Thứ 4, 27/11/2024, 11:54[GMT+7]

Tự hào quê lúa, đất nghề đóng góp kho người, kho của cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Thứ 7, 21/03/2015 | 18:49:45
4,792 lượt xem

 

( Diễn văn của đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại cuộc gặp mặt kỷ niệm 125 năm ngày thành lập tỉnh)

 

Trong không khí phấn khởi của những ngày đầu xuân mới, hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà long trọng tổ chức gặp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh. Thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, tôi xin gửi tới các gia đình có công với nước, gia đình liệt sĩ, anh chị em thương, bệnh binh, các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, những người con Thái Bình ở ngoài tỉnh lời thăm hỏi ân cần và những lời chúc tốt đẹp nhất. Xin được nồng nhiệt chào mừng và trân trọng cảm ơn của các vị khách quý, các bác, các đồng chí trong cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa này.

 

Từ ngàn xưa, đất đai Thái Bình là bãi bồi phù sa ven biển có sức cuốn hút các thế hệ cư dân từ nhiều vùng, miền đổ về khai phá, chung lưng, đấu cật, quai đê, trị thủy, lấn biển, lập làng, tạo thành một miền quê trù phú. Cư dân sớm đông đúc, giỏi thâm canh lúa nước, đánh bắt thủy, hải sản và phát triển các nghề thủ công nên được sử sách tôn vinh là “quê lúa, đất nghề”, là “kho người, kho của” cung cấp nhân tài, vật lực cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước ở mọi thời kỳ lịch sử.

 

Từ buổi đầu công nguyên, trên những triền đất cao của Thái Bình đã có các tụ điểm dân cư sinh sống. Sử sách còn lưu danh Vũ Thị Thục Nương và nhiều vị thủ lĩnh khác đã từ đất này mà xướng nghĩa, giúp Hai Bà Trưng chống quân Đông Hán. Vào giữa thiên niên kỷ thứ nhất, nhiều vùng quê (nay thuộc tỉnh Thái Bình) đã khá sầm uất. Lý Bí đã chọn đất này để dấy cờ, tập hợp binh lương, đánh đuổi giặc Lương, khai sinh ra nhà nước Vạn Xuân. Đến thế kỷ thứ X, vùng đất Bố Hải Khẩu (nay thuộc thành phố Thái Bình) đã có nền kinh tế phát triển với cư dân đông đúc. Khi đất nước lâm vào cảnh loạn 12 sứ quân, Trần Lãm đã chọn đất này để cát cứ và trở thành một sứ quân mạnh nhất, để rồi khi Đinh Bộ Lĩnh dấy cờ nghĩa ở Hoa Lư đã tìm về nơi đây nương náu, được Trần Lãm nhận làm con nuôi, trao cả binh quyền, từ đây đã dẹp yên loạn cát cứ, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt.

 

Xưa và nay, hầu hết các công trình nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước về nhà Đinh, một nhà nước thống nhất, có chủ quyền độc lập đầu tiên của Việt Nam đều không thể không đề cập và khẳng định vị thế đặc biệt quan trọng của vùng đất Bố Hải Khẩu. Trong cuốn “Sự ra đời của nước Việt Nam” Giáo sư sử học người Mỹ là Taylor đã nhận định rằng: Bố Hải Khẩu lúc bấy giờ là trung tâm buôn bán chính với bên ngoài, sự liên kết giữa trung tâm Hoa Lư và Bố Hải Khẩu, một về chính trị, một về thương mại, đó là bước tiến tự nhiên đến thống nhất nước Việt Nam.

