Chủ nhật, 10/11/2024, 05:34[GMT+7]

Trông cây lại nhớ đến Người

Chủ nhật, 01/09/2013 | 21:42:46
9,135 lượt xem
Còn nhớ ngày đầu tiên của năm mới - mùng 1 Tết Nguyên đán Đinh Mùi 1967, đong đầy tình thương yêu trìu mến, Người đã dặn dò ân cần tha thiết: "Bây giờ Bác rất vui lòng thấy Thái Bình có tiến bộ nhiều. Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt". Trông cây lại nhớ đến Người, bởi chính lời căn dặn, chính mong muốn cháy lòng của vị Cha già mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Thái Bình đã nỗ lực phấn đấu gặt hái nhi

Một đơn vị bộ đội Thái Bình lên đường đi chiến đấu. Ảnh tư liệu

Đã có rất nhiều nhận định cho rằng, một trong những nét độc đáo của thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là mặc dù Lệnh Tổng khởi nghĩa ban hành không đến được với phần lớn các địa phương trên toàn quốc, nhưng nhân dân từ Bắc chí Nam vẫn đồng loạt nổi dậy chớp thời cơ, thống nhất ý chí, thống nhất hành động, thống nhất mưu lược, mở ra trang sử vẻ vang, chói lọi bậc nhất của một dân tộc kiên cường và anh hùng. Quán triệt chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", trong đó đã chỉ rõ thời cơ khởi nghĩa, Tỉnh ủy Thái Bình quyết định khởi nghĩa trong lúc chưa nhận được mệnh lệnh của Trung ương. Chiều 18/8, lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên cổng phủ Thái Ninh, sau đó Thị xã Thái Bình và 6 phủ huyện: Quỳnh Côi, Tiên Hưng, Phụ Dực, Đông Quan, Duyên Hà, Thụy Anh cũng đều khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Đêm 20/8, Lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương đến càng khẳng định tính đúng đắn và kịp thời của Tỉnh ủy Thái Bình. Được tiếp thêm niềm tin chiến thắng, đến 23/8, nhân dân các phủ huyện còn lại trong tỉnh nhất tề đứng lên phá tan xiềng xích nô lệ, giành lại độc lập tự do.

Vậy là những tổn thất nặng nề do địch khủng bố suốt từ năm 1939 và nạn đói diễn ra trầm trọng cướp đi sinh mạng của biết bao nhiêu người dân cùng khổ, trong đó không ít trẻ em, không làm nhụt ý chí tiến công cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình. Dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Tỉnh ủy, Đảng bộ Thái Bình đã nhanh chóng thống nhất lực lượng cách mạng trong toàn tỉnh, chủ động chuẩn bị về mọi mặt, đón đúng thời cơ phát động nhân dân khởi nghĩa giành thắng lợi chỉ trong 6 ngày. Kể từ bước ngoặt lịch sử vĩ đại của phong trào cách mạng này, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Thái Bình bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của độc lập tự do.

Theo dòng lịch sử, sau Cách mạng Tháng Tám, tính từ thử thách đầu tiên:  đê Đìa (Hưng Nhân) và đê Mỹ Lộc (Thư Trì) bị vỡ ngay trong lúc người dân tột cùng niềm vui của người làm chủ đất nước, Thái Bình đã chèo lái con thuyền cách mạng qua không kể hết thác ghềnh. Công cuộc kiến quốc và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc thắng lợi đã khẳng định bài học huy động toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến với những khẩu hiệu đi vào lịch sử "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", "Lao động quên mình, tất cả cho kháng chiến, tất cả để chiến thắng"… Và cũng chính với đường lối kháng chiến  toàn dân, toàn diện này, Thái Bình không chỉ là hậu phương cho hậu phương lớn của cả nước với tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "Dốc lòng chi viện tiền tuyến", mà Đảng bộ và nhân dân của vùng quê 5 tấn còn vững vàng trường kỳ kháng chiến chống Mỹ đầy hy sinh gian khổ, nhưng vô cùng anh dũng, thắng lợi vẻ vang, hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mặc dù trong điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, phức tạp, song với phương châm phát triển sản xuất "từ đất và sức lao động đi ra, từ lúa và lợn đi lên", với ý chí quyết tâm thống nhất trong cả nhận thức và hành động, một lần nữa Thái Bình lại đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, tạo tiền đề vững chắc bước vào thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Có một dấu ấn ghi đậm là sau Mùa Thu cách mạng năm 1945, khi chính quyền nhân dân vừa mới ra đời đứng trước muôn vàn thử thách, Bác Hồ đã về thăm Thái Bình hai lần trong năm 1946, sự kiện này đã kịp thời khích lệ, động viên Đảng bộ và nhân dân thêm phấn chấn, thêm niềm tin ở chặng đường còn nhiều gian khổ và chông gai phía trước. Lần thứ  5 và cũng là lần cuối cùng Bác về thăm Thái Bình nhân dịp mừng công 5 tấn, còn nhớ ngày đầu tiên của năm mới - mùng 1 Tết Nguyên đán Đinh Mùi 1967, đong đầy tình thương yêu trìu mến, Người đã dặn dò ân cần tha thiết: "Bây giờ Bác rất vui lòng thấy Thái Bình có tiến bộ nhiều. Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt".

Gần 47 năm đã trôi qua, Thái Bình vẫn khắc ghi tâm nguyện của Bác, chỉ có một điều khác là hạt giống của niềm tin, của sự ngưỡng vọng ươm trồng ngày ấy, bây giờ đã bật lộc vươn cây, đơm hoa thơm, kết nhiều trái ngọt. Địa phương đầu tiên của miền Bắc đạt đỉnh cao năng suất lúa 5 tấn/ha ngày ấy, nay đã xây dựng được nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân cao hơn hẳn so với trước đây. Tỉnh đi đầu cả nước trong phong trào xây dựng điện - đường - trường - trạm ngày ấy, nay trở thành một trong những tỉnh điểm xây dựng nông thôn mới với kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông nghiệp, nông thôn  được đầu tư đổi mới rõ nét từ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sức mạnh huy động nội lực, tự nguyện góp công, góp của, hiến đất, hiến nhà… của đông đảo nhân dân trong toàn tỉnh.

Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là nhân dân vùng nông thôn. Thêm vào đó, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đưa Thái Bình ngày càng tiến nhanh hơn trên con đường phát triển bền vững, phấn đấu trở thành tỉnh nông thôn mới vào năm 2020.

Trông cây lại nhớ đến Người, bởi chính lời căn dặn, chính mong muốn cháy lòng của vị Cha già mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Thái Bình đã nỗ lực phấn đấu gặt hái nhiều mùa vàng bội thu. Mỗi mùa thu cách mạng, mỗi dịp Quốc khánh 2/9, nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, càng cảm nhận thấu trong tim giá trị của độc lập tự do, giá trị của no ấm hạnh phúc. Trên mỗi chặng đường đi tới những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra, chắc chắn những bài học thực tiễn từ truyền thống đấu tranh cách mạng sẽ giúp mỗi người con quê hương Thái Bình thêm lửa nhiệt huyết, thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng bộ để ươm cây, đón quả ngọt.

Thế An
                                                                                                    

  • Từ khóa