Thứ 6, 15/11/2024, 16:53[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về các dự án luật

Thứ 7, 10/06/2023 | 16:18:00
4,956 lượt xem
Sáng ngày 10/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, các đại biểu Quốc hội thuộc các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Hà Giang, Đồng Tháp thảo luận tại tổ về các dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi). Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình chủ trì buổi thảo luận.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình chủ trì thảo luận.

Đối với Luật Căn cước công dân, các ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý công dân trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết các thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng đây là luật liên quan đến nhiều nội dung về thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng, chia sẻ nhiều thông tin liên quan trực tiếp đến con người, đến quyền bảo vệ dữ liệu thông tin bí mật đời tư cá nhân được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Do vậy, các quy định trong luật cần bảo đảm cụ thể, rõ ràng, tránh việc nêu chung chung và không rõ khái niệm, có thể gây ra những lo ngại không đáng có của cử tri và nhân dân. Những thông tin được thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu căn cước và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cần được cụ thể, rõ phạm vi và nội hàm thông tin và cần thống nhất quan điểm và nguyên tắc là các thông tin trong các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước phải hoàn toàn khác so với dữ liệu trong hồ sơ theo dõi, hồ sơ điều tra hình sự, hồ sơ tội phạm, hồ sơ phản gián,… mà các cơ quan chức năng thực hiện theo thẩm quyền.

Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung đánh giá tác động của việc triển khai cập nhật 8 loại dữ liệu công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia sau khi Luật được thông qua. Đề nghị quy định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, trưởng ngành ở trung ương và địa phương trong kết nối, chia sẻ với vơ sở dữ liệu quốc gia. Chính phủ cần rà soát và quyết định bao nhiêu cơ sở dữ liệu quốc gia cho phù hợp, tránh tràn lan, gây lãng phí.

Việc triển khai cơ  sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, căn cước điện tử… đòi hỏi hạ tầng viễn thông, kết nối dữ liệu quốc gia phải luôn thông suốt, không bị tắc nghẽn; tuy nhiên thực tế cho thấy không phải tất cả các khu vực đều được phủ sóng 3G, 4G; nhất là khu vực biên giới liên tục có tình trạng chèn sóng của nước láng giềng. Do vậy, đề nghị đặc biệt quan tâm đến việc  bảo đảm thông tin viễn thông để tạo thuận lợi cho người dân.

Tán thành với việc sửa đổi Luật Viễn thông, các ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng việc sửa đổi lần này nhằm bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh mâu thuẫn với các luật khác đã có hoặc đang sửa. Đối với phạm vi điều chỉnh, các ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét cân nhắc việc đưa các dịch vụ: “dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ trung tâm dữ liệu” vào quản lý trong Luật Viễn thông, để bảo đảm mục tiêu khuyến khích phát triển dịch vụ, huy động nguồn lực vốn và công nghệ từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực đầu tư nước ngoài; đồng thời đưa “dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông” vào nội dung điều chỉnh trong “Luật An ninh mạng” và “dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây” đưa vào “Luật Công nghệ thông tin” cho phù hợp với thực tiễn.

Về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, các ý kiến tán thành với việc duy trì quỹ này, đồng thời đề nghị bổ sung thêm những quy định cụ thể về tổ  chức, nguyên tắc hoạt động, nguồn thu, mức thu, nhiệm vụ chi thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước và quyền hạn của Quỹ; quy định về quản lý tài chính, kiểm toán báo cáo tài chính hằng năm của Quỹ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm nội dung quy định về quản lý tài chính, kiểm toán báo cáo tài chính hằng năm của Quỹ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, cụ thể và tăng tính hiệu quả của Quỹ. 

Các ý kiến cũng đề nghị quy định cụ thể hơn về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và khách hàng thụ hưởng, nhất là trong các vấn đề liên quan đến an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ bí mật đời tư cá nhân; quy định chặt chẽ việc bảo mật thông tin cá nhân, ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông trong việc trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông và bổ sung thêm nội dung về quy định cấm sử dụng sim không chính chủ để thực hiện các hành vi quảng cáo, nhắn tin… gây phiền hà tới người sử dụng dịch vụ viễn thông.

Buổi chiều, Quốc hội tiến hành thảo luận toàn thể ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)