Thứ 6, 15/11/2024, 10:51[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước

Thứ 5, 02/11/2023 | 15:32:46
10,580 lượt xem
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng ngày 02/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024-2026; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2023, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2024 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý; việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương).

Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình dự phiên họp.

Tại phiên thảo luận, đã có 22 đại biểu Quốc hội phát biểu, có 1 đại biểu tham gia tranh luận, các đại biểu Quốc hội đã tham gia nhiều ý kiến quan trọng, tâm huyết về ngân sách nhà nước, tài chính quốc gia, an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia, bảo đảm nguồn lực ngân sách nhà nước cho phát triển kinh tế - xã hội. Các đại biểu Quốc hội cũng thống nhất, năm 2023 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bối cảnh thế giới và kinh tế - xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến thu, chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước có nhiều kết quả tích cực: Thu ngân sách nhà nước năm 2021, 2022 vượt rất cao so với dự toán, năm 2023 dự kiến đạt dự toán. Nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế được thực hiện để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất. Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu tăng dần, cơ cấu chi tiếp tục dịch chuyển tích cực, các nhiệm vụ chi cho an sinh xã hội, an ninh, quốc phòng cơ bản được bảo đảm. Công tác quản lý nợ công có nhiều tiến bộ, các chỉ tiêu an toàn nợ của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương trong mức trần và ngưỡng an toàn.

Các đại biểu Quốc hội tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện về thể chế thu, chi ngân sách, cơ cấu lại ngân sách theo hướng bền vững, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý ngân sách nhà nước. Cải thiện công tác kế hoạch dự toán, nhất là dự toán thu ngân sách nhà nước, phân bổ giao dự toán ngân sách trung ương và giao kế hoạch dự toán chi đầu tư bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật ngân sách, giảm nợ thuế, giảm chi chuyển nguồn, không để xảy ra tình trạng nợ đọng đầu tư. Đẩy mạnh cơ cấu sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, kiểm soát vay, trả nợ, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ. Huy động và sử dụng có hiệu quả vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện thực chất và hiệu quả chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư của xã hội, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia…

Buổi chiều, các vị đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Tham gia thảo luận tại Tổ 10 cùng với các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu và Ninh Thuận, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã tham gia phát biểu cơ bản nhất trí với việc kế thừa, giữ các quy định về mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, cách tính lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đang quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và tập trung sửa đổi một số nội dung: Về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; về trợ cấp hưu trí xã hội và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; quy định về xử lý vi phạm chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; về bảo hiểm xã hội một lần và về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội;…

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)