 

Vào thế kỷ XI, diện mạo kinh tế - xã hội, đặc biệt là nền nông nghiệp ở vùng này đã phát triển, làng mạc trù phú. Năm 1038 – 1065 vua Lý Thái Tông và vua Lý Thánh Tông khi mở mang chính sách khuyến nông đã về Bố Hải Khẩu cày ruộng tịch điền. Bước sang thế kỷ XIII, hệ thống làng xã thuộc Thái Bình ngày nay đã cơ bản ổn định, có đồng đất  tốt tươi, dân tình trọng hậu, để rồi bằng tài trí của mình, tổ tiên nhà Trần từ nghề đánh cá đã chọn miền Hải Ấp (nay thuộc huyện Hưng Hà) mà lên bờ định cư lập nghiệp. Từ vùng đất này họ Trần đã sinh ra những anh hùng hào kiệt, nhờ phát nghiệp nông tang mà trở nên giầu có, từng bước tiến thân vào vũ đài chính trị và mưu nghiệp lớn, để rồi đến đời thứ tư, họ Trần ở Hải Ấp đã khai nghiệp đế vương. Trải những năm tháng tái thiết đất nước và ba lần kháng chiến chống giặc Nguyên Mông, nhà Trần đã rất chú trọng thực hiện những kế sách phát triển kinh tế - xã hội ở các phù lộ nay thuộc tỉnh Thái Bình, làm chỗ dựa hưng nghiệp – và giữ nghiệp.

 

Do đặc điểm nguồn gốc cư dân từ khắp các vùng miền về hợp cư nên Thái Bình có thể coi là nơi hội tụ những tinh hoa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Thế rồi, ở nơi đầu sóng ngọn gió, cửa ngõ của biển Đông này, những tinh hoa truyền thống đó đã được nhân lên tới đỉnh cao mà thành những truyền thống nổi trội như: cần mẫn và năng động; Đoàn kết và dân chủ; Quả cảm và cương nghị; Hiếu học và giầu chí tiến thủ; Yêu nước và cách mạng... Sự nổi trội về những truyền thống này từ bao đời nay đã là nền tảng, là yếu tố quyết định hình thành, tôi luyện và phát triển nhân cách, phẩm giá con người Thái Bình, góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống ngàn năm văn hiến của Việt Nam, đặc biệt là nền văn minh lúa nước sông Hồng.

 

Trên mảnh đât Thái Bình hiện đã lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật vật thể và phi vật thể. Đó là trên 2.000 công trình nghệ thuật kiến trúc cổ đặc sắc, tiêu biểu như: Chùa Keo (Vũ Thư), đình An Cố (Thái Thụy), đền Đồng Xâm (Kiến Xương), đền Đồng Bằng (Quỳnh Phụ), đền Tiên La và Khu di tích đền thờ các vua Trần (Hưng Hà). Đồng thời, Thái Bình cũng còn đang duy trì được hàng trăm lễ hội truyền thống theo tâm thức “sáng rối, tối chèo” cùng nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, vừa in đậm bản sắc văn hóa của người Việt, vừa mang dấu ấn rất riêng của Thái Bình.

 

Thái Bình được xem là vùng “địa linh nhân kiệt” bởi đã đóng góp nhiều nhân tài cho đất nước; thời nào cũng có những anh hùng hào kiệt “lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa”. Trong các thời kỳ khoa cử của chế độ phong kiến, 111 người con của Thái Bình đỗ đại khoa, trong đó, nhiều người không chỉ sáng láng khoa danh mà còn có những võ công, văn nghiệp để đời, đã trở thành danh nhân đất Việt mà tiêu biểu là nhà bác học Lê Quý Đôn, từng được đánh giá là một ngôi sao sáng trên bầu trời văn hiến Việt Nam.

 

Thái Bình quê nhà cũng vốn là nơi “đất lành chim đậu”. Việt Nam có hai đại thi hào là Nguyễn Trãi và Nguyễn Du, thì hai vị này đều là giai tế của Thái Bình. Danh nhân – Thi nhân Nguyễn Công Trứ cũng đã sinh ra từ huyện đường Quỳnh Côi, thuở thơ ấu từng sông ở nơi đây để hình thành hoài bão “phải có danh gì với núi sông”. Lịch sử Thái Bình cũng đã từng ghi chép biết bao bậc tao nhân, mặc khách đã từng có những năm tháng tắm mình ở đồng đất này mà làm nên nghiệp lớn.

 

Theo dòng chảy của lịch sử, trong các cuộc đấu tranh chống xâm lược và các cuộc nông dân khởi nghĩa, những tên đất, tên người của Thái Bình đều xuất hiện như những dấu son.

