Thứ 5, 19/09/2024, 22:17[GMT+7]

Thái Bình - Chặng đường hình thành và phát triển

Thứ 6, 21/03/2014 | 14:10:45
1,940 lượt xem
Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dưới ánh sáng nghị quyết đại hội Đảng qua các nhiệm kỳ, Đảng bộ Thái Bình đã vận dụng và cụ thể hóa phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương. Đặc biệt, trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu đạt những kết quả quan trọng và tương đối toàn diện.

Một góc Thành phố Thái Bình. Ảnh: Minh Đức

Thái Bình là tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Hồng, diện tích tự nhiên 1.533 km2, dân số gần 1,8 triệu người. Đất đai Thái Bình được hình thành chủ yếu do sự bồi tụ phù sa của hai con sông lớn là sông Hồng và sông Thái Bình cùng với công cuộc quai đê khẩn hoang, lấn biển của nhiều thế hệ cư dân. Vào khoảng 6, 7 thế kỷ trước Công nguyên, những lớp cư dân đầu tiên từ chân núi Ba Vì, Tam Đảo và các vùng thung lũng, trung du thuộc Phú Thọ, Sơn Tây… đã tiến dần xuống các vùng đầm lầy ven biển hạ lưu sông Hồng. Cho đến những thế kỷ đầu Công nguyên, phần lớn đất đai Thái Bình đã được khai hoang, phục hóa, hình thành các khu vực tập trung cư dân tạo nên đời sống sinh hoạt đa dạng, nhộn nhịp.

Ngày 21/3/1890, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Thái Bình, bao gồm các huyện: Thanh Quan, Thụy Anh, Đông Quan, Trực Định, Thư Trì, Vũ Tiên, Tiền Hải, Phụ Dực, Quỳnh Côi (thuộc Nam Định) và huyện Thần Khê (thuộc Hưng Yên). Năm Thành Thái thứ 6 (1894) cắt thêm 2 huyện Hưng Nhân, Duyên Hà (thuộc tỉnh Hưng Yên) nhập trở lại Thái Bình. Đến lúc này, tỉnh Thái Bình với tư cách là tỉnh - một đơn vị hành chính độc lập gồm 3 phủ: Tiên Hưng, Kiến Xương, Thái Ninh và 12 huyện: Duyên Hà, Hưng Nhân, Tiên Hưng, Thụy Anh, Đông Quan, Thái Ninh, Quỳnh Côi, Phụ Dực, Thư Trì, Vũ Tiên, Trực Định,  Tiền Hải.

Những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp phân cấp lại bộ máy quản lý trên địa bàn tỉnh. Phủ và huyện đều là cấp hành chính tương đương cùng do cấp tỉnh trực tiếp quản lý, lúc này Thái Bình có 3 phủ, 9 huyện và 1 tỉnh lỵ.

Ngày 17/6/1969, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 93-CP về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới, Thái Bình còn 7 huyện và 1 thị xã. Năm 2004, Thị xã Thái Bình được công nhận là Thành phố thuộc tỉnh (theo Nghị định số 117/2004/NĐ-CP ngày 29/4/2004 của Chính phủ).

Trên đất Thái Bình, hạt giống Chủ nghĩa Mác - Lênin sớm nảy mầm. Các đồng chí: Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Danh Đới, Nguyễn Công Thu, Vũ Trọng... đã qua các lớp huấn luyện do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở ở Quảng Châu (Trung Quốc), trong đó, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người có vai trò trọng yếu trong việc thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng (17/6/1929) và sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930).

Ngay sau khi Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên được phát triển về trong nước, đầu năm 1927, ở Thái Bình, hai chi bộ "Thanh niên" đầu tiên được thành lập tại trường tư thục Minh Thành (Thị xã) và Trình Phố (Kiến Xương). Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các cuộc đấu tranh mang tính quy mô lớn, có sự phối hợp của các địa phương trong tỉnh ở những mức độ khác nhau đã liên tục nổ ra. Đó là cuộc biểu tình của nông dân Duyên Hà - Tiên Hưng ngày 1/5/1930, cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải ngày 14/10/1930 đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đảng bộ Thái Bình tích lũy những kinh nghiệm đầu tiên trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng.

Tháng 8 năm 1945, khi có Lệnh tổng khởi nghĩa, Thái Bình là một trong những tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong cả nước. Chỉ trong vòng 6 ngày (từ 18/8/1945 - 23/8/1945), chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân. Năm 1946, Thái Bình vinh dự 2 lần đón Bác Hồ về thăm.

Với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã bội ước, đi ngược lại những điều kiện trong bản Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946. Ngày 8/2/1950, thực dân Pháp tập trung lực lượng tiến đánh Thái Bình. Phát huy truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, quân dân trong tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã anh dũng, kiên cường đấu tranh quyết liệt với kẻ thù, giữ đất, giữ làng, giành quyền làm chủ về mọi mặt, tiến tới giải phóng Thái Bình vào tháng 6/1954.

Hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), nhân dân Thái Bình hăng hái hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa. Năm 1958, cả tỉnh được mùa; phong trào bổ túc văn hóa không ngừng phát triển, đạt danh hiệu "toàn dân biết chữ"; đời sống vật chất, tinh thần nhân dân từng bước được cải thiện. Thái Bình đã vinh dự được đón Bác về thăm lần thứ ba. Năm 1962, trước thành tích của quân dân trong tỉnh, đặc biệt là thành tích quai đê lấn biển, Bác về thăm Thái Bình lần thứ tư.

Dây chuyền may áo sơ mi xuất khẩu của Xí nghiệp may Thái Hà (Thành phố Thái Bình). Ảnh: Hiền Trâm

Cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt, Thái Bình vừa lo chống chiến tranh phá hoại, vừa lo chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” và là tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt 5 tấn thóc/ha. Với thành tích đó, ngày 31/12/1966, Thái Bình vinh dự đón Bác Hồ về thăm lần thứ năm. Bác căn dặn: phải xây dựng “Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt”.

Với tinh thần “có lệnh là đi, tư thế sẵn sàng”, với trách nhiệm "tất cả vì miền Nam ruột thịt", 50 vạn người con của Thái Bình đã lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các mặt trận; Thái Bình là tỉnh có tỷ lệ tuyển quân tham gia quân đội cao nhất miền Bắc so với tỷ lệ dân số.

Thi đua với tiền tuyến anh hùng, nhân dân và lực lượng vũ trang Thái Bình ở hậu phương đã bắn rơi 44 máy bay, bắn cháy 4 tàu chiến Mỹ. Thực hiện khẩu hiệu “Thóc thừa cân, quân vượt mức”, trong suốt 2 cuộc kháng chiến, nhân dân Thái Bình đã đóng góp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dưới ánh sáng nghị quyết đại hội Đảng qua các nhiệm kỳ, Đảng bộ Thái Bình đã vận dụng và cụ thể hóa phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương. Đặc biệt, trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu đạt những kết quả quan trọng và tương đối toàn diện. Năm 2013, tổng sản phẩm (GDP - theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 37.188 tỷ đồng, tăng 8,8% so với năm 2012; GDP bình quân đầu người đạt 26,1 triệu đồng, tăng 11% so với năm 2012.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đến nay đã đạt những kết quả tích cực. Đến hết năm 2013, toàn tỉnh có 14 xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới; 197 xã đạt 10 - 17 tiêu chí; 52 xã đạt dưới 10 tiêu chí. Tỉnh đã đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn 4.400 tỷ đồng, huy động xã hội hóa 500 tỷ đồng; nhân dân các địa phương đã đóng góp 71 triệu ngày công, 800 tỷ đồng, tự nguyện hiến 2.100 ha đất để chỉnh trang đồng ruộng, làm đường giao thông, kênh mương và công trình phúc lợi công cộng.

Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo được giữ vững và phát triển. Năm học 2012 - 2013, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 99,61%; 51/57 học sinh đạt giải tại kỳ thi Olympic khu vực Duyên hải và đồng bằng Bắc bộ, có 60/74 học sinh của tỉnh đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; trên 64% học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Thái Bình là một trong 5 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được công nhận đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; giữ vững và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; chất lượng đội ngũ giáo viên được nâng lên. Đến năm 2013, toàn tỉnh có 634/906 (70%) trường học, 157/286 (55%) trạm y tế đạt chuẩn quốc gia.

Cơ giới hóa nông nghiệp giúp nâng cao giá trị sản xuất. Ảnh: Ngọc Linh

Các hoạt động thông tin truyền thông, văn hóa, thể thao và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Năm 2013, toàn tỉnh có 78,5% gia đình văn hóa; 54% thôn, làng, tổ dân phố; 65% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn văn hóa. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được chú trọng. Các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư xây dựng. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng phát triển ngày càng sâu rộng; thể thao thành tích cao từng bước được nâng cao về trình độ, chất lượng chuyên môn. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao; năm 2013,  thu nhập bình quân đầu người đạt trên 26 triệu đồng, tăng 62% so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo còn 4,5%. Các chính sách đối với người và gia đình có công với cách mạng, chính sách xã hội, chương trình giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo và thực hiện đạt kết quả; đã hoàn thành xóa nhà ở dột nát cho hộ nghèo, hoàn thành xây dựng, nâng cấp 3.000 nhà ở cho người và gia đình có công với số tiền 100 tỷ đồng; an sinh xã hội được đảm bảo.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được thực hiện đồng bộ, đạt nhiều kết quả.

Ghi nhận những thành tích to lớn và đặc biệt xuất sắc trong các cuộc kháng chiến, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang Thái Bình đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động,... Đó chính là sự đóng góp to lớn, quý báu về trí tuệ, sức người, sức của của các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền các cấp.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

  • Từ khóa