Thứ 7, 16/11/2024, 03:33[GMT+7]

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 12 'Lát đá quanh hồ Gươm chẳng khác nào sơn lại tháp Rùa'

Thứ 7, 29/05/2010 | 09:24:33
13,155 lượt xem
"Hồ Gươm trong tâm trí người dân là hình ảnh cổ xưa. Việc lát đá xanh chẳng khác nào sơn lại tháp Rùa, từng bị người dân phản đối vì khôi hài", đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng nhận xét.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng phát biểu tại kỳ họp Quốc hội thứ bảy. Ảnh: TTXVN.

Bên hành lang Quốc hội, giáo sư Nguyễn Lân Dũng, ủy viên Ủy ban Đối ngoại, đã trao đổi với VnExpress.net về việc Hà Nội tân trang lại các tuyến phố, thay đá lát xung quanh hồ Gươm.

- Ông nhìn nhận thế nào về việc Hà Nội đồng loạt thay đá vỉa hè ở các tuyến phố để chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội?

- 1000 năm Thăng Long là sự kiện lớn của đất nước. Hôm trước Ủy ban Đối ngoại có gặp lãnh đạo Hà Nội và tôi đã phát biểu tại cuộc gặp đó. Tôi hỏi trong 10 ngày đầu tháng 10 tổ chức quá nhiều sự kiện, có lẽ hôm ấy tôi phải ngồi nhà vì ra đường chắc là không đi được. 78 đoàn quốc tế vào, nhiều buổi văn nghệ, triển lãm..., nhưng sau đó là để lại cái gì, phải đánh dấu một cái gì đó? Lãnh đạo Hà Nội trả lời rằng tất cả công trình làm gần đây là để đánh dấu sự kiện này. Thực ra những cái ta đang làm không thể gọi là ghi dấu được, vì không để lại ấn tượng gì.

Dân mình nghèo, người ta xếp mình vào nước nợ thế giới rất lớn. Trong hoàn cảnh còn nhiều người nghèo như thế, chi đồng tiền phải rất thận trọng. Hà Nội, nhất là Hà Nội mở rộng còn nhiều trường học khó khăn, thiếu thốn cơ sở vật chất. Việc xây dựng nhiều công trình trên đất Hà Nội mở rộng đồng nghĩa sẽ đẩy khu vực dân cư rất đông phải di chuyển. Họ sẽ mất đất trồng lúa, việc này không chỉ ảnh hưởng đến an ninh lương thực mà còn tác động đến đời sống của biết bao nông dân. Vậy mà thành phố lại chủ trương thay vỉa hè, không chỉ xung quanh hồ Gươm mà trên diện rộng, rất lãng phí.

- Ông bình luận gì về việc bỏ gạch cũ xung quanh hồ Gươm để thay bằng loại đá xanh Thanh Hóa?

- Việc lấy đá của Thanh Hóa ra lát hồ Gươm là rất sai lầm về mặt khoa học. Đá xanh rất trơn, rêu dễ mọc, lại không thoát nước. Gạch lát quanh hồ Hoàn Kiếm hiện nay rất đẹp, 1000 năm Thăng Long là cần cái cổ kính, việc thay đá xanh chẳng khác nào sơn lại tháp Rùa. Đã một lần người ta sơn tháp Rùa màu hồng, bị người dân phản đối kịch liệt vì trông rất khôi hài. May mà mình là nước nhiệt đới, mưa nhiều nên tháp nhanh chóng bị rêu phong.

Tôi sang Osaka (Nhật Bản) thấy vỉa hè của họ làm rất đặc biệt. Gạch đó là phụ phẩm công nghệ sau xử lý nước thải. Ưu điểm rất lớn thấm nước, vỉa hè của Osaka vì thế không bao giờ có nước đọng sau mưa. Ở các nước khác, vỉa hè được làm bằng đá đen vĩnh cửu, không trơn.

- Nhiều người cho rằng việc làm mới vỉa hè, lát đá xanh xung quanh hồ Gươm là thể hiện bệnh hình thức, chỉ chú ý vẻ đẹp bên ngoài. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

- Tôi không nghĩ đó là bệnh hình thức, vì thực ra có làm đẹp hơn cho vỉa hè hay xung quanh hồ Gươm đâu. Ngay trước cửa nhà tôi (đầu phố Trần Thánh Tông) lát hai loại gạch đỏ và vàng, còn đang rất tốt, nhưng mấy hôm trước đơn vị thi công đến bóc đi, lát loại gạch mới. Đến hôm nay mới được mấy ngày gạch mới đã bong. Việc này cho thấy bệnh dự án, tư duy dự án. Có dự án thì mới có tiền.

- Hiện dự án lát đá xanh quanh hồ Gươm đã phải dừng lại để xin ý kiến nhân dân. Theo ông, giải pháp cho công trình này là gì?

- Phải ngừng ngay dự án này, bóc đoạn đá xanh mới lát đi làm lại như cũ. Vì hồ Gươm trong tâm trí người dân là hình ảnh cổ xưa, 1000 năm Thăng Long là phải nghĩ tới cái cổ xưa. Đổi mới cái cổ xưa thì tôi nhắc lại không khác gì quét vôi lại tháp Rùa, rất lố bịch.

Những khối đá xanh được chuyển đến chuẩn bị cho việc thay mới. Ảnh: Đoàn Loan.

- Ông từng nói 1000 năm Thăng Long là phải để lại dấu ấn, vậy theo ông đó là dấu ấn gì?

- Thứ nhất, người dân Hà Nội phải phấn khởi, chất lượng cuộc sống được cải thiện. Đơn giản như chuyện rau, hiện nay đi chợ không biết mua rau gì cho an toàn. Hà Nội chưa có rau sạch, trong khi Hải Phòng và TP HCM bắt đầu có rau bảo đảm (rau có bao bì, địa chỉ sản xuất và người sản xuất chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự an toàn). Hà Nội có dự kiến, nhưng chưa làm rau sạch. Đây là vấn đề cấp bách, liên quan đến hàng triệu người dân thủ đô, nhưng tại sao không làm?

Thứ hai, thành phố phải xanh sạch đẹp, chứ hiện nay rác Hà Nội kinh khủng, nhiều tuyến đường bụi mù mịt.

Thứ ba, giao thông thông suốt, giảm tối đa tắc đường. Biện pháp ngăn ngã ba, ngã tư hiện nay rất bất hợp lý. Lãnh đạo thành phố nói nghĩ kỹ rồi mới làm, nhưng thực tế thấy rằng làm thế không được. Khi ôtô quay đầu ở con đường hẹp là chắn ngang đường, gây tắc nghẽn. Không nước nào làm như ta cả.

Rồi vấn đề kỷ luật giao thông. Đôi khi tôi thấy những thanh niên đầu trọc, phóng bạt mạng, tôi hỏi họ nói công an không dám đụng đến. Tôi đã chất vấn Bộ trưởng Công an kỳ này.

Hồng Khánh thực hiện

  • Từ khóa