Thứ 4, 14/05/2025, 20:46[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và các dự án luật

Thứ 4, 14/05/2025 | 16:04:24
335 lượt xem
Sáng ngày 14/05, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận.

Tham gia thảo luận Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình bày tỏ thống nhất sự cần thiết ban hành, phạm vi sửa đổi và các nội dung cơ bản của dự thảo luật. Bên cạnh đó, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát và bổ sung quy định chuyển tiếp trong dự thảo luật và các quy định khác có liên quan đặc biệt là các dự thảo luật có sửa đổi và thông qua tại kỳ họp này như Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân; Luật Thanh tra, Luật sửa đổi Luật quy hoạch và Luật sửa đổi một số điều của các luật Đấu thầu, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, luật đầu tư, luật đầu tư công....

Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham gia phát biểu thảo luận.

Góp ý nội dung cụ thể, tại khoản 9, Điều 15 của dự thảo quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh, đại biểu đề nghị bổ sung quy định: “Giám sát hoạt động của Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh và giám sát hoạt động của các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh” nhằm hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước tại địa phương. Về quyền chất vấn của đại biểu HĐND, đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành để bảo đảm tính thống nhất giữa Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đồng thời bảo đảm thực hiện tốt quyền giám sát. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về phân cấp, ủy quyền cho các sở, ngành thuộc UBND tỉnh; bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND tỉnh trong chỉ đạo, xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp liên quan đến thiên tai, dịch bệnh; quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách trong những trường hợp thật sự cần thiết, vượt quá thẩm quyền. Đồng thời, đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, chia tách, sáp nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định.

Buổi chiều, dưới sự điều hành phiên họp của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cán bộ, công chức nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức bảo đảm tính đồng bộ, liên thông trong hệ thống cán bộ, công chức từ Trung ương đến cơ sở, phù hợp với tinh thần sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Cán bộ, công chức hiện hành. Ngoài ra, các đại biểu tham gia thảo luận về các nội dung cụ thể của dự thảo như: sửa đổi các quy định để liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh; thống nhất chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã; nguyên tắc thi hành công vụ, quản lý cán bộ, công chức; chính sách thu hút người có tài năng trong hoạt động công vụ; về nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức; về vị trí việc làm công chức và ngạch công chức; về chuyên gia cao cấp, chuyên viên, cán sự, nhân viên; về điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ đối với công chức; về đào tạo, bồi dưỡng công chức; về thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm, thôi việc, nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức và về các điều khoản chuyển tiếp…

Vũ Sơn Tùng

(Phó Chánh Văn phòng)