Thứ 7, 16/11/2024, 04:38[GMT+7]

Kỷ niệm 147 năm ngày sinh V.I.Lênin (22/4/1870 - 22/4/2017) Tư tưởng của V.I.Lênin về xây dựng Đảng và Nhà nước

Thứ 7, 22/04/2017 | 08:05:30
3,461 lượt xem
V.I. Lênin, lãnh tụ thiên tài, “người đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa Mác - Ăngghen. Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng. Là người thầy đã đào tạo ra những chiến sĩ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận cách mạng khoa học nhất, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất”.

V.I.Lê-nin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Mát-xcơ-va trước các đơn vị tham gia khóa huấn luyện quân sự toàn dân, ngày 25/5/1919. Ảnh tư liệu

Hơn 87 năm qua, nhờ học tập và quán triệt vận dụng sáng tạo tư tưởng Lênin nên Đảng và Nhà nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Tư tưởng của Lênin bao gồm nhiều nội dung rất phong phú. Trong đó có di sản tư tưởng về xây dựng Đảng, Nhà nước. 

Về xây dựng Đảng: Là người sáng lập Đảng cộng sản Bônsêvích Nga, Lênin hết sức quan tâm chăm lo xây dựng Đảng về mọi mặt, đặc biệt người đòi hỏi phải phát huy tính tiên phong của Đảng, phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, phải thường xuyên củng cố những nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng. Với tư cách là Đảng cầm quyền, Đảng cộng sản phải xứng đáng là lãnh tụ chính trị, vững tay chèo lái con thuyền cách mạng qua những khúc quanh đầy thử thách. Theo Lênin có ba kẻ thù chính mà người cộng sản của Đảng cầm quyền phải kiên quyết đấu tranh là “tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa; nạn mù chữ, sự ngu dốt, cản trở việc giáo dục chính trị và nạn hối lộ, tham nhũng”. Những tệ nạn này dẫn đến mọi biện pháp chỉ lơ lửng trên không trung, hoàn toàn không mang lại kết quả. 

V.I. Lênin phân tích sự nguy hại của chủ nghĩa cơ hội nấp dưới danh nghĩa Đảng, danh nghĩa chủ nghĩa xã hội để chống phá Đảng. Nhiều kẻ cơ hội đã tìm mọi cách chui vào các cơ quan đảng, bộ máy nhà nước để mưu cầu lợi ích cá nhân. Họ không tận tụy, không trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, không đấu tranh chống tệ nạn quan liêu, tham nhũng mà còn cản trở cuộc đấu tranh ấy. Bệnh háo danh, quan liêu, giấy tờ, kiêu ngạo, vô nguyên tắc, tham nhũng đã gây cho Đảng nhiều khó khăn, tổn thất trong thực hiện nhiệm vụ. V.I. Lênin coi “đó là cái ung nhọt mà người ta không thể dùng một thắng lợi quân sự và một cải cách chính trị nào để chữa khỏi được”. Người cảnh báo tính kiêu ngạo đã gây tổn hại cho Đảng: “Tất cả các đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho đến nay, đều bị tiêu vong vì tự cao tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình và vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình”. Vì vậy, một đảng “công khai thừa nhận sai lầm, tìm ra nguyên nhân sai lầm, phân tích hoàn cảnh đã đẻ ra sai lầm, nghiên cứu cẩn thận những biện pháp để sửa chữa sai lầm ấy, đó là dấu hiệu chứng tỏ một đảng nghiêm túc, đó là đảng làm tròn những nghĩa vụ của mình”. 

Xây dựng Đảng là một trong những nhiệm vụ then chốt, gắn bó mật thiết giữa đảng, Nhà nước với nhân dân là nhiệm vụ sống còn để duy trì giữ vững chế độ chính trị. Suy ngẫm nghiêm túc về những nội dung của cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng ở nước ta hiện nay, chúng ta càng thấy rõ hơn giá trị bền vững trong tư tưởng và quan điểm của V.I. Lênin về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Để đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống đạt hiệu quả cao thì vai trò, tầm quan trọng của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển di sản của Lênin, tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là việc làm hết sức cần thiết. 

Về xây dựng Nhà nước: Vào những ngày tháng cuối cùng của mình Lênin trăn trở rất nhiều về việc cải tổ bộ máy Nhà nước. Người vạch ra tình trạng bộ máy Nhà nước ngày càng cồng kềnh, nặng nề, chức năng và nhiệm vụ của các bộ phận không rõ ràng, quan hệ giữa Đảng và Nhà nước chưa rành mạch hoặc có chỗ thiếu kết hợp. Người nghiêm khắc phê phán quá trình cải tổ mang tính hình thức và kém hiệu quả, để cho bộ máy nhà nước lại rơi vào quỹ đạo nhà nước cũ và tệ quan liêu. Theo V.I. Lênin, đó là một trong những nguy cơ lớn nhất. Người đặt vấn đề gay gắt: “Chúng ta phải thực hành tiết kiệm tột mức trong bộ máy nhà nước của chúng ta… chỉ có làm cho bộ máy của chúng ta trong sạch đến tột mức, chỉ có giảm bớt đến mức tối đa tất cả những cái không tuyệt đối cần thiết, chúng ta mới có thể đứng vững được”. Lênin yêu cầu phải kiên quyết tinh giản bộ máy, cắt bỏ những bộ phận thừa theo quy tắc “thà ít mà tốt”. Theo Người nhận xét, có tình trạng “thừa” những con người không biết làm gì để bộ máy hoạt động năng động và có hiệu quả, nhưng lại thiếu những người thành thạo biết quản lý Nhà nước. V.I. Lênin đòi hỏi phải tìm cho ra “những người có tài... những người vừa trung thành với chủ nghĩa xã hội lại vừa có năng lực”; phải kiên quyết đấu tranh “không khoan nhượng” với tệ quan liêu, tham nhũng “chống hiện tượng không dứt khoát, không rành