 

Vào nửa cuối thế kỷ XIX, kề từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, cùng với cả nước, người Thái Bình đã sục sôi ý chí, nối tiếp nhau đánh giặc. Phong trào chống Pháp nổ ra liên tiếp, rộng khắp; nhiều người con quê hương, như Tiến sĩ Phạm Thế Hiển, quê làng Luyến Khuyết (Thái Thụy, Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích, quê làng Trình Phố (Tiền Hải), Đề  đốc Tạ Hiện, quê làng Quang Lang (Thái Thụy).... cùng nhiều văn thân, sỹ phu yêu nước khác đã quật khởi đấu tranh và hưởng ứng, tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp. Tuy các phong trào vũ trang chống Pháp trước khi thành lập tỉnh đều lần lượt bị thất bại, nhưng tấm gương trung liệt của người Thái Bình hy sinh vì nước đã làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của quê hương, đất nước và thù nhà nợ nước chất chồng thuở ấy đã nuôi dưỡng ý chí bền gan chống Pháp trong những giai đoạn tiếp theo.

 

Trong những thập niên cuối thế kỷ XIX, sau khi bình định xong toàn cõi Đông Dương, thực dân Pháp đã thiết lập nhiều tỉnh mới, trong đó có Thái Bình. Ngày 21/3/1890, Toàn quyền Đông Dương Pháp đã ký Nghị định thành lập tỉnh Thái Bình, bao gồm phủ và phân phủ Thái Bình, phủ Kiến Xương tách ra từ tỉnh Nam Định, huyện Thần Khê tách ra từ tỉnh Hưng Yên (địa phận các huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải, Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Thái Thụy ngày nay. Đến ngày 28/11/1894, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định cắt hai huyện Duyên Hà, Hưng Nhân (nay là huyện Hưng Hà) thuộc tỉnh Hưng Yên nhập vào tỉnh Thái Bình. Từ đó, địa dư, duyên cách tỉnh Thái Bình cơ bản ổn định, mọi người dân sinh sống trên mảnh đất này gắn kết trong cộng đồng Thái Bình, giữ gìn, phát huy truyền thống quê hương trong truyền thống dân tộc.

 

Kể từ sau ngày thành lập tỉnh, phong trào đấu tranh chống Pháp ở tỉnh Thái Bình liên tục diễn ra sôi nổi dưới nhiều hình thức, điển hình là vụ nổ súng giết tên tuần phủ Nguyễn Duy Hàn ngày trước cổng dinh vào 10 giờ sáng ngày 12-4-1913 gây chấn động toàn cõi Đông Dương.

 

Khi các phong trào yêu nước Duy Tân, Đông kinh nghĩa thục, Đông du dấy lên, Thái Bình là một trong những địa phương có những hoạt động hưởng ứng sâu rộng nhất. Chính vì vậy, vùng quê Thái Bình đã trở thành nơi giao lưu, đàm đạo của các sĩ phu yêu nước ở Bắc kỳ và Trung kỳ; sinh thời cụ Phan Bội Châu đã nhiều lần đến Thái Bình và khi mới 15 tuổi; Nguyễn Tất Thành đã theo thân phụ của mình là cụ Nguyễn Sinh Sắc đến huyện Kiến Xương, Thái Bình để có các cuộc gặp, tiếp xúc và đàm đạo về thời thế với các sĩ phu yêu nước người Thái Bình. Đó là một trong những tiền đề để Thái Bình sớm trở thành vùng đất ươm gieo những hạt mầm cách mạng.

 

Vào giữa những năm 20 của thế kỷ XX, khi cả dân tộc Việt Nam chìm trong đêm dài nô lệ, nhân dân ta lầm than, cơ cực trong cảnh nước mất, nhà tan, những thanh niên yêu nước của quê hương như: Nguyễn Công Thu, Nguyễn Danh Thọ, Nguyễn Danh Đới, Nguyễn Tường Loan, Vũ Trọng….đã lên đường sang Quảng Châu, Trung Quốc học lớp huấn luyện do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giảng dạy, sớm tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, Cách mạng tháng Mười để truyền báo vào Thái Bình. Các chi bộ thanh niên cách mạng đồng chí hội Minh Thành, Trình Phố được thành lập và đến cuối tháng 6 năm 1929 Đảng bộ Đông Dương cộng sản Đảng, tiền thân của Đảng bộ Thái Bình ra đời.

