Thứ 3, 19/11/2024, 10:42[GMT+7]

Ngày làm việc thứ ba, Đại hội lần thứ XII của Đảng: Các đại biểu tiếp tục tham luận tại Hội trường

Thứ 7, 23/01/2016 | 20:47:48
3,955 lượt xem
Ngày 23/1, Đại hội làm việc tại hội trường. Buổi sáng, các đại biểu tiếp tục thảo luận các văn kiện Đại hội. Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành thảo luận.

Đánh giá cao quá trình chuẩn bị và thống nhất với các nội dung dự thảo văn kiện trình Đại hội XII, 12 đại biểu tham luận đã tập trung đánh giá, phân tích, nêu rõ những thành tích đã đạt được, hạn chế cần khắc phục, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; đồng thời đề xuất các giải pháp thực hiện trong 5 năm tới cho từng ngành, lĩnh vực cụ thể.

Về phát triển kinh tế công nghiệp, việc định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển đất nước và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Chính sách phát triển công nghiệp quốc gia phải được xây dựng đồng bộ, tuân thủ đầy đủ các quy luật khách quan của thị trường, gắn liền với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện có hiệu quả ba khâu đột phá chiến lược. Chính sách công nghiệp quốc gia phải phát huy tối đa các nguồn lực trong nước, đồng thời thu hút có hiệu quả các nguồn lực nước ngoài. Phát huy vai trò tích cực của thị trường trong phân bổ các nguồn lực cho phát triển công nghiệp. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; lấy khoa học, công nghệ là nền tảng để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức; khuyến khích các dự án sử dụng công nghệ cao, chuyển nhanh sang kinh tế tri thức để tạo được bước nhảy vọt phát triển công nghiệp quốc gia. Phải coi trọng đổi mới, sáng tạo, trong đó yếu tố nguồn lực con người là yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; phải bảo đảm sự gắn kết giữa phát triển công nghiệp với thương mại, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp văn hóa, công nghiệp dịch vụ, công nghiệp du lịch, công nghiệp môi trường và phát triển đô thị. Gắn sản xuất với thị trường, gắn thị trường công nghệ với thị trường sản xuất...

Về mục tiêu chính của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong những năm tới, các tham luận nhấn mạnh, phát triển bền vững theo ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, cụ thể là: (1) Thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng và hiệu quả cao; (2) Xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn; (3) Phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai; bảo vệ và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên và môi trường bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ và giải pháp hết sức quan trọng. Cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp và các quy hoạch chuyên ngành theo hướng đa ngành gồm: tổ chức lại sản xuất, tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh của địa phương để hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, xây dựng trung tâm cung cấp dịch vụ, thu mua, chế biến và xuất khẩu nông sản. Gắn kết thực hiện chương trình nông nghiệp công nghệ cao với chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững hợp lý ở từng địa bàn nhằm phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn. Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại các vùng theo quy hoạch; thu hút các nguồn lực đầu tư thông qua các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư FDI để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; đồng thời, chủ động lựa chọn và áp dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới theo phương thức đi tắt đón đầu, nhất là công nghệ giống, công nghệ tự động hóa, tin học hóa, công nghệ sau thu hoạch...

Việc phát triển nông nghiệp, nông thôn phải gắn liền với xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Xác định rõ nông dân là lực lượng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn..., sản xuất ra lương thực, thực phẩm, một số mặt hàng tiểu thủ công nghiệp... để nuôi sống xã hội, cung cấp một số hàng tiêu dùng, nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp.

Nhiều tham luận đã phân tích, làm sâu sắc thêm các nội dung trong dự thảo văn kiện Đại hội. Để tăng cường xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới, Đảng ta cần phát huy thành tựu, tăng cường xây dựng quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cả hệ thống chính trị và của các cơ quan nhà nước; chú trọng lựa chọn, giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước có trình độ trí tuệ, năng lực chuyên môn, đạo đức cách mạng, thực sự là “công bộc” của nhân dân, thực hành phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, tôn giáo, công tác dân vận phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp, nhất là phát huy tốt vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng dân cư.

