Thứ 4, 27/11/2024, 11:36[GMT+7]

Ủy ban nhân dân tỉnh nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng

Thứ 2, 20/07/2015 | 21:31:00
2,045 lượt xem

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp nghe và cho ý kiến về kết quả thực hiện xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng.

* Sáng ngày 20/7, UBND tỉnh họp nghe Sở Xây dựng báo cáo kết quả thực hiện xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng. Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2521/QĐ-UBND ngày 15/11/2013 với tổng số gia đình cần hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn tỉnh là 25.830 hộ, tổng kinh phí hỗ trợ trên 1.000 tỷ đồng. Trong đó có 15.827 trường hợp xây mới, 10.003 trường hợp sửa chữa. Giai đoạn 1 (2012 - 2013), tỉnh đã hoàn thành hỗ trợ 2.716 hộ, tổng số tiền đã thanh toán hỗ trợ gần 120 tỷ đồng. Năm 2014, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc rà soát các gia đình thuộc 7 nhóm đối tượng ưu tiên như giai đoạn 1 và các đối tượng người có công thuộc Đề án có nhà ở xuống cấp nghiêm trọng cần hỗ trợ trong năm 2014, Sở Xây dựng đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các huyện, thành phố rà soát và lập thành 2 nhóm ưu tiên. Trong đó, nhóm ưu tiên 1 gồm các gia đình có công với cách mạng thuộc 7 đối tượng ưu tiên có 2.851 hộ; nhóm ưu tiên 2 gồm các hộ không thuộc 7 đối tượng ưu tiên nhưng nhà ở xuống cấp nghiêm trọng có  2.371 hộ. Tổng số tiền hỗ trợ cả 2 nhóm dự kiến trên 180 tỷ đồng.

Tại cuộc họp, sau khi nghe các đại biểu thảo luận về giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những cố gắng của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, sự nỗ lực của các địa phương trong việc huy động nguồn lực tại chỗ để xây mới và sửa chữa nhà ở cho người có công, đồng thời chỉ ra những hạn chế, thiếu sót cần khắc phục. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, nhất là các cơ quan truyền thông tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giải thích chính xác, cụ thể nội dung Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án của tỉnh tới người dân và các đối tượng; các huyện, thành phố khẩn trương quyết toán kinh phí hỗ trợ giai đoạn 1 và nguồn xã hội hóa, chậm nhất đến ngày 30/7 phải hoàn thành. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho tỉnh có các văn bản để đôn đốc các tổ chức đã cam kết tài trợ chuyển tiền vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, đồng thời phối hợp với ngành Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng văn bản để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất với các bộ liên quan ứng vốn để thực hiện theo Quyết định số 22; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản phát động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tới cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh trong 3 năm (2015, 2016, 2017) mỗi năm ủng hộ 2 ngày lương/người để thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng.

Để giải quyết những vấn đề bức thiết trước mắt về nhà ở cho người có công với cách mạng, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: UBND tỉnh thống nhất với đề xuất của các huyện, thành phố, các ngành thực hiện phương án tỉnh sẽ tạm ứng 23 tỷ đồng cho các huyện, thành phố. Ngay trong ngày 20/7 và chậm nhất ngày 21/7, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh cấp tạm ứng ngân sách tỉnh cho các huyện, thành phố để hỗ trợ kinh phí xây, sửa chữa nhà ở cho người có công. Bên cạnh đó, đồng chí yêu cầu Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án và các ngành chức năng nghiên cứu các tiêu chí cụ thể để hỗ trợ và triển khai thực hiện ở các địa phương, bình quân mỗi xã, phường, thị trấn hỗ trợ tối đa 4 hộ xây mới, sửa chữa nhà ở.

* Chiều ngày 20/7, UBND tỉnh tổ chức họp nghe và cho ý kiến về phương án quy hoạch đường Lê Lợi kéo dài và đường Lê Quý Đôn kéo dài; chủ trương cho phép thành lập Ban Quản lý khu dân cư bảo đảm an ninh trật tự, nếp sống văn hóa và vệ sinh môi trường tại khu dân cư, nhà ở xã hội phường Quang Trung (thành phố Thái Bình); tình hình thực hiện Dự án công trình Bệnh viện Nhi Thái Bình, Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh 1.000 giường. Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Quy hoạch đường Lê Lợi kéo dài nhằm mục tiêu bảo đảm giao thông thuận lợi, thông suốt từ trung tâm thành phố Thái Bình kết nối với khu vực phía Tây Nam và trục giao thông đối ngoại hướng đi Nam Định và các tỉnh lân cận, tạo ra trục cửa ngõ của thành phố Thái Bình. Tại cuộc họp, đơn vị tư vấn đã báo cáo dự kiến quy hoạch mặt cắt ngang tuyến đường, hướng tuyến, phương án đền bù, giải phóng mặt bằng và dự kiến lựa chọn phương án triển khai. Ngoài ra, UBND Thành phố cũng báo cáo dự kiến quy hoạch xây dựng đường 10C (từ đường Long Hưng đến đê tả Trà Lý) tạo thành trục kết nối trung tâm Thành phố với các tuyến đường cửa ngõ hướng đi quốc lộ 10, đi Hải Phòng và báo cáo quy hoạch đường Lê Quý Đôn kéo dài trở thành trục cửa ngõ phía Nam của Thành phố.

