Chủ nhật, 17/11/2024, 04:39[GMT+7]

Bảo đảm tỷ lệ nữ giới trúng cử vào các cơ quan dân cử: Ứng cử viên tự tin, cần cử tri ủng hộ

Thứ 4, 18/05/2016 | 09:39:11
727 lượt xem
Sau 3 vòng hiệp thương, tỷ lệ nữ giới ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 của tỉnh ta đều đạt trên 35%, bảo đảm cơ cấu theo yêu cầu. Tuy nhiên, đó chỉ là tỷ lệ nữ giới ứng cử, để bảo đảm tỷ lệ ứng cử viên nữ trúng cử vào các cơ quan dân cử rất cần sự tự tin của các ứng cử viên và sự ủng hộ của cử tri.

Cử tri tìm hiểu về ứng cử viên nữ. Ảnh: Ngọc Linh.

 

Theo báo cáo tổng hợp từ Ủy ban Bầu cử tỉnh, sau hội nghị hiệp thương lần ba, tỷ lệ ứng cử viên nữ ứng cử đại biểu Quốc hội tỉnh ta đạt 36,36%; đại biểu HĐND tỉnh đạt 37,7%; đại biểu HĐND huyện, thành phố đạt 39,5%; đại biểu HĐND xã, phường, thị trấn đạt 35,6%. Trong đó, 8/8 huyện, thành phố đều có tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu HĐND huyện, thành phố đạt trên 35%, một số huyện có tỷ lệ nữ ứng cử viên đạt cao như huyện Vũ Thư 42,19%, thành phố Thái Bình 41,3%, Kiến Xương 40,85%, Tiền Hải 40,57%. Không chỉ ở cấp huyện, nhiều xã, phường, thị trấn cũng có tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu HĐND xã, phường, thị trấn đạt cao và cao ngang bằng với ứng cử viên là nam giới như xã Đông La (Đông Hưng) 50%; Nam Bình, Vũ Thắng (Kiến Xương) 47 - 48%; Hồng An (Hưng Hà) 47,8%; thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) 46,81%... Không thua kém ứng cử viên nam về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, trong số 4 ứng cử viên nữ của Thái Bình tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, 100% ứng cử viên có trình độ đại học trong đó có 1 ứng cử viên có học vị tiến sĩ, 2 ứng cử viên có học vị thạc sĩ; 43 nữ ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh có 37 ứng cử viên có trình độ đại học trong số này có 1 tiến sĩ, 1 thạc sĩ. Không chỉ có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, qua các buổi tiếp xúc cử tri, trình bày chương trình hành động cũng cho thấy đội ngũ ứng cử viên nữ đã thể hiện bản lĩnh, sự tự tin, chủ động và đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm trước các vấn đề xã hội. 

 

Tăng cao số ứng cử viên nữ tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp cho thấy vấn đề bình đẳng giới trong các hoạt động chính trị, xã hội của chúng ta đang bước đầu được quan tâm. Tuy nhiên, xét trên góc độ tâm lý xã hội, việc nữ giới tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội - đặc biệt là việc nữ giới tham gia lãnh đạo và tham gia vào các cơ quan dân cử vẫn còn nhiều định kiến “trọng nam, khinh nữ”. Riêng đối với cuộc bầu cử kỳ này, mặc dù tỷ lệ nữ ứng cử viên ứng cử đại biểu HĐND các cấp đều bảo đảm cơ cấu theo yêu cầu song trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số xã, phường, thị trấn có tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu HĐND xã, phường, thị trấn chưa đạt 35%. Làm gì để tạo sự bình đẳng, nâng cao vị thế của phụ nữ trước các hoạt động trọng trách? Ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban thường trực Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh phân tích: Trong những nhiệm kỳ qua, tỷ lệ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử thường đạt tỷ lệ thấp so với quy định. Ngoài những yếu tố như công tác bình đẳng giới chưa được chú trọng đúng mức; nguồn quy hoạch cán bộ nữ còn ít; công tác đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ nữ vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở một số ngành, địa phương còn hạn chế thì một trong nguyên nhân mấu chốt dẫn tới tỷ lệ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử thấp là do sự thiếu tự tin. Nữ giới Việt Nam nói chung và Thái Bình nói riêng vẫn mang nặng tư tưởng an phận, rất nhiều phụ nữ sau khi lập gia đình đều có quan niệm nếu người chồng đã tham gia vào lĩnh vực chính trị thì người vợ sẽ là hậu phương để chăm sóc gia đình và con cái. Điều đó đã vô hình chung đẩy phụ nữ vào vị trí thế yếu.

 

Nhằm giúp các nữ ứng cử viên tự tin, chủ động khi tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử kỳ này, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng trình bày, thuyết trình, xây dựng hình ảnh trước công chúng; xây dựng và trình bày chương trình hành động trước cử tri, kỹ năng vận động bầu cử… cho các ứng cử viên nữ lần đầu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Bà Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nhận xét: Qua các lớp tập huấn và các hội nghị tiếp xúc cử tri với ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp cho thấy đại đa số các nữ ứng cử viên đã xây dựng được chương trình hành động chất lượng, nêu ra những vấn đề mà cử tri đang quan tâm, tự tin trình bày chương trình hành động để thuyết phục cử tri ủng hộ, bỏ phiếu cho mình. Điều đáng mừng nhất là hầu hết chị em đều thể hiện bản lĩnh, sự tự tin khi tham gia ứng cử và họ biểu hiện tinh thần trách nhiệm cao của một ứng cử viên trước cuộc bầu cử. 

 

Trên thực tế, việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử không chỉ nhằm bảo đảm cho phụ nữ có tiếng nói khi tham gia xây dựng các chính sách, đặc biệt là các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, các chính sách bảo vệ quyền con người mà còn nhằm thúc đẩy việc xây dựng các chính sách xã hội toàn diện hơn, bình đẳng hơn. Với riêng cuộc bầu cử kỳ này, với trình độ và khả năng của mình, họ hoàn toàn xứng đáng để trở thành các đại biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Để bảo đảm tỷ lệ nữ giới trúng cử vào các cơ quan dân cử nhiệm kỳ này, cùng với sự tự tin của các ứng cử viên, rất cần sự sáng suốt, ủng hộ đối với ứng cử viên nữ của mỗi cử tri.

 

Trần Hương - Nguyễn Cường

  • Từ khóa