Thứ 2, 18/11/2024, 05:38[GMT+7]

Mãi là ngày hội của non sông

Thứ 3, 05/01/2016 | 08:20:31
1,039 lượt xem
Cách đây vừa tròn 70 năm, ngày 6/1/1946 đã diễn ra một sự kiện trọng đại, ngày Tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử dân tộc, khai sinh ra Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trải qua 70 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam không ngừng đổi mới trên các lĩnh vực hoạt động, khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ảnh tư liệu.

 

Cách mạng Tháng Tám thành công đã xóa bỏ chế độ thuộc địa và cũng chấm dứt nghìn năm phong kiến đến giai đoạn lụi tàn, lập ra nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đó là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Để nhà nước ấy hợp hiến và hợp pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký các sắc lệnh về việc Tổng tuyển cử bầu Quốc dân Đại hội (Quốc hội). Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, với tinh thần và khí thế người dân của một nước độc lập, công dân trên khắp mọi miền Tổ quốc không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến đã tham gia bầu cử bất chấp sự chống phá của các thế lực thù địch. Mỗi người dân cầm trên tay lá phiếu đều không khỏi bùi ngùi xúc động xen lẫn niềm vui sướng, tự hào vì trước đó không lâu họ còn chịu cảnh lầm than nô lệ, một cổ hai tròng, thì nay họ đã là công dân một nước tự do, có quyền bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề trọng đại của đất nước.

 

Tổng tuyển cử là một phần của cách mạng Việt Nam sau khi giành được độc lập, khẳng định địa vị pháp lý của Nhà nước Việt Nam và cũng khẳng định với thế giới về quyền tự quyết của dân tộc độc lập. Đó còn là thành quả của cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, hy sinh.

 

Lịch sử phát triển của Quốc hội gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam, là nơi thống nhất ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Quyền lực to lớn của Quốc hội được nhân dân ủy thác để quản lý đất nước và bảo vệ lợi ích của nhân dân, đồng thời nhân dân thông qua Quốc hội để thực hiện quyền làm chủ của mình. Để hoạt động của Quốc hội ngày càng hiệu quả, cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ máu thịt với cử tri, nhân dân. Nhờ mối quan hệ này mà Quốc hội là cơ quan đại diện cho tiếng nói, ý chí, nguyện vọng của nhân dân và cũng nhờ mối quan hệ này mà Quốc hội hoàn thành sứ mệnh của mình.

 

Năm 2016 là năm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trải qua 13 khóa, Quốc hội nước ta ngày càng trưởng thành về mọi mặt, tập trung công sức, trí tuệ và thời gian cho công tác lập pháp, số lượng các văn bản luật được ban hành ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao tạo cơ sở pháp lý cho công cuộc phát triển đất nước. Đồng thời Quốc hội ngày càng chú trọng và chủ động hơn trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; hoạt động giám sát cũng được triển khai tích cực, hiệu quả, đổi mới cả về nội dung và hình thức; việc chất vấn và trả lời chất vấn trở thành hoạt động thường xuyên và ngày càng thực chất với không khí thẳng thắn, cởi mở, có trách nhiệm...

 

Cùng với đại biểu cả nước, 70 năm qua Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình không ngừng đổi mới, phát huy vai trò người đại biểu dân cử; thường xuyên gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân; đa dạng hóa các hình thức tiếp xúc cử tri theo lĩnh vực, chuyên đề; thay đổi phương thức giám sát theo chương trình, kế hoạch với giám sát theo kiến nghị, đơn thư khiếu nại của công dân. Đặc biệt trong các kỳ họp, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình có nhiều phát biểu đóng góp tham gia xây dựng hoàn thiện các văn bản luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là các chính sách liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn, chính sách về người có công với cách mạng... được đông đảo cử tri và Quốc hội, Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao.

 

Thái Bình

  • Từ khóa