Thứ 7, 16/11/2024, 01:59[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình Làm thế nào để xứng tầm với nông thôn của một nước công nghiệp

Thứ 2, 20/09/2010 | 08:13:22
2,187 lượt xem
Nông thôn mới là nông thôn của xã hội phát triển văn minh, nhưng nó không tự đến với ta và chúng ta cũng không đơn thuần chỉ trông chờ vào nguồn vốn trên cho...

Ngõ xóm rộng từ 3,5 đến 4m để các phương tiện tham gia giao thông như xe cứu hỏa, xe cứu thương cũng vào được.

Xây dựng nông thôn mới là do nhu cầu khách quan của cuộc sống, sự phát triển của xã hội, xuất phát từ mục tiêu phấn đấu của Đảng ta và bản chất của chế độ ta.

 

Vấn đề xây dựng nông thôn mới không chỉ được đề cập trên các phương tiện thông tin đại chúng mà thực tế là vấn đề thời sự đang được nêu lên tại các hội nghị của các cấp từ cơ sở đến trung ương.

 

Nhưng hiểu về nông thôn mới là như thế nào, bằng cách nào thì có nông thôn mới, bao giờ thì nông thôn của ta trở thành nông thôn mới. Nói và viết thì chỉ có ba từ nhưng hiểu đầy đủ ý nghĩa của ba từ này thì không phải ai cũng rõ.

 

Có thể hiểu một cách ngắn gọn và cụ thể là: Quan điểm và mục tiêu của Đảng ta là phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp. Vậy thì nông thôn cũng phải phấn đấu cho xứng tầm của một nước công nghiệp. Khi mà nông thôn đã xứng tầm với nông thôn của một nước công nghiệp thì khi đó nông thôn đã đạt tới tầm nông thôn mới.

 

Nói đến nông thôn là nói đến nông nghiệp và nông dân. Vậy thì cứ theo Quyết định về việc phê duyệt đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới của UBND tỉnh số 2285 QĐ - UBND ngày 25-9-2009 thì toàn bộ kết cấu hạ tầng như: Hệ thống lưới điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế khu nhà làm việc của UBND xã, trung tâm văn hóa thể thao, hệ thống cấp nước sạch, khu nghĩa địa của từng địa phương phải được quy hoạch theo mô hình chuẩn, hợp lý, hiện đại, khoa học, văn minh xứng tầm của một nước công nghiệp.

 

 Mặc dù ở nông thôn, nhưng ở từng cụm dân cư lấy đơn vị là thôn vẫn có điểm sinh hoạt văn hóa, hội họp với diện tích được quy hoạch từ 200  đến 300m2. Có sân chơi thể thao, vui chơi giải trí với diện tích từ 2000 đến 3000m2.

 

Ngõ xóm rộng từ 3,5 đến 4m để tiện đi lại, xe cứu hỏa, xe cứu thương cũng vào được. Đường trục xã rộng 5 đến 6m, có vỉa hè từ 2 đến 4m. Cánh đồng cũng được quy hoạch lại thành khu sản xuất, chăn nuôi tập trung theo mô hình sản xuất hàng hóa.

 

Đường nội đồng được gia cố mặt cứng đáp ứng cho việc vận chuyển bằng cơ giới, có chỗ cho xe tránh nhau. Bờ thửa đào đắp gia cố đảm bảo cho xe thô sơ và người đi lại thuận tiện.

 

Do hoàn cảnh, đặc biệt và điều kiện riêng cho nên diện tích, khuôn viên của các gia đình là khác nhau do đó kiểu dáng thiết kế của từng gia đình cũng có nét riêng, nhưng đã là của chung thì phải quy chuẩn. Có thể nói xây dựng nông thôn mới cũng như một cuộc cách mạng, bởi vậy nó phải được thay đổi ngay từ trong cách ăn ở sinh hoạt hàng ngày.

 

Nông thôn mới là nông thôn của xã hội phát triển văn minh, nhưng nó không tự đến với ta và chúng ta cũng không đơn thuần chỉ trông chờ vào nguồn vốn trên cho. Qua bài học của một số xã đi trước, lượng ngân sách Nhà nước hỗ trợ như nguồn lực kích cầu, cái chính là phải bằng sự năng động sáng tạo của từng địa phương, sự đồng thuận nhiệt tình của nhân dân bằng việc hiến đất, góp công, và bằng tấm lòng của những người con đang làm ăn thành đạt xa quê hướng về.

 

Vì một cuộc sống tốt đẹp trong tương lai, chúng ta đồng tâm hiệp lực vào cuộc. Hi vọng cuộc sống mới đủ đầy hạnh phúc sẽ từng ngày hiện hữu trên những miền quê.

Phạm Văn Lục

(Vũ Lăng – Tiền Hải)

  • Từ khóa