Thứ 6, 15/11/2024, 21:42[GMT+7]

Đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết kiến nghị cử tri

Thứ 7, 27/05/2023 | 07:05:29
3,225 lượt xem
Đánh giá cao việc lần đầu tiên Quốc hội đưa ra thảo luận nội dung kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, nhiều đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra những tồn tại khi vẫn còn nhiều kiến nghị chưa có lộ trình giải quyết, chưa giải quyết dứt điểm, đồng thời đề xuất các giải pháp để công tác giải quyết kiến nghị cử tri được thực hiện hiệu quả, thực chất hơn.

Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp chiều 26/5. (Ảnh: DUY LINH).

Chiều 26/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. 

Nhiều kiến nghị của cử tri chưa có lộ trình giải quyết

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) khẳng định, theo báo cáo giám sát, tại kỳ họp này Ban Dân nguyện tổng hợp trên 2.000 kiến nghị, qua báo cáo đã giải quyết đạt trên 99,8% - đây là tỷ lệ giải quyết rất cao. Tuy vậy, còn 49 kiến nghị chưa được giải quyết, nhưng trong báo cáo chưa thấy đề cập lý do, chưa giải quyết, trả lời.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu. (Ảnh: DUY LINH).

Ngoài ra, số lượng kiến nghị cử tri đang nghiên cứu, tiếp thu trong thời gian tới cũng còn rất nhiều (338 kiến nghị), trong đó nhiều kiến nghị chưa có lộ trình giải quyết.

Về hình thức, nội dung báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình tại kỳ họp, đại biểu cho rằng vẫn chưa phản ánh rõ nét việc đánh giá, nhận định qua hoạt động giám sát như việc theo dõi, đôn đốc việc giải quyết những kiến nghị xác minh những vấn đề có trình hay tổ chức đoàn giám sát, kiến nghị của cử tri, của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Báo cáo chưa đánh giá Bộ, ngành nào giải quyết tốt, chưa giải quyết tốt để làm tiêu chí, căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đã có 2.593 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Kết quả, có 2.589 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,8%. 


Đánh giá cao việc trả lời kiến nghị cử tri được thực hiện một cách công phu, chỉn chu, kiên trì, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình) cũng chỉ ra, đối với những kiến nghị cụ thể, việc trả lời một số bộ, ngành nhiều khi còn chung chung, mang tính viện dẫn “luật nọ, điều kia” mà không hướng dẫn lộ trình giải quyết cụ thể. Điều này khiến cho cử tri cảm thấy không thỏa đáng.

“Khi nhận các văn bản trả lời, một số văn bản trả lời không mang tính hướng dẫn, giải quyết, điều mà cử tri đang trông chờ. Một số cơ quan, ban, ngành trả lời không đúng, trọng tâm, trọng điểm”, đại biểu nêu rõ.

Đại biểu Nguyễn Tiến Nam - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: DUY LINH).

Ngoài ra, một số cơ quan, bộ, ngành vẫn còn chậm, chưa kịp thời xem xét, trả lời kiến nghị của cử tri. Điều này làm cho quá trình rà soát, đôn đốc của các đoàn đại biểu Quốc hội, Ban Dân nguyện mất nhiều thời gian, công sức.

Nâng cao chất lượng trả lời kiến nghị của cử tri

Để công tác giải quyết kiến nghị cử tri thực hiện hiệu quả, đúng với tính chất, mục đích và giải quyết kiến nghị chứ không chỉ trả lời kiến nghị cử tri, đại biểu Nguyễn Tiến Nam đề nghị đối với những vấn đề mang tính sự vụ cụ thể, các vụ việc về xử lý chế độ chính sách cho người có công hay các kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về quy trình, thủ tục mà địa phương đang bế tắc, trả lời cần có sự hướng dẫn cụ thể, rà soát kỹ hồ sơ vụ việc, trả lời chi tiết để từ đó các sở, ngành liên quan áp dụng và giải quyết được tận gốc…

Cho ý kiến tại phiên họp, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị cần xác định được nguồn để thực hiện giám sát những kiến nghị của nhân dân và cử tri tại mỗi kỳ họp, qua các đoàn đại biểu Quốc hội, thông qua tiếp xúc cử tri và qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể được đầy đủ, đồng bộ hơn.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: DUY LINH).

