Chủ nhật, 24/11/2024, 04:21[GMT+7]

UBND tỉnh nghe và cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế- xã hội tỉnh

Thứ 4, 22/10/2014 | 17:09:39
2,705 lượt xem
Chiều ngày 22/10, UBND tỉnh nghe và cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng chí Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự họp có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Đồng chí Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Ảnh: Thành Tâm

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -  xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 17/5/2011. Qua 4 năm thực hiện quy hoạch cho thấy các quan điểm và phương hướng phát triển được xác định trong quy hoạch đã được phê duyệt là phù hợp và đúng hướng. Nhiều chỉ tiêu kinh tế -  xã hội đã  đạt  và vượt mục tiêu đề ra. Một số công trình, dự án trọng điểm về hạ tầng kinh tế đã  hoàn thành xây dựng, một số dự án đang từng bước được thực hiện trong các kế hoạch 5 năm và những năm tiếp theo. Qua 4 năm thực hiện Quy hoạch, do chịu tác động từ khó khăn chung của kinh tế vĩ mô cả nước nhưng tăng trưởng kinh tế Thái Bình vẫn giữ ở mức tương đối ổn định ; tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011 – 2013 bình quân chung toàn tỉnh đạt 6,8%/năm. Trong đó, công nghiệp, xây dựng  đạt  tốc độ tăng trưởng khả quan đạt lần lượt là 7,7% và 7,9%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Thái Bình bình quân giai đoạn 2011 – 2015 đạt khoảng 7,2%/năm. Thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên ở các năm, mức sống dân cư từng bước được cải thiện. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 16,3 triệu đồng/người/năm; năm 2013 đạt 24 triệu đồng/người/năm; năm 2014 ước đạt 26,5 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2013, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong GDP giảm còn 36,33%; tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp tăng lên 63,67%. Đây là xu hướng chuyển dịch tiến bộ, phản ánh nền kinh tế của tỉnh đang trong xu thế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến trong việc định hướng phát triển bền vững kinh tế -  xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Theo đó, trong những năm tiếp theo, Thái Bình sẽ tiếp tục phát triển kinh tế, bảo đảm mức tăng trưởng hợp lý, rút ngắn khoảng cách của Thái Bình với vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, trọng tâm phát triển là đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn sản xuất và tiêu dùng bền vững; phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường, bảo đảm an ninh lương thực. Đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền nông nghiệp bền vững. Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất. Cải thiện đời sống nhân dân đi đôi với giảm nghèo, chênh lệch mức sống, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Chiến lược phát triển tiếp thu ý kiến của các đại biểu, chỉnh sửa và hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế -  xã hội tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng chí cũng yêu cầu cần sớm hoàn thiện cải cách thủ tục hành chính, chú trọng xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để huy động mọi nguồn lực trong phát triển kinh tế; Đẩy nhanh việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông để thu hút đầu tư; Phát triển kinh tế - xã hội cần chú trọng giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội.

Phạm Hưng

  • Từ khóa