Thứ 7, 16/11/2024, 14:19[GMT+7]

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa

Chủ nhật, 30/08/2015 | 18:53:14
3,723 lượt xem
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là một hệ thống các quan điểm lý luận về bản chất, chức năng, cơ chế hoạt động, tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức nhà nước; trong đó, quan niệm về nhà nước pháp quyền là một tư tưởng nhất quán, thể hiện tầm nhìn vượt thời đại và có giá trị lâu bền.

Ảnh tư liệu.

 

Theo Bác, nhà nước pháp quyền, trước hết phải được tổ chức và hoạt động theo pháp luật, bảo đảm tính tối cao của pháp luật trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân là một nhà nước hoàn toàn xa lạ với kiểu nhà nước cai trị và quản lý xã hội bằng quyền hành pháp của chính phủ, tùy tiện ra các sắc lệnh theo ý chí áp đặt chủ quan và thuận tiện cho sự cai trị của mình chứ không phải là ý chí của nhân dân được đề lên thành luật, kiểu nhà nước mà trong đó, chính quyền tự cho phép mình đứng ngoài, đứng trên pháp luật.

 

Ngay sau ngày giành được chính quyền về tay nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chủ trương xây dựng Hiến pháp, biểu hiện đầu tiên của một Nhà nước pháp quyền. Hiến pháp năm 1946 là Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước Việt Nam mới, phù hợp với giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân của nước ta, là một mốc son quan trọng đánh dấu bắt đầu quá trình xây dựng một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân là chủ, Chính phủ là đầy tớ”. Đây là một trong những vấn đề hết sức căn bản trong xây dựng nhà nước kiểu mới, Nhà nước pháp quyền của dân, do nhân dân làm chủ, mà Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất do nhân dân trực tiếp bầu ra. Trong thư gửi Ủy ban hành chính các bộ, huyện, làng xã ngày 17/10/1954, Người viết: “Cơ quan Chính phủ từ toàn quốc đến các làng, xã là đầy tớ của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung chứ không phải đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật”. “Dân là chủ thì Chính phủ là đầy tớ, nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ đi”.

 

Mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân được thể hiện cụ thể trong mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ. Nhà nước có nghĩa vụ với công dân đồng thời có những quyền theo quy định của pháp luật để thực thi công quyền mà nhân dân giao phó, ngược lại công dân vừa có quyền, đồng thời có nghĩa vụ đối với Nhà nước. Bác viết: “Những khi dân dùng đầy tớ để bảo vệ cho mình thì phải giúp đỡ, nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình không có nghĩa là chửi”. Đối với cán bộ, đảng viên, nhân viên nhà nước, Người gọi đó là “công bộc” của dân, cách gọi ấy thật là dân dã mà sâu sắc.

 

Trong các bài viết, bài nói của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở Đảng, Nhà nước ta phải thực hành dân chủ. Người khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công cuộc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Nhà nước phải thể hiện ý chí quyền lực của dân, mưu cầu hạnh phúc cho dân, phấn đấu đem lại lợi ích cho dân, thỏa mãn những nhu cầu hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Đó là một Nhà nước dân chủ và tiến bộ. Những lợi ích và nhu cầu đó lại phải được thực hiện một cách công bằng, dân chủ, văn minh, chính đáng, bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa phát triển các cá nhân với mục tiêu phát triển xã hội.

 

Quan điểm về quyền làm chủ đất nước và xã hội của nhân dân đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đề cập hết sức đầy đủ và sâu sắc. Theo Bác, cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì vậy, vấn đề cốt tử là làm sao để nhân dân thực sự làm chủ vận mệnh của đất nước. Để quyền làm chủ của nhân dân được bảo đảm và thực thi trong cuộc sống, cần xây dựng và hoàn thiện thể chế, phương thức, cơ chế thực hiện. Người chỉ rõ, phải xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, trong đó, nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua các cơ quan dân cử và các tổ chức xã hội do chính họ lập ra và quản lý. Theo đó, nhân dân vừa là người cử ra chính quyền các cấp, vừa là người quản lý, kiểm tra, kiểm soát toàn bộ hoạt động của bộ máy quyền lực đó.

 

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền làm chủ đất nước và xã hội của nhân dân, Đảng ta đã đúc kết thành cơ chế, chính sách quản lý, điều hành đất nước: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Cơ chế đó phát huy được tính tích cực, chủ động của các tổ chức chính trị - xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đáp ứng đòi hỏi của các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã từng bước được xây dựng và hoàn thiện. Về tổng thể, có thể nêu một số đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là: Nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, mọi quyền lực của nhà nước đều thuộc về nhân dân; tôn trọng và bảo vệ quyền con người, vì hạnh phúc của con người; tuyệt đối tuân theo Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm tính tối cao của pháp luật; quyền lực của nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước về lập pháp, hành pháp và tư pháp; nhà nước chịu trách nhiệm trước công dân về mọi hoạt động của mình và bảo đảm cho công dân thực hiện nghĩa vụ trước Nhà nước và xã hội; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị hợp tác, bình đẳng với các nước; tôn trọng và cam kết thực hiện các công ước, điều ước quốc tế mà mình tham gia ký, phê chuẩn...

 

Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức phấn đấu xây dựng, phát triển đất nước theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi năm 2013), thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phấn đấu thực hiện các mục tiêu: Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực, động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững; không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân; rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến trong khu vực, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế; phấn đấu đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nguồn Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

  • Từ khóa