Kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2016) Xứng đáng với sự tín nhiệm và niềm tin của cử tri
Trong điều kiện cùng với nhân dân cả nước thực hiện cuộc trường kỳ kháng chiến, Quốc hội khóa I là một nhiệm kỳ đặc biệt, hoạt động kéo dài gần 15 năm (1946 - 1960). Nhiệm kỳ đó, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp năm 1946, đây là bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có ý nghĩa vô cùng quan trọng tuyên bố và khẳng định với thế giới quyền độc lập dân tộc, thống nhất lãnh thổ, xây dựng chế độ bảo đảm quyền tự do của mọi công dân. Tiếp đó, trong thời kỳ đấu tranh thống nhất nước nhà vô cùng ác liệt, với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến", Quốc hội khóa II, khóa III, khóa IV, khóa V (từ 1960 đến 1976) đã có đóng góp quan trọng vào việc xây dựng hậu phương xã hội chủ nghĩa, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đối với miền Bắc, đẩy mạnh sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày 25/4/1975, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI (1976 - 1980) được tiến hành trên cả nước. Từ đây, chúng ta có một Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, huy động sức mạnh của toàn dân tộc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Quốc hội khóa VII, khóa VIII (từ 1980 - 1992) đã góp phần quan trọng đưa đất nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế, xác định những nguyên tắc và phương hướng cơ bản của công cuộc đổi mới, xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Thành tựu nổi bật nhất là Quốc hội khóa VIII đã thông qua Hiến pháp 1992, Hiến pháp của thời kỳ đổi mới đất nước.
Quốc hội khóa IX, khóa X (1992 - 2002) đã góp phần đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới sâu sắc và toàn diện, phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Cùng với hoạt động lập pháp, Quốc hội ngày càng chú trọng và chủ động hơn trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như: quyết định các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, tổ chức bộ máy và nhân sự của các cơ quan nhà nước do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, các vấn đề về bảo đảm an ninh, quốc phòng. Hoạt động giám sát của Quốc hội khóa X cũng được triển khai tích cực, có sự đổi mới cả về nội dung và hình thức giám sát. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai chủ động trên nhiều châu lục với nhiều chủ thể khác nhau nhằm củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị với tất cả các nước; đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động trên các diễn đàn nghị viện đa phương.
Quốc hội khóa XI, XII (2002 đến 2011) hoạt động trong bối cảnh công cuộc đổi mới đất nước được triển khai một cách toàn diện, mạnh mẽ nhằm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Kế thừa và phát huy những kinh nghiệm và thành tựu của các khóa trước, Quốc hội đã tiếp tục đổi mới về tổ chức và hoạt động theo hướng ngày càng dân chủ, thực chất và hiệu quả, đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc thực hiện những chức năng cơ bản của Quốc hội.
Quốc hội khóa XIII, từ 2011 đến nay, đây là lần đầu tiên cử tri cả nước bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 trong cùng một ngày với quy mô lớn. Đây cũng là nhiệm kỳ đầu tiên, Quốc hội cùng nhân dân cả nước thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được bổ sung, phát triển tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng năm 2011. Thành tựu lớn nhất trong hoạt động lập hiến, lập pháp của Quốc hội trong nhiệm kỳ này là việc Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là bản Hiến pháp thể hiện tinh thần đổi mới sâu sắc, tạo ra khuôn khổ pháp lý vững chắc cho sự vận hành toàn bộ đời sống xã hội trên nền tảng dân chủ, pháp quyền và tạo ra động lực mạnh mẽ để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thăm, tặng quà gia đình chính sách.
Là một tỉnh có truyền thống văn hóa yêu nước và cách mạng, luôn luôn đi đầu trong các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Thái Bình đã hăng hái hưởng ứng cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 và các kỳ bầu cử Quốc hội đã lựa chọn bầu ra 199 lượt đại biểu ưu tú vào 13 kh Quốc hội trong 70 năm vừa qua. Những ngày bầu cử Quốc hội thực sự là ngày hội dân chủ của quần chúng. Tỷ lệ cử tri đi bầu cử thường thuộc diện cao nhất cả nước.
