Chủ nhật, 10/11/2024, 05:43[GMT+7]

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6

Thứ 2, 29/06/2015 | 21:15:01
1,289 lượt xem
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngày 29/6, Chính phủ tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 6, trực tuyến với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại điểm cầu Thái Bình, các đồng chí: Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tới dự.

Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Thái Bình.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2015; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2015 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 và báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giai đoạn 2015 - 2016; báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2015.

6 tháng đầu năm 2015, nền kinh tế tiếp tục phục hồi và đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ năm 2014. Lạm phát được kiểm soát với chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 0,55% so với tháng 12/2014; tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất giai đoạn 2011 - 2014 với mức tăng 6,28%, trong đó nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ước tăng 2,36%, công nghiệp, xây dựng ước tăng 9,09%, dịch vụ ước tăng 5,9%; tổng phương tiện thanh toán ước tăng 5,09% so với cuối năm 2014; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 446.120 tỷ đồng, đạt 49% dự toán, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2014; tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 545.180 tỷ đồng, đạt 47,5% dự toán, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 553.800 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2014. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; công tác bảo đảm an toàn giao thông tiếp tục đạt kết quả tích cực, tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí.

Đa số đại biểu thống nhất với các báo cáo, đồng thời phát biểu làm rõ hơn về những kết quả nổi bật, hạn chế, yếu kém và giải pháp khắc phục trong thời gian tới của ngành, địa phương mình. Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp rất cụ thể, xác đáng của các đại biểu nhằm bổ sung, hoàn thiện các báo cáo; đồng thời biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành và các địa phương đã khắc phục mọi khó khăn để đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhấn mạnh những kết quả nổi bật đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…, Thủ tướng cũng đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém như: nông nghiệp tăng trưởng chậm so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu tăng thấp trong khi nhập siêu tăng so với cùng kỳ; tái cơ cấu còn chậm, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn nhiều vướng mắc…

Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm rất nặng nề, do đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu mỗi ngành, mỗi địa phương cần năng động, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy tối đa những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, yếu kém, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Thủ tướng nhấn mạnh 6 nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện là: giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh các khâu đột phá, tái cơ cấu nền kinh tế; chú trọng nâng cao đời sống nhân dân, các địa phương cần tiết kiệm chi để đầu tư phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ cho công tác khám chữa bệnh nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên; chú trọng thực hiện công tác quốc phòng - an ninh, đối ngoại, hội nhập quốc tế để tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển; tăng cường đoàn kết, thống nhất nội bộ, khối đại đoàn kết toàn dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp, trên cơ sở đó hoàn thiện nghị quyết phiên họp để triển khai thực hiện có hiệu quả.

Minh Hương

  • Từ khóa