Thứ 6, 15/11/2024, 19:48[GMT+7]

Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo các nghị quyết của Quốc hội

Thứ 3, 30/05/2023 | 20:28:36
4,634 lượt xem
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều ngày 30/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo các nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tại phiên thảo luận tổ.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các vị đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại Tổ 10 gồm các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Hà Giang và Đồng Tháp.

Tham gia thảo luận, đa số đại biểu Tổ 10 tán thành với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); cho rằng hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan chuẩn bị công phu, nghiêm túc theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Về phạm vi đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND (Điều 2), các ý kiến cơ bản tán thành với phạm vi đối tượng được Quốc hội, HĐND lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm như quy định của dự thảo Nghị quyết. Đồng thời cũng cho rằng việc quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 06 tháng trở lên là phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm tính nhân văn.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tham gia vào một số nội dung cụ thể như: Đề nghị làm rõ việc dự thảo Nghị quyết không đưa một số chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn vào diện được lấy phiếu tín nhiệm, như Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Phó Trưởng ban của HĐND, Hội thẩm Tòa án nhân dân; Làm rõ một số quy định về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; quy định trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp mà không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm, thay vì quy định “cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm”…

Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, đa số ý kiến đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm tạo sự đột phá, gỡ vướng về thể chế đang cản trở thành phố phát triển. Hơn nữa, chính sách vượt trội không chỉ cần thiết đối với Thành phố, mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước.

Việc ban hành Nghị quyết cũng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định rõ: “Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo ban hành Nghị quyết của Quốc hội (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14) để cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển Thành phố Hồ Chí Minh” và Nghị quyết số 76/2022/QH15 của Quốc hội quy định: “Giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 trong thời gian sớm nhất”. Bên cạnh căn cứ chính trị, cơ sở pháp lý, căn cứ thực tiễn, các đại biểu cho rằng việc ban hành nghị quyết còn là mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước, không riêng gì chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Góp ý về các nội dung cụ thể, các đại biểu bày tỏ đồng tình với việc thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông quy định tại khoản 2 Điều 4, đây là mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, đặc biệt phù hợp với những thành phố lớn. Với mô hình này sẽ lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán. Ưu điểm phát triển đường sắt đô thị là tối đa hóa giá trị tăng thêm từ đất nhằm bù đắp vốn đầu tư cho xây dựng hạ tầng giao thông; tối đa hóa lưu lượng hành khách sử dụng đường sắt đô thị, giải quyết ùn tắc giao thông và còn làm gia tăng giá trị đất đai, không gian đô thị…

Trước đó, tại phiên làm việc buổi sáng, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đồng thời, thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)