Bên cạnh đó, đại biểu Trịnh Xuân An cũng phân tích việc trả lời kiến nghị của cử tri chủ yếu được thể hiện thông qua việc giải trình, cung cấp thông tin, qua đó làm rõ nhiều vấn đề cử tri quan tâm.

Tuy nhiên, theo đại biểu, góc độ khác cho thấy, các quy định của hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ và rất nhiều vấn đề cử tri phải hỏi, các bộ, ngành giải trình và phải cung cấp khối lượng thông tin rất lớn. Do đó, đại biểu kiến nghị cần phải có kênh thông tin để thấy được cử tri và nhân dân đồng tình với việc giải trình, cung cấp thông tin hay không.

Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng công tác trả lời kiến nghị của cử tri đã tốt nhưng việc trả lời như thế nào cần được đánh giá kỹ hơn, bởi có tình trạng các kiến nghị không chỉ của cử tri, còn kiến nghị của các địa phương gửi về các bộ, ngành, gửi Chính phủ trả lời theo hướng theo quy trình hoặc theo quy định của pháp luật.

Như vậy rất khó cho việc thỏa mãn ý kiến của cử tri, cũng như đáp ứng vai trò quản lý nhà nước. Do đó, cần có tiêu chí để đánh giá việc trả lời kiến nghị cử tri, của các địa phương.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định. (Ảnh: DUY LINH).

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho biết, nhiều kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định đã được các cơ quan chức năng tiếp thu, trả lời cụ thể. Nhiều vụ việc khó, phức tạp đã tồn tại lâu đã được giải quyết.

Tuy nhiên, theo đại biểu Lý Tiết Hạnh, vẫn còn nhiều ý kiến kiến nghị của cử tri gửi đến các cơ quan chức năng, đặc biệt là những kiến nghị liên quan đến nhiều bộ, ngành chưa được giải quyết dứt điểm.

Đại biểu cho rằng, cần có cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và quy định rõ trách nhiệm chủ trì trong việc giải quyết những kiến nghị có liên quan đến nhiều bộ, ngành, đặc biệt là những kiến nghị liên quan đến chính sách.

Đồng thời, đại biểu cũng kiến nghị khi triển khai những chính sách cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng, cân nhắc xem xét những tác động trực tiếp, gián tiếp để có những quy định hợp lý ngay từ đầu, góp phần giảm thiểu những khiếu nại, khiếu kiện. Trong quá trình thực hiện cần tăng cường vai trò giám sát để kịp thời phát hiện những vướng mắc, có cơ chế điều chỉnh, bổ sung.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh cũng đề nghị, để bảo đảm theo dõi tổng hợp đầy đủ các kiến nghị và giám sát các kiến nghị, cần có danh mục các kiến nghị và liên thông với các đoàn đại biểu Quốc hội để Quốc hội theo dõi, giám sát các kiến nghị này đến cùng, cũng như để các đại biểu Quốc hội có thể trả lời các cử tri.

Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: DUY LINH).

Bày tỏ đồng tình với nhiều ý kiến đã phát biểu trước, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho biết, trên thực tế, công tác giải quyết kiến nghị của cử tri cũng còn có nhiều vướng mắc, khó khăn, nhiều vấn đề vướng mắc trong cơ chế…

Đại biểu đề nghị cần phải đánh giá đúng vấn đề này. Chính phủ, các bộ, ngành cần phải rà soát, xem xét lại, đối với những vấn đề chưa ban hành thì cần khẩn trương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật.

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cần tăng cường giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, phải làm thường xuyên và phải được giám sát mở rộng. Đặc biệt, cần giám sát trách nhiệm người đứng đầu trong việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, cũng như giám sát việc phối kết hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong vấn đề giải quyết các kiến nghị.

Đại biểu đề nghị, tại các kỳ họp thường kỳ, Quốc hội nên đưa nội dung này vào thảo luận, thông qua đó trách nhiệm các cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết kiến nghị của cử tri sẽ được nâng cao hơn, chất lượng giải quyết các kiến nghị của cử tri cũng sẽ được nâng lên.

Theo: nhandan.vn