Thứ 4, 13/11/2024, 05:21[GMT+7]

Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV Quốc hội tiếp tục thảo luận về các dự án luật

Thứ 4, 30/10/2024 | 16:32:35
10,943 lượt xem
Sáng 30/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu và dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu thảo luận.

Thảo luận tại tổ 10 gồm đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông và Tiền Giang, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã tham gia phát biểu đánh giá sự cần thiết về việc trình 1 luật, sửa 4 luật nhằm tạo điều kiện cho Chính phủ tập trung chỉ đạo xây dựng các chiến lược và xây dựng thể chế tài chính, hạn chế xử lý những vấn đề mang tính chất sự vụ; tạo tính chủ động cho các cấp khi phân cấp, phân quyền, tránh lãng phí về thời gian, kinh phí, từ đó tạo sự linh hoạt, tính chịu trách nhiệm cao hơn của các cấp được phân cấp, phân quyền. Đồng thời, các đại biểu cũng góp ý vào nhiều nội dung cụ thể liên quan tới: tính thống nhất của dự án Luật với hệ thống pháp luật; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư; đấu thầu thuốc cho nhà thuốc bệnh viện; về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư…

Bên cạnh đó, các đại biểu lưu ý, cần làm rõ hơn các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án PPP thời gian qua để có giải pháp phù hợp hơn; nghiên cứu xử lý dứt điểm các hợp đồng BT đã ký kết trước đây, không nên mở rộng hình thức này khi chưa có kết luận rõ ràng. Ngoài ra, để bảo đảm tính khả thi của quy định về loại hợp đồng BT, đề nghị quy định theo hướng giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết đối với cơ chế, trình tự, thủ tục của loại hợp đồng BT theo nguyên tắc đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập, hạn chế trong việc thực hiện, phát huy lợi thế của loại hợp đồng BT, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực…

Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng không nhân dân.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thống nhất về việc chuyển nội dung quy định về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ trong Luật Hàng không dân dụng Việt Nam sang dự thảo Luật Phòng không nhân dân nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho công tác quản lý về lĩnh vực này. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi, thống nhất các khái niệm trong hệ thống pháp luật, vì trong các văn bản dưới luật, nhất là các nghị định của Chính phủ đang sử dụng khái niệm “phương tiện bay siêu nhẹ” và với nội hàm không thống nhất với khái niệm “phương tiện bay khác” tại dự thảo Luật. Ngoài ra, đại biểu cũng tham gia vào một số nội dung cụ thể như: Việc tổ chức lực lượng phòng không nhân dân trong các doanh nghiệp, đại biểu cho rằng quy định này chỉ phù hợp với loại hình các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, công trình năng lượng lớn của quốc gia. Còn đối với các doanh nghiệp khác, quy định này chưa thực sự phù hợp; cần quy định rõ ràng, cụ thể, chi tiết các trường hợp đình chỉ thực hiện chuyến bay, về thẩm quyền đình chỉ chuyến bay; về tạm giữ, chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay...

 

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh)