Thứ 6, 15/11/2024, 16:35[GMT+7]

Thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Thứ 4, 21/06/2023 | 17:15:01
5,239 lượt xem
Ngày 21/6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ năm, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội dành thời gian 1 ngày để thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp, cho biết, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật này. Sau kỳ họp, dự án Luật đã được tổ chức lấy ý kiến sâu rộng đối với mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước. Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động nhiều hoạt động đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng việc lấy ý kiến nhân dân, tích cực tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu thảo luận.

Ngày 9/6/2023, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đã có 186 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại 19 tổ; không khí thảo luận sôi nổi, nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trí tuệ, trách nhiệm. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về những vấn đề trọng tâm trong dự án Luật cũng như những vấn đề các đại biểu quan tâm.

Tham gia phát biểu thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã được chỉnh lý, hoàn thiện rất công phu, nghiêm túc, tiếp thu tối đa ý kiến của nhân dân, các cơ quan, tổ chức, chất lượng được nâng lên rất nhiều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã rất nỗ lực để tiếp thu 12 triệu lượt ý kiến và bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Trong đó, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến và đề nghị cần hoàn thiện thêm vấn đề về chênh lệch địa tô và giá đất. Bởi, đất đai là tài sản lớn nhất của quốc gia nên cần cơ chế, chính sách để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện trong quản lý đất đai. Để góp phần điều tiết địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch, các đại biểu nêu vấn đề, quy định tại Điều 158, dự thảo Luật, về nguyên tắc xác định giá đất, chưa đủ điều kiện để thực hiện xác định giá đất trong đời sống thực tế. Cơ sở để xác định giá đất tiệm cận với giá thị trường vẫn là điều còn mơ hồ, giá đất năm 2022 khác với giá đất năm 2024 thì xác định như thế nào để không thất thoát là điều rất khó. Mặt khác, việc xác định giá đất như thế nào để hài hòa được lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, nếu cứ theo phương án an toàn, thì tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư sẽ quá lớn, khó thu hút nhà đầu tư. Do vậy, đại biểu đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất theo giá thị trường, bảo đảm rõ ràng, thể chế hóa đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của Nghị quyết số 18. Nhiều đại biểu cũng cho rằng, để xác định giá đất tiệm cận giá thị trường phải có dữ liệu thị trường tin cậy, hệ thống thu thập cơ sở dữ liệu thông tin đất đai đồng bộ trên cơ sở các quy định pháp luật. Khi có cơ sở dữ liệu bảo đảm tính pháp lý sẽ xác định giá đúng, từ đó bồi thường thiệt hại đúng, thu tiền sử dụng đất đúng, bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa nhà nước, nhà đầu tư, người dân, bảo đảm công khai, minh bạch, không gây thất thoát nguồn lực từ đất đai, tránh rủi ro cho cán bộ thực hiện. Do vậy, cần tiếp tục nghiên cứu để quy định rõ nội dung liên quan về thông tin đầu vào. Xuất phát từ thực tế này, các đại biểu đề nghị, cần quy định chi tiết, rõ ràng nội dung, phương pháp xác định giá đất, điều kiện áp dụng phương pháp xác định giá đất trong dự thảo Luật Đất đai, bảo đảm dễ thực hiện, đồng thời, cần cụ thể hóa cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, cải tiến phương pháp định giá đất, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và nhà đầu tư, bảo đảm thực hiện theo nguyên tắc thị trường khi những phương pháp quy định trong dự thảo Luật đều đã áp dụng từ Luật Đất đai năm 2013 nhưng chưa giải quyết được vấn đề này.

Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đề nghị dự thảo Luật sửa đổi theo hướng, với một số quy hoạch đã được phê duyệt, cho phép được lập dự án giải phóng mặt bằng độc lập song song hoặc trước dự án đầu tư để có sự chủ động, rút ngắn thời gian đầu tư. Liên quan đến việc giải phóng mặt bằng thì diện tích đất cần thu hồi phải chuyển mục đích sử dụng. Tham khảo kinh nghiệm một số nước trên thế giới, đại biểu cho biết, có hình thức đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông dựa trên sự thỏa thuận giữa người có quyền sử dụng đất với nhà đầu tư, không cần chuyển mục đích sử dụng đất. Đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định trong Luật đối với một số dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông nhất định, có thể sử dụng hình thức góp vốn bằng toàn bộ hoặc một phần quyền sử dụng đất mà không phải chuyển mục đích sử dụng đất…

 Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh)