Thứ 7, 16/11/2024, 00:57[GMT+7]

Chào mừng 120 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình Mảnh đất nơi đầu sóng

Thứ 2, 04/10/2010 | 10:47:40
3,187 lượt xem
Mảnh đất Thái Bình nằm ở cuối sông, đầu biển đã tròn 120 năm tuổi. Hơn một thế kỷ vật lộn, bươn trải, chống chọi với thiên tai, bão tố, với giặc dã xâm lăng…, đất và người Thái Bình đã khắc họa nên trên bản đồ hình chữ S, một vóc dáng khỏe khoắn. Hằn sâu trong lịch sử dựng nước, giữ nước những dấu mốc khó phai mờ; với bao sự kiện, con người mà chính các nhà sử học, chuyên gia tâm lý… với đầy đủ phương tiện kỹ thuật hiện đại, cũng chưa hóa giải hết được sự bí ẩn và tiềm năng to lớn của

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng đồng chí Bùi Tiến Dũng, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HDND tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến thăm và dự lễ khai hội đền Trần (Hưng Hà) đầu năm 2010. Ảnh: Phi Thành

Thuở sơ khai, mảnh đất này chỉ có sông biển, bãi bồi và cư dân từ khắp nơi đổ về khai khẩn, lập ấp, lập nghiệp, quai đê, lấn biển, cấy lúa, trồng dâu, chăn tằm, dệt lụa. Các nhà nghiên cứu Hán Nôm kể rằng, từ năm 1005 cách đây trên một nghìn năm, vua Lê Long Đĩnh đi dẹp loạn qua vùng đất này đã đặt tên là Phủ Thái Bình.

 

 

Để từ đó, Thái Bình được coi là vùng đất trọng yếu, là kho của, kho người cung cấp nhân tài, vật lực cho quốc gia ở mọi thời kỳ dựng nước và giữ nước. Tuy nhiên, mãi đến ngày 21- 3- 1890 trên bản đồ Việt Nam, mới có tên Thái Bình, khi Toàn quyền Đông Dương hạ bút ký quyết định thành lập Tỉnh Thái Bình, cử Tuần phủ và án sát cai trị. Năm 1913, Phạm Văn Tráng đã nổ tạc đạn giết Tuần phủ Nguyễn Duy Hàn ngay trước cửa công đường, báo hiệu cho cả nước biết ý chí quật cường của người Thái Bình không bao giờ tắt. Nguyễn Quang Bích hiệu triệu quân sĩ đánh giặc.

 

 

Các văn thân sĩ phu hiệu triệu nhân dân chống Pháp. Ngày 1- 5- 1930, nổ ra cuộc biểu tình long trời, lở đất của nông dân Tiên- Duyên- Hưng và sau đó là ngày 14- 10, nông dân Tiền Hải nổi dậy, chứng minh truyền thống yêu nước quật cường của người dân Thái Bình được nhân lên khi có sự lãnh đạo của Đảng. Điều đó lý giải tại sao người Thái Bình kiên trung với Đảng ở mọi thời kỳ cách mạng. Những đốm lửa cách mạng đầu tiên bùng sáng ở Minh Thành, Trình Phố và làng Cọi Khê, thắp lên niềm tin cho nhân dân giữa đêm dài nô lệ. Cách mạng thành công, nạn đói năm ất Dậu cướp đi 28 vạn người dân Thái Bình.

 

 

Và đây cũng là điển hình của nạn đói lịch sử này. Khi đánh giá về Thái Bình trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954) Thượng tướng GS Hoàng Minh Thảo viết: Thái Bình là biểu tượng của một hậu phương chiến lược… biểu tượng của cuộc chiến tranh du kích, đánh bại nhiều cuộc càn quét lớn, nhỏ của thực dân Pháp”. Biểu tượng ấy được khắc họa qua hình tượng nữ du kích Nguyễn Thị Chiên, du kích làng Nguyễn. Anh hùng Tạ Quốc Luật, cắm cờ trên hầm Đờ Cát. Chín năm chống Pháp rồi hai mươi năm chống Mỹ, lại vẫn là người Thái Bình xuất hiện ở những thời khắc lịch sử: ông cố vấn Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Tuân và Bùi Quang Thận, cắm cờ trên Dinh Độc Lập.

 

 

Vinh quang cũng lắm mà đau thương, mất mát cũng nhiều. Hai cuộc kháng chiến, Thái Bình tiễn đưa 40 vạn con, em lên đường chiến đấu. 5,1 vạn người đã không trở về; 3,2 vạn thương, bệnh binh; 2178 bà mẹ VNAH, 23 vạn người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương, trên 15.000 người hưởng trợ cấp do bị nhiễm chất độc hóa học. Hàng nghìn đối tượng khác là Lão thành cách mạng, người có công giúp đỡ cách mạng. Thái Bình được tôn vinh, được tôn trọng bởi là một trong những địa phương trong cả nước có đối tượng chính sách chiếm tỷ lệ cao nhất.

