Thứ 7, 23/11/2024, 06:02[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy

Thứ 6, 08/11/2024 | 18:00:44
8,701 lượt xem
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, sáng ngày 8/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dữ liệu.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ.

Qua thảo luận, đã có 15 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, các ý kiến thống nhất cho rằng, việc xây dựng Luật Dữ liệu là cần thiết để bảo đảm công tác chuyển đổi số quốc gia, nhằm phục vụ quản lý nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa thắt chặt dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Đồng thời, các đại biểu Quốc hội cũng tham gia vào một số nội dung cụ thể như đề nghị rà soát bố cục cho phù hợp, sắp xếp lại một số chương, điều; bổ sung điều về chính sách của Nhà nước về dữ liệu; về xác lập dữ liệu cá nhân, lưu trữ dữ liệu, dữ liệu mở, dữ liệu dùng chung, rà soát không để trùng lắp, tạo thống nhất trong hệ thống pháp luật để phát huy dữ liệu vừa là tài sản quốc gia, vừa là tài nguyên, vừa là nguồn lực cho sự phát triển của đất nước; về nguyên tắc xử lý, bảo vệ dữ liệu, cần phải bổ sung nguyên tắc mà bao hàm được cả hoạt động dữ liệu, có nghĩa bao gồm cả xây dựng, quản trị dữ liệu, xử lý dữ liệu, bảo vệ dữ liệu, bảo đảm đồng bộ, thống nhất dữ liệu cả trong xây dựng, trong quản trị, trong xử lý, trong bảo vệ, phù hợp với từng cấp độ bảo vệ của từng cơ sở dữ liệu; nhất trí về cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và Trung tâm Dữ liệu quốc gia nhưng cần quy định rõ nguyên tắc tổ chức, hoạt động, mối quan hệ giữa các trung tâm, cơ sở dữ liệu, không quy định về tổ chức bộ máy cụ thể, cần có lộ trình cụ thể để thu thập vào cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và Trung tâm Dữ liệu quốc gia.

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về: Chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).

Các đại biểu nhất trí với chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy để nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy; hướng tới giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy. Tổ chức phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma túy từ sớm, từ xa; không để Việt Nam trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển và tiêu thụ ma túy; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, trang thiết bị tiên tiến vào công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma túy. Từng bước làm giảm bền vững số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy; góp phần chăm sóc, bảo vệ tốt hơn quyền con người; xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước…

Đối với việc sửa đổi Luật Quảng cáo, các đại biểu đánh giá dự thảo Luật được bố cục gồm 3 điều, cơ bản đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 3 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được thông qua bằng việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Quảng cáo năm 2012. Các đại biểu cũng tham gia các nội dung cụ thể như về quy định về hoạt động quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo; quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và quảng cáo trên phương tiện báo chí; hoạt động quảng cáo ngoài trời…

Các đại biểu cũng thảo luận thống nhất cho rằng việc sửa đổi Luật Hóa chất là cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng trong lĩnh vực hóa chất và khắc phục một số vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế hiện nay và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Nội dung của dự thảo đã bám sát 4 chính sách lớn gồm: Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại; quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn hóa chất. Các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân được vận chuyển hóa chất; cấp giấy phép vận chuyển hóa chất; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vận chuyển hóa chất để xảy ra sự cố về hóa chất gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của con người…

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)