứ thực hiện việc Nhà nước giao nhiệm vụ, hỗ trợ kinh phí và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.

Về giải quyết tranh chấp tại Tòa án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn phương án quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đồng thời, để bảo đảm các giao dịch từ 100 triệu đồng trở lên vẫn có thể áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự, dự thảo Luật chỉnh sửa theo hướng vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự hoặc khi có đủ một số điều kiện cụ thể được quy định trong dự thảo Luật.

Dự thảo Luật đã rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện các quy định nhằm bảo đảm cân bằng quyền lợi của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong mối quan hệ với người tiêu dùng. 


Ngoài ra, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện các quy định nhằm bảo đảm cân bằng quyền lợi của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong mối quan hệ với người tiêu dùng.

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 Chương, 79 Điều; sửa đổi, bổ sung 63 Điều (bao gồm các Điều được bỏ, chuyển nội dung sang Điều khác, bổ sung 2 Điều), giữ nguyên 16 Điều và bổ sung khoản 5 của Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo dự kiến, sau khi được Quốc hội thảo luận ở hội trường sáng nay, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được biểu quyết thông qua vào phiên họp chiều 20/6 tới.

Theo: nhandan.vn