Đối với việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ thời gian tới, cần tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống cho thế hệ trẻ bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng với sự tham gia, phối hợp có trách nhiệm của ngành giáo dục, gia đình, đoàn thể và toàn xã hội. Đổi mới nội dung và cách thức học tập sáu bài học lý luận chính trị phù hợp với từng đối tượng đoàn viên. Gắn việc giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó đề cao sự nêu gương của cán bộ đoàn, hội, đội, định hướng cho thanh niên rèn luyện theo tiêu chí: “Tâm trong - Trí sáng - Hoài bão lớn”.

Thị trấn Vũ Thư rực rỡ cờ hoa chào mừng Ðại hội lần thứ XII của Ðảng.

Khẳng định vai trò của phụ nữ có nhiều đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, các tham luận nêu rõ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ là nội dung không thể thiếu trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, là nền tảng tiến tới bình đẳng giới, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, đồng thời góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam. Mặt khác, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ sẽ gắn liền với vai trò làm mẹ, với việc chăm sóc, bảo vệ bà mẹ, trẻ em, nâng cao chất lượng dân số, góp phần thực hiện bình đẳng giới, xây dựng gia đình trở thành tế bào lành mạnh của xã hội, tái tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là tiền đề quan trọng để có những thế hệ người Việt Nam khỏe mạnh, có phẩm chất, năng lực trong tương lai. Yêu cầu đó đòi hỏi cần có những chính sách, chương trình đặc thù đối với nguồn nhân lực nữ...

Nhiều tham luận đã đề cập khá toàn diện các giải pháp nhằm xây dựng, phát huy vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam trong tiến trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; về tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội; về phát triển bền vững…

Về công tác đối ngoại, tham luận tại Đại hội nhấn mạnh chủ trương nhất quán của Đảng ta tiếp tục đưa quá trình hội nhập quốc tế vào chiều sâu, phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Năm năm qua, lần đầu tiên chúng ta đã hoàn thành xây dựng khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với các nước láng giềng, với hầu hết các nước có ảnh hưởng lớn ở khu vực và trên thế giới. Cụ thể là đã thiết lập thêm quan hệ đối tác chiến lược với 8 nước, quan hệ đối tác toàn diện thêm với 3 nước, nâng tổng số đối tác chiến lược lên 15 nước và tổng số đối tác toàn diện lên 10 nước, trong đó Việt Nam đã có khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện với tất cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Các khuôn khổ đó đã đưa quan hệ của ta với các đối tác lên tầm cao chiến lược, ổn định, đồng thời mang lại ngày càng nhiều lợi ích thiết thực về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội.

Để đưa hội nhập quốc tế đi vào chiều sâu, công tác đối ngoại cần tập trung thực hiện triệt để phương châm “triển khai đồng bộ” các định hướng đối ngoại được Đại hội XII của Đảng thông qua, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình hội nhập quốc tế; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, giữa các ngành, các cấp, các địa phương...

Tại phiên họp buổi sáng, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Đoàn Thư ký, thay mặt Đoàn Thư ký thông báo có thêm 30 chính đảng, tổ chức và bè bạn quốc tế gửi điện chúc mừng Đại hội XII. Đến sáng ngày 23/1 đã có 200 chính đảng, tổ chức và bè bạn quốc tế gửi điện chúc mừng Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ thay mặt Đoàn Chủ tịch và toàn thể Đại hội trân trọng cảm ơn các chính đảng, tổ chức và bè bạn quốc tế đã gửi điện chúc mừng Đại hội lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đầu giờ buổi chiều, Đại hội làm việc tại hội trường về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội điều hành phiên họp.

Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương thay mặt Đoàn Chủ tịch đọc Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Đại hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII là 200 đồng chí, gồm 180 đồng chí ủy viên chính thức và 20 đồng chí ủy viên dự khuyết.

Sau phiên họp toàn thể, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại đoàn về tiêu chuẩn, cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Nhóm phóng viên

  • Từ khóa