 

Ngay sau khi thành lập, ngày 01/8/1929, Đảng bộ Thái Bình đã tổ chức treo cờ, rải truyền đơn giới thiệu sự ra đời của Đảng và kêu gọi quần chúng đứng lên đấu tranh. Cùng với sự ra đời của Đảng và phát triển mạnh mẽ của các tổ chức cơ sở đảng, các tổ chức quần chúng cách mạng như: Thanh niên Cộng sản Đoàn, Nông hội đỏ, Phụ nữ Tương tế và nhiều tổ chức quần chúng khác được thành lập.

 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ Thái Bình đã lãnh đạo nhân dân tiến hành các cuộc đấu tranh cách mạng sôi nổi, mạnh mẽ chống áp bức, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến đem lại cho nhân dân niềm tin và hy vọng vào tương lai tươi sáng. Cuộc biểu tình của nông dân Duyên Hà – Tiên Hưng và cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải 85 năm trước là một trong những đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930 -1931, có tiếng vang lớn trong cả nước. Bất chấp sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù, những người cộng sản và nhân dân Thái Bình sẵn sàng đương đầu với mọi gian khổ, hy sinh, một lòng, một dạ theo Đảng, duy trì và phát triển phong trào cách mạng, kể cả vào các thời điểm đen tối nhất, tạo tiền đề cùng cả nước lật đổ chế độ thực dân, phong kiến dành chính quyền về tay nhân dân.

 

Sau Cách mạng tháng Tám, đất nước đứng trước thử thách ngặt nghèo của thiên tai, thù trong, giặc ngoài; sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”. Tỉnh nhà, nạn lụt do vỡ đê sông Hồng năm 1945 gây thiệt hại to lớn, nạn đói tháng 3 năm ấy đã làm 28 vạn người chết; 500 quân Tưởng kéo vào quấy phá. Trong gian khó, Đảng bộ Thái Bình biết phát huy khí thế phấn khởi, tin tưởng của toàn dân do cách mạng mang lại, đã lãnh đạo nhân dân vừa bảo vệ chính quyền, vừa bắt tay xây dựng cuộc sống mới. Những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đạt được trong phong trào thi đua “diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm” được Bác Hồ biểu dương khi Người về thăm. Những năm 1946 – 1949, Thái Bình thực sự trở thành hậu phương vững mạnh cho cả nước,  sẵn sàng bước vào cuộc đọ sức mới quyết liệt hơn.

 

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân, dân Thái Bình đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt hàng chục nghìn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện quân sự và huy động sức người, sức của đóng góp với Trung ương. Gần 10 nghìn người con quê hương đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường cả nước. Với những thành tích và sự đóng góp to lớn đó, tỉnh nhà đã vinh dự được Chính phủ tặng Huân chương Độc lập hạng nhất, được Bác Hồ tặng cờ thêu 8 chữ vàng “Quân dân một lòng tiêu diệt quân địch”; làng Nguyên Xá được tặng cờ “Nguyên Xá làng kiểu mẫu”; nhiều địa phương trong tỉnh được phong tặng danh hiệu cao quý anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ Thái Bình đã lãnh đạo nhân dân tích cực thực hiện công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, phát triển sản xuất và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Năm 1958, cả tỉnh được mùa, Thái Bình vinh dự được đón Bác Hồ về thăm lần thức ba. Với thành tích của quân và dân, đặc biệt là thành tích quai đê lấn biển, năm 1962, Thái Bình được đón Bác Hồ về thăm lần thứ tư, thăm Nam Cường (Tiền Hải).

 

Trong khói lửa chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình vẫn “vững tay cày, chắc tay súng”, vừa sản xuất giỏi, vừa chiến đấu giỏi, trở thành “quê hương 5 tấn” đầu tiên của miền Bắc; đồng thời, tổ chức tốt công tác phòng không, bảo vệ sản xuất, tính mạng, tài sản của nhà nước, tập thể và nhân dân. Quân và dân Thái Bình đã anh dũng đánh trả 1.064 trận bằng không quân, hải quân của giặc Mỹ; bắn rơi 44 máy bay, bắn bị thương 4 tàu chiến. Đầu năm 1967, Thái Bình được đón Bác Hồ về thăm lần thứ năm. Bác rất vui lòng trước những tiến bộ của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình. Người căn dặn: “Các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt”.