Trong quá trình đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình không ngừng đổi mới, phát huy vai trò của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội. Qua 13 khóa Quốc hội, những đại biểu Quốc hội được cử tri Thái Bình tín nhiệm tuyệt đại đa số trung thành với lý tưởng cách mạng, gắn bó mật thiết với nhân dân, bền bỉ rèn luyện phấn đấu hoàn thành trọng trách của đại biểu Quốc hội, xứng đáng là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Để gần dân, hiểu dân, hoạt động tiếp xúc với cử tri ở khu vực bầu cử ngày càng được các đại biểu Quốc hội chú ý, thường xuyên lắng nghe ý kiến nhân dân qua thực tiễn sản xuất, công tác, chiến đấu… Từ thực tiễn của địa phương và của cả nước, các đại biểu Quốc hội Đoàn Thái Bình đã phát huy vai trò, trách nhiệm tích cực bàn bạc, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước trong suốt 70 năm qua. Các ý kiến phát biểu của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tại các kỳ họp Quốc hội đã góp phần thể chế hóa kịp thời đường lối cách mạng của Đảng, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của Nhà nước, xây dựng hệ thống chính sách phù hợp trong từng giai đoạn. Nét nổi bật xuyên suốt qua 13 khóa của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình là những đề xuất với Quốc hội và Nhà nước về chính sách đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn và chính sách đối với người có công. Những đề xuất đó đã được Quốc hội, Chính phủ tiếp thu chuyển thành pháp luật và chế độ chính sách đã và đang đi vào cuộc sống, tạo bước chuyển mình đầy sức thuyết phục trên mảnh đất Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung.
Đoàn đại biểu Quốc hội Thái Bình đã nỗ lực cùng với Quốc hội trong công tác lập hiến, lập pháp, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đạt được những thành tựu pháp lý có ý nghĩa quan trọng. Tham gia tích cực vào việc góp ý với Quốc hội ban hành Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992, Hiến pháp năm 2013 và hàng trăm đạo luật, pháp lệnh đã tạo lập nền tảng chính trị, pháp lý quan trọng cho sự phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo đảm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Các đại biểu Quốc hội tích cực tuyên truyền đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần xây dựng trong nhân dân Thái Bình ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật, nền nếp "sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật".
Cùng với công tác tham gia xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội Thái Bình ngày càng được tăng cường trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhất là những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở cơ sở như quản lý sử dụng đất đai, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường… bảo đảm thực thi pháp luật, giữ gìn kỷ cương phép nước, thực sự góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương.
Với 70 năm hoạt động, xây dựng đổi mới và phát triển, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã có những đóng góp xứng đáng vào những thành tựu chung của Quốc hội Việt Nam, nâng cao vai trò của Quốc hội trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang mà Quốc hội giao cho, được Quốc hội đánh giá cao, xứng đáng với sự tín nhiệm và tin tưởng của cử tri tỉnh nhà.
Bà Lê Thị Định, đại biểu Quốc hội khóa II |
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ vào ngày 6/1/1946, hưởng ứng lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh sôi sục khí thế cách mạng. Ngay từ sáng sớm, mọi cử tri từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ, lương giáo, mặc những bộ quần áo mới nhất nô nức đến địa điểm bỏ phiếu để thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của một công dân. Tôi và tất cả mọi người đều chung một tâm trạng hồ hởi, vui sướng đến tột cùng bởi từ thân phận nô lệ, nhờ có Đảng, có Bác Hồ, có cách mạng, người dân đã được vươn lên làm chủ cuộc đời, làm chủ đất nước, tự tay bỏ phiếu lựa chọn những đại biểu đủ đức, đủ tài bầu vào Quốc hội. Cuộc bầu cử Quốc hội khóa I thành công không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc mà còn là một cuộc biểu dương lực lượng, đánh mạnh vào âm mưu chia rẽ và lật đổ của kẻ thù, nâng cao vai trò và uy tín của chính quyền cách mạng. |
