Thứ 7, 23/11/2024, 10:58[GMT+7]

Hội thảo khoa học cấp Bộ “Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao – Đột phá chiến lược phát triển vùng đồng bằng sông Hồng”

Thứ 3, 30/07/2024 | 15:46:49
24,220 lượt xem
Sáng ngày 30/7, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức hội thảo khoa học cấp Bộ “Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao – Đột phá chiến lược phát triển vùng đồng bằng sông Hồng”.

Các đồng chí lãnh đạo chủ trì hội thảo.

Dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí: GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí lãnh đạo Tạp chí Lý luận chính trị, Trường Đại học Thái Bình. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh và đại diện các đơn vị liên quan.

Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc hội thảo khoa học.

Video: 300724_-_HOI_THAO_KHOA_HOC_S1.mp4?_t=1722334719

 

 Phát biểu chào mừng, đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh chủ đề hội thảo khoa học là vấn đề tỉnh Thái Bình và các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng đang rất quan tâm, trăn trở thực hiện nhằm tạo bước đột phá chiến lược cho phát triển trong giai đoạn hiện nay. Tỉnh Thái Bình hiện có khoảng 2 triệu người, tỷ lệ trong độ tuổi lao động khoảng 60%, đây chính là lợi thế của Thái Bình mà không phải địa phương nào cũng có. Hơn nữa, toàn tỉnh hiện có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 2 trường đại học, 3 trường cao đẳng. Theo thống kê, năm 2023 tuyển sinh và đào tạo cho khoảng 36.700 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25%; tỷ lệ lao động qua đào tạo ngành nghề cung ứng cho khu công nghiệp đạt khoảng 61%. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX xác định “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội” là 1 trong 3 đột phá phát triển của tỉnh. Hiện nay, Đại học Thái Bình là trường đại học công lập đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực thuộc tỉnh Thái Bình, nằm trong các trường tốp đầu của khu vực đồng bằng sông Hồng. Trường Chính trị tỉnh Thái Bình là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh mong rằng thông qua hội thảo lần này sẽ mở ra những gợi ý mới để thúc đẩy xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp cho tỉnh Thái Bình nói riêng, khu vực đồng bằng sông Hồng nói chung có những phát triển đột phá mạnh mẽ; góp phần “Xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng” theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.

GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn tại hội thảo.  

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo khoa học, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là đột phá chiến lược, là yếu tố quan trọng thúc đẩy khoa học, công nghệ, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho sự phát triển nhanh, bền vững của vùng đồng bằng sông Hồng. Hội thảo khoa học là hoạt động quan trọng để nhìn nhận, đánh giá thực trạng và đề ra giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội thật sự là động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại vùng kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.

Lãnh đạo Trường Đại học Thái Bình phát biểu tại hội thảo. 

Lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh Thái Bình phát biểu tham luận tại hội thảo.

Ban tổ chức hội thảo khoa học đã nhận được gần 40 bản báo cáo, tham luận. Theo chủ đề hội thảo, từ nhiều góc độ khác nhau, bằng những luận cứ khoa học, các nhà khoa học, các đại biểu đã tập trung phân tích, lý giải về sự cần thiết phải xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ở vùng đồng bằng sông Hồng; thực trạng xây dựng nguồn nhân lực vùng đồng bằng sông Hồng; trên cơ sở đó đề xuất phương hướng, giải pháp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ở vùng đồng bằng sông Hồng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Các nhà khoa học, đại biểu đều nhận định công tác xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bằng sông Hồng là một quá trình bền bỉ, mang tính chiến lược lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của các bên, bao gồm chính quyền địa phương, các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, các doanh nghiệp và toàn xã hội. Trong đó, đặc biệt chú trọng vào hoàn thiện các cơ chế, chính sách đào tạo, thu hút, sử dụng và đãi ngộ nhân tài. Từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục, đào tạo.

Các đại biểu dự hội thảo. 

Đặng Anh