 

Khắc sâu lời dạy của Bác, thầm nhuần chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, với tinh thần “thóc thừa cân, quân vượt mức” vì miền Nam ruột thịt, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã huy động cao sức người, sức của cho tiền tuyến; gần 152 nghìn người con ưu tú của quê hương đã lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường; Thái Bình là tỉnh có tỉ lệ người tham gia quân đội so với dân số cao nhất miền Bắc. Trải qua cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, trên 52 nghìn người con quê hương đã hy sinh; 32 nghìn thương, bệnh binh đã hiến dâng một phần xương, máu; gần 5.500 Mẹ Việt Nam anh hùng; 6.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, hơn 2.000 cán bộ lão thành cách mạng; gần 50 nghìn gia đình có công với nước; gần 30 nghìn người nhiễm chất độc da cam/dioxin; và rất nhiều người con ưu tú của Thái Bình, tiêu biểu như: lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, nữ anh hùng Nguyễn Thị Chiên, đồng chí Tạ Quốc Luật, Bùi Quang Thận, Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ, Anh hùng phi công Phạm Tuân…đã gắn liền với sự kiện vĩ đại của Đảng và dân tộc. Đảng bộ và nhân dân Thái Bình tự hào vì đã có những cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Đất nước giành lại độc lập, tự do, Bắc, Namon> sum họp một nhà. Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những vết thương chiến tranh nhanh chóng được hàn gắn;những cánh đồng lúa “mùa nối mùa bội thu” và nhiều nhà máy, xí nghiệp được mọc lên trên chính mảnh đất đã thắm đượm máu và mồ hôi  của nhân dân Thái Bình.

 

Từ khi cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, nhất là trong 30 năm đổi mới, Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà tiếp tục giành được nhiều thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện. Hai mươi năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, Thái Bình đã thực hiện thành công Chương trình “điện, đường, trường, trạm, thông tin, nước sạch ”, làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn. Thực hiện 5 trọng tâm phát triển kinh tế được đề ra từ Đại hội lần thứ XVI, đã quy hoạch và xây dựng được các khu, cụm công nghiệp, đẩy mạnh phát triển nghề và làng nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa và phát triển kinh tế biển, đưa nền kinh tế của tỉnh thoát khỏi tình trạng trì trệ, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, GDP bình quân tăng 7,2%/ năm.

 

Những năm gần đây, trong điều kiện khó khăn do tác động khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, suy giảm kinh tế trong nước, nhưng nền kinh tế của tỉnh vẫn tăng trưởng khá, cơ bản thoát khỏi tình trạng chậm phát triển. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP bình quân đạt 10%/năm. Năm 2014, GRDP gấp 2,34 lần; GRDP bình quân đầu người gấp 3,1 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; công nghiệp, xây dựng chiếm 33% (tăng 18%), dịch vụ chiếm 34% (tăng 3%), nông, lâm, thủy sản chiếm 34% (giảm 20%) so với năm 2005. Hiện có 6 khu công nghiệp, 31 cụm công nghiệp đã và đang được xây dựng, khai thác có hiệu quả, 385 dự án công nghiệp đang sản xuất với tổng số vốn 16 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho 110 nghìn lao động và 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; 242 nghề, làng nghề được duy trì phát triển, tạo việc làm ổn định cho 148 nghìn lao động và 22% tổng giá trị sản xuất công nghiệp.

 

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư; một số công trình, dự án trọng điểm đã hoàn thành đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả cao như: trên 30km đê xung yếu, trực diện với biển; cầu Hiệp, cầu Diêm Điền, cầu Trà Giang, cầu Trà Linh; mở rộng, nâng cấp quốc lộ 10, quốc lộ 39, đường Đồng Châu, đường 217, đường bờ Nam sông Kiên Giang; Trung tâm phát thanh và truyền hình; Nhà Thi đấu đa năng, làng trẻ SOS, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Đa Khoa và Đền thờ liệt sỹ..v..v..Nhiều công trình, dự án lớn đã và đang được tập trung chỉ đạo, bảo đảm tiến độ, như: đường Thái Bình – Hà Nam, cầu Thái Hà, đường 39 (từ trị trấn Thanh Nê đến thị trấn Diêm Điền), cầu Tịnh Xuyên, cầu qua sông Trà Lý; Quảng trường Thái Bình và Tượng đài “Bác Hồ với nông dân”, Bệnh viện Đa Khoa 1.000 giường; hạ tầng Trung tâm Y tế tỉnh, Trung tâm Nhiệt điện Thái Bình, Nhà máy Mmônitrat, Nhà máy Bột cá Thụy Tân, Dự án đưa khí vào bờ, Dự án thăm dò khai thác thử nghiệm than đồng bằng sông Hồng..v.v…

 

Xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, đã trở thành một phong trào sâu rộng, sôi nổi, hiệu quả đều khắp trong toàn tỉnh. Đã huy động được trên 8.000 tỷ đồng cho đầu tư cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trong đó, nhân dân đóng góp 4.460 tỷ đồng (tiền và quy tiền) và tự nguyện hiến gần 2.000 ha đất. Xây dựng chỉnh trang, cải tạo và nâng cấp 4.714 km đường giao thông nội đồng và đường giao thông nông thôn; 269 trạm bơm, cống đập, trạm cấp nước sạch; 94 Trường Trung học cơ sở; Tiểu học và Mầm non; 294 Nhà văn hóa xã, thôn; 171 Trạm Y tế xã; 22 bãi xử lý rác thải; 44 chợ nông thôn; 14 Trụ sở xã, 99 xã hoàn thành nâng cấp lưới điện nông thôn. Đã có 85 xã (chiếm 32,2% số xã  trong tỉnh, hơn 10% số xã trong toàn quốc) đạt chuẩn nông thôn mới, 169 xã đạt từ 10-18 tiêu chí.

 

Các lĩnh vực văn hóa-  xã hội nhiều tiến bộ. Chất lương giáo dục – đào tạo tiếp tục nâng lên; tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt gần 100%; tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng luôn đứng tốp đầu cả nước; học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế hàng năm đều tăng. Hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề được tổ chức lại một bước. Cơ sở vật chất trường, lớp tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp theo chuẩn quốc gia. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực theo chuẩn hóa.

 

Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân được thực hiện có hiệu quả; chất lượng khám, chữa bệnh ở các tuyến y tế được nâng lên, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được mở rộng; số người có thẻ bảo hiểm y tế tăng lên hằng năm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được tăng cường. Trình độ, năng lực cán bộ cở cả 3 tuyến tỉnh, huyện và cơ sở được nâng lên. Xã hội hóa hoạt động y tế được đẩy mạnh.

 

Các chính sách đối với người và gia đình có công, chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ. Các hoạt động khoa học, công nghệ; thông tin, truyền thông, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu, thiết thực hơn, hiệu quả hơn. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Bộ mặt đô thị, nông thôn ngày một đổi mới; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều đổi mới; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ngày càng được nâng lên rõ nét.

 

Ghi nhận những thành tích to lớn và đặc biệt xuất sắc trong các cuộc kháng chiến, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang Thái Bình đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Huân chương Độc lập hạng Nhất, 6 Huân chương Quân công; 5.500 bà mẹ được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”; 96 tập thể và 78 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao đọng; 23 vạn người được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến; hàng trăm tập thể và cá nhân được tặng Huân chương Độc lập, Huân chương Chiến công và nhiều phần thưởng cao quý khác.

 

Những thành tích trên là kết quả của sự đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh; trong đó, có những đóng góp quan trọng của những người con quê hương ở mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài; sự cổ vũ, động viên, ủng hộ và giúp đỡ của các tỉnh bạn, các doanh nhân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Các bác, các anh, chị, các đồng chí – những người con quê hương đã thường xuyên quan tâm, chăm lo, giúp đỡ tỉnh; tăng cường các mối quan hệ đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; động viên, giới thiệu, kêu gọi các doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư về quê hương và tài trợ, giúp đỡ các đối tượng chính sách, hộ nghèo, ủng hộ tiền của để xây dựng nông thôn mới.