 

 

Chiến tranh đã lùi xa 35 năm. Những hố bom có thể đã không còn. Vết thương trên người rồi cũng nguôi ngoai… nhưng lịch sử chiến tranh dựng nước và giữ nước thì vẫn khắc sâu cái hào khí anh hùng của đất và người Thái Bình. Ngọn đuốc truyền thống vẫn truyền lửa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Để có thêm niềm tin, dày bản lĩnh bước vào công cuộc đổi mới, bằng khát vọng thoát nghèo, vươn lên làm giàu bằng tri thức, ý chí và cả từ đôi bàn tay lam lũ, chai sạn. 5 trọng tâm phát triển tạo bước đột phá đi lên, từ ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

 

 

Con đường ấy không có tiền lệ; Con đường ấy còn hoang sơ. Song, ý chí của Đảng bộ hòa quyện với khát vọng của lòng dân đã làm bật lên thành tựu: Năng suất lúa năm 1966 đạt 5 tấn/ ha; năm 1974 lên 7 tấn và năm 2009 đạt 13 tấn. Điều quan trọng không chỉ thóc đầy bồ, đầy nhà mà phải tìm cho được hướng làm giàu. Nghị quyết của Đảng về chuyển dịch cơ cấu ra đời vào thời điểm người nông dân cần sự  giàu sang hơn là no đủ.

 

Năm 2005 tỷ trọng nông- lâm nghiệp trong cơ cấu kinh tế còn 41,8%, năm 2010 giảm còn 32,4%. Tỷ trọng công nghiệp xây dựng từ 24% (năm 2005) tăng lên 32% (năm 2010). GDP bình quân trên đầu người từ 5,85 triệu đồng, lên 13 triệu đồng và năm 2010 ước đạt 15,8 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới từ 15% (2005) xuống 9% (2009) và ước còn 8,5% (2010). Đầu thập niên 90, khao khát được vào câu lạc bộ “100 tỷ” đã thấy xa vời, bởi lúc đó chỉ thu được 35 tỷ. Năm 2000 thu 490 tỷ và năm 2010 ước thu 1.600 tỷ đồng; tốc độ tăng thu bình quân hàng năm đạt 20%. Bia Đại Việt năm nay đang phấn đấu nộp ngân sách 260 tỷ đồng; gấp 5 lần mức thu toàn tỉnh năm 2000. Và nếu như Thái Bình có dăm bảy cái công nghiệp như Đại Việt thì đâu còn là tỉnh thuần nông.

    

 

Đó là nói về ý chí đánh giặc, khát vọng độc lập và bản lĩnh làm kinh tế trong cơ chế thị trường của người Thái Bình. Còn chuyện học hành, đỗ đạt, danh vọng thì sao? Cũng vẫn là do chung đúc khí thiêng sông biển nên Thái Bình đời nối đời sinh ra những anh hùng hào kiệt. Hơn 100 tiến sĩ đại khoa thời phong kiến sinh ra từ vùng đất này, để có sự nghiệp để đời, mà nổi trội hơn cả là nhà bác học Lê Quý Đôn, tiêu biểu cho trí tuệ Việt Nam, trí tuệ Thái Bình.

 

 

Đây cũng là vùng đất hội tụ các sắc thái văn hóa, văn minh tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng. Là đất chèo, quê hương của múa rối nước và những điệu múa dân gian độc đáo như: múa giáo cờ, giáo quạt, múa kéo chữ, múa bát dật, múa chèo trải cạn… Không biết có phải người ở đất này quanh năm lam lũ, mà luôn phải tìm đến niềm vui giải trí, sau những mùa màng tất bật. Hay, đó chính là niềm đam mê, chất nghệ sĩ dân gian hòa quyện trong tư duy của người Thái Bình không phải ở đâu trên đất nước này cũng có được câu nói cửa miệng: “Sáng rối, tối chèo”.

 

Các trò chơi không chỉ để giải khuây, giải buồn, xua đi cái mệt nhọc… mà còn đậm chất thượng võ. Bởi Thái Bình là cửa ngõ của Tổ quốc, là pháo đài bên bờ biển Đông. Lịch sử đã giao phó cho người Thái Bình và chính người Thái Bình xuất hiện như những dấu son trên các trang sử của dân tộc.

 

 

Ngày mai, đất này bước qua tuổi 120, khi lịch sử vẫn phó thác cho đất và người Thái Bình những sứ mệnh mới, như tạo hóa đã sinh ra đất này, để không phải nơi nào cũng xuất hiện trong lịch sử dân tộc như người Thái Bình từng làm. Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVIII đang đến. Gần 1,8 triệu dân chờ đợi những chủ trương đường lối mới của Đảng, để đưa họ đến ấm no, hạnh phúc; đến công nghiệp hóa- hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới- một cuộc hành trình mới của ý Đảng, lòng dân lại bắt đầu. 120 năm đất và người Thái Bình hun đúc thêm ý chí, bản lĩnh để người Thái Bình bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế Quốc tế. Thách thức nhiều và hy vọng cũng lắm.

Phạm viết Thanh

  • Từ khóa