Tại cuộc họp, Công ty Cổ phần Đầu tư xây lắp dầu khí Thăng Long báo cáo về chủ trương cho phép thành lập Ban quản lý khu dân cư bảo đảm an ninh trật tự, nếp sống văn hóa và vệ sinh môi trường tại khu dân cư, nhà ở xã hội phường Quang Trung, theo đó đưa ra những dịch vụ được cung cấp như bảo vệ, giám sát, vệ sinh môi trường, kỹ thuật và nhiều dịch vụ khác, đồng thời đưa ra các nguồn thu để duy trì hoạt động của Ban Quản lý.

Về tiến độ thực hiện Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh 1.000 giường, hiện đang lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc theo phương án 1 của Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và xây dựng Không gian xanh, lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo phương án thiết kế kiến trúc đã được lựa chọn. Đối với tình hình thực hiện Dự án công trình Bệnh viện Nhi Thái Bình, hiện đã hoàn thành lập quy hoạch tổng mặt bằng dự án. Đến nay, Bệnh viện đã ký hợp đồng với các nhà thầu và đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công, hoàn thành thi công xây dựng và đang thực hiện lắp đặt trang thiết bị xây dựng đối với hạng mục nhà số 1, nhà số 2, nhà số 3...

Cũng tại cuộc họp, UBND tỉnh đã nghe và cho ý kiến giải quyết những khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục thu hồi đất, công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án nhà ở chiến sĩ Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản đồng tình với phương án quy hoạch của Thành phố về các tuyến đường, đồng thời thống nhất bổ sung thêm một số nội dung trong công tác quy hoạch về kết cấu, hướng tuyến, tiêu chuẩn đường, phương án quy hoạch, hạch toán. Về chủ trương cho phép thành lập Ban Quản lý khu dân cư, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định việc cung ứng các dịch vụ công, nhất là trong các khu dân cư, khu nhà ở xã hội là hết sức cần thiết và hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện nay. Đồng chí thống nhất với đề xuất của đơn vị tư vấn về thành lập Ban Quản lý với các dịch vụ đã nêu; đề nghị đơn vị tư vấn tính lại nguồn thu cho phù hợp với các dịch vụ, đồng thời phải bám sát vào các cơ chế hỗ trợ hiện hành của Nhà nước để thực hiện.

Đối với các công trình ngành Y tế báo cáo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất hỗ trợ một số dự án, công trình để gắn biển chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Đồng chí yêu cầu ngành Y tế phải lựa chọn những hạng mục thật cần thiết để hoàn thành với tiến độ nhanh nhất và bảo đảm chất lượng tốt nhất.

* Sáng ngày 20/7, UBND tỉnh tổ chức họp nghe và cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác các công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn. Đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Theo dự thảo Kế hoạch do lãnh đạo Sở Tài chính báo cáo, đối tượng thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác các công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn là các doanh nghiệp đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đăng ký tiếp nhận, quản lý, khai thác công trình nước sạch nông thôn phải xây dựng phương án hoàn trả các khoản nhận nợ với Nhà nước, làm cơ sở cho việc đánh giá, xác định doanh nghiệp được giao quản lý, khai thác công trình nước sạch; phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tài sản, tiền vốn sở hữu của doanh nghiệp hoặc bằng bảo lãnh của tổ chức tín dụng đối với toàn bộ phần vốn ngân sách nhà nước, vốn vay Ngân hàng Thế giới thuộc trách nhiệm hoàn trả của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhận bàn giao quản lý các công trình nước sạch có trách nhiệm lập hồ sơ về năng lực và phương án tổ chức lại sản xuất, tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô, công suất cấp nước sạch, nâng cao chất lượng cấp nước sạch cho nhân dân và quản lý, khai thác có hiệu quả vốn đầu tư theo quy định tại Thông tư số 54/2013/TT-BTC ngày 4/5/2013 của Bộ Tài chính.

Phát biểu kết luận, đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính và Văn phòng UBND tỉnh hoàn thiện dự thảo Kế hoạch trên cơ sở ý kiến của các đại biểu dự họp và kết luận cuộc họp để trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tham mưu xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các công trình chuyển nhượng phần nâng cấp công suất, mở rộng mạng lưới cấp nước. Về tiến độ thực hiện, đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh yêu cầu chậm nhất đến ngày 30/7, các dự án chuyển nhượng phải hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nhóm phóng viên

  • Từ khóa