Bà Đinh Thị Hoa, đại biểu Quốc hội khóa IV, V, VI |
Tôi chỉ là một công nhân bình thường của Nhà máy Cơ khí 2/9, vậy mà dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, sự giúp đỡ của các đoàn thể, công nhân Nhà máy và cử tri, tôi đã trở thành đại biểu Quốc hội 3 khóa IV, V, VI. Đây là niềm vinh dự, tự hào lớn nhất cuộc đời tôi. Những năm tháng là đại biểu Quốc hội đã cho tôi cơ hội được tiếp xúc, hiểu thêm cuộc sống của nhân dân, giúp tôi trau dồi, nâng cao trình độ, sự hiểu biết xã hội. Vì vậy, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi đều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của người công nhân, trọng trách của người đại biểu, lắng nghe và chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, động viên nhân dân thi đua lao động sản xuất, đóng góp "sức người, sức của" cho tiền tuyến, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, xây dựng đất nước ngày càng phát triển. |
Ông Đỗ Văn Vẻ, đại biểu Quốc hội khóa XIII |
Là đại biểu Quốc hội được nhân dân tín nhiệm nên tôi xác định trách nhiệm của người đại biểu là hết sức lớn lao và nặng nề. Bản thân tôi lúc nào cũng tâm niệm phải luôn nỗ lực, cố gắng, phát huy tối đa khả năng, mang hết tâm huyết, trí tuệ để phục vụ nhân dân, xứng đáng là cầu nối tin cậy giữa cử tri với Quốc hội. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, tôi cũng đặc biệt quan tâm và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của cử tri và nhân dân, tiếp thu tổng hợp chính xác những ý kiến, kiến nghị đó để chuyển tới Quốc hội và các cơ quan chức năng quan tâm, giải quyết. Tôi cũng tích cực tham gia các hoạt động giám sát, phát biểu đóng góp những ý kiến tâm huyết trước Quốc hội xây dựng luật pháp, các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; phát huy trí tuệ, trách nhiệm xem xét, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc, đáp ứng niềm mong mỏi, xứng đáng với sự tin cậy của cử tri. |
Ông Trần Nguyên Ngân, thôn Bát Tiên, xã Vũ Tiến (Vũ Thư) |
Năm nay tôi 95 năm tuổi đời, 64 năm tuổi Đảng nhưng vẫn nhớ không khí những ngày bầu cử Quốc hội khóa I đầu năm 1946 ở Thái Bình. Chuẩn bị cho công tác bầu cử, ngay từ cuối năm 1945, nhân dân khắp nơi đã sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng ngày hội lớn của dân tộc. Khắp các ngả đường, nơi công cộng, đình chùa lớn, các địa điểm đặt hòm phiếu đều treo các khẩu hiệu kêu gọi quốc dân đồng bào đi bỏ phiếu. Vui mừng nhất là phụ nữ cũng được bình đẳng như nam giới đi bỏ phiếu. Những cử tri tuổi cao, sức yếu thì được con cháu đưa ra địa điểm bỏ phiếu để thực hiện nghĩa vụ công dân. Thấm thoắt đến nay đã trải qua 13 kỳ Quốc hội, những đại biểu được nhân dân tín nhiệm bầu ra đã thực hiện trọn vẹn trọng trách của mình, góp phần cùng quân dân cả nước giành độc lập, tự do cho dân tộc, xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh. |
Phạm Xuân Thường
(Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh)
Tin cùng chuyên mục
- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8: Quốc hội thảo luận về các dự án luật 23.10.2024 | 16:17 PM
- Khẩn trương đưa các nghị quyết của HĐND tỉnh vào cuộc sống 29.08.2024 | 20:06 PM
- Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 26.07.2024 | 18:24 PM
- Kỳ họp thứ 7: Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật, nghị quyết 28.06.2024 | 16:09 PM
- Đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội 20.05.2024 | 16:33 PM
- Ngày làm việc thứ nhất Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII 16.05.2024 | 19:58 PM
- Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào chiều 2/5 01.05.2024 | 13:48 PM
- Xã luậnViết tiếp trang sử vàng của Đảng 03.02.2024 | 07:38 AM
- Triển khai quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh 22.01.2024 | 12:00 PM
- Đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và viếng các anh hùng liệt sĩ 01.12.2023 | 18:32 PM
Xem tin theo ngày
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
- UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường