Thứ 7, 24/05/2025, 20:38[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về các luật, nghị quyết

Thứ 7, 24/05/2025 | 17:25:25
357 lượt xem
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng ngày 24/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu thảo luận.

Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, ngăn chặn xâm phạm dữ liệu và nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan. Việc xây dựng, ban hành Luật này là phù hợp với chủ trương, đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, góp phần tạo đà đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình góp ý về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, đặc biệt với các thông tin như sức khỏe, bảo hiểm; đồng thời đề nghị bổ sung thêm các chủ thể khi có yêu cầu bằng văn bản của chủ thể dữ liệu và các cơ quan liên quan theo quy định của pháp luật hoặc có thể dẫn theo yêu cầu của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; về quy định yêu cầu thông báo rõ ràng về hậu quả rủi ro tiềm ẩn khi thu thập, xử lý dữ liệu sinh trắc của chủ thể dữ liệu. Với nội dung này các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay sẽ khó khả thi. Vì vậy, đại biểu đề nghị loại bỏ các yêu cầu phục vụ cung cấp, sử dụng các sinh trắc học để phục vụ hoạt động chuyên môn theo các quy định của pháp luật không phải triển khai và thực hiện theo quy trình này. Ngoài ra, đại biểu còn tham gia vào các nội dung như về bảo vệ dữ liệu cá nhân của trẻ em, người bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi, về giải thích từ ngữ;…

Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều tán thành ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, đồng thời hoàn thành mục tiêu đã được đề ra tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.

Tham gia thảo luận về thủ tục giao dự án nhà ở xã hội, đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nhận thấy, quy định tại dự thảo Nghị quyết đã có cải thiện một bước so với quy định pháp luật hiện hành, cho phép thủ tục chấp thuận đầu tư và giao đầu tư được thực hiện đồng thời. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, cần mạnh dạn bỏ thủ tục chấp thuận đầu tư, thiết kế thủ tục mới là giao dự án nhà ở xã hội. Theo đó, những nội dung có thể kế thừa và cần thiết trong thủ tục chấp thuận đầu tư thì quy định luôn tại dự thảo Nghị quyết; đề nghị, cần thiết kế thủ tục giao dự án nhà ở xã hội với một đầu mối, quy trình, bộ phận tham mưu và quy định thời gian rõ ràng. Như vậy mới thực sự là cải cách mạnh mẽ theo tinh thần Nghị quyết số 68 – NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân; về phương pháp xác định giá bán nhà ở xã hội, đại biểu cho rằng thiết kế như dự thảo Nghị quyết hiện nay sẽ mất nhiều thời gian, công sức để xác định giá bán, khi phải tính toán chi phí, sau rồi lại kiểm toán lại; được cho bán trước kiểm sau với nhiều rủi ro…vì vậy, đề nghị  cần xác định mức giá trần để doanh nghiệp chủ động định giá bán cụ thể cho từng dự án. Quy định mức giá sàn, sẽ giúp tiết kiệm nhiều thời gian, công sức và như vậy giúp nhà ở có giá thành rẻ hơn.

Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)