 

Từ một tỉnh đất chật người đông, với những tố chất: cần cù, tiết kiệm, năng động, dám nghĩ dám làm, hiếu học và giàu trí tiến thủ, người Thái Bình khi ra ngoài tỉnh, ở mọi môi trường sống, mọi lĩnh vực hoạt động đều sớm thành đạt. Từ nhiều năm qua, trong tâm thức của mỗi người dân trong tỉnh vẫn hằng tự hào về sự thành đạt của các con em Thái Bình ở ngoài tỉnh. Có nhà nghiên cứu đã cho rằng: hiện nay trên đất Thái Bình có hơn 1,8 triệu người và khoảng hơn  triệu người Thái Bình đang sinh sống ở ngoài tỉnh. Càng về những năm gần đây, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình càng ý thức sâu sắc hơn, trân trọng và đánh giá cao nguồn lực vô cùng quý giá của con em Thái Bình ở ngoài tỉnh. Niềm tự hào về con em mình thành đạt ở ngoài tỉnh đã thấm sâu vào từng dòng họ, từng làng quê, bởi nhiều người vốn xuất thân từ cảnh lam lũ, bần hàn nay đã thành đạt và thành tâm giúp đỡ quê hương hoặc tìm về đầu tư tại tỉnh.

 

Đảng bộ và nhân dân Thái Bình trân trọng cảm ơn, ghi nhận những sự quan tâm và tình cảm sâu nặng đối với quê hương của các bác, các anh, chị, các đồng chí; sự cổ vũ, động viên, ủng hộ và giúp đỡ của các tỉnh bạn, các doanh nhân, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

 

Thái Bình hôm nay đã mang một diện mạo mới với sức sống mới. Đó là thành quả của sự phát huy cao độ truyền thống dân tộc và quê hương; của trí thông minh, tinh thần đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo, kiên cường, bất khuất chống chọi với thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm của các thế hệ người Thái Bình trong suốt chiều dài lịch sử, nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo và thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Trên bước đường đi tới, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; để tiếp tục hòa nhịp với bước tiến của các tỉnh trong khu vực và cả nước, thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh, chúng ta hãy phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết, ý chí, nghị lực, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà nguyện phấn đấu xây dựng quê hương thân yêu phát triển mạnh mẽ và vững chắc để đền đáp công ơn trời biển của Đảng, Bác Hồ kính yêu, của biết bao thế hệ người Thái Bình đã cống hiến, hy sinh cho mảnh đất và cuộc sống nơi đây sinh sôi, đơm hoa, kết trái.

 

Nhân dịp này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự giúp đỡ có hiệu quả của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương. Xin chân thành cảm ơn các tỉnh, thành phố trong cả nước luôn động viên, khích lệ và dành cho Thái Bình những tình cảm thắm thiết nhất. Chúng tôi hy vọng và tin tưởng sâu sắc rằng, những năm tới, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ nhiều hơn nữa của Trung ương và đồng bào cả nước.

 

Tôi xin trân trọng đề nghị những người con Thái Bình ở trong và ngoài nước hãy chia sẻ cùng quê hương, tiếp tục hiến kế, hiến công và hơn thế nữa, mỗi người con Thái Bình, dù đang sinh sống ở trong và ngoài tỉnh hãy là một sứ giả thân thiện và thông minh để tuyên truyền, quảng bá, vận động các doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ về quê hương; chung sức, chung lòng cùng  bà con quê nhà phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt các phong trào “đền ơn, đáp nghĩa” và luôn động viên, cổ vũ quê hương vững bước đi lên, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra, tạo tiền đề vững chắc cho tỉnh chúng ta phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong tương lai.

 

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, lao động cần cù, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đồng tâm, hiệp lực, quyết tâm phấn đấu xây dựng quê hương thân yêu ổn định vững chắc về chính trị; giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, cảnh quan; mạnh về quốc phòng, an ninh; góp phần cùng cả nước tiến bước trên con đường đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt như điều Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.

 

 

 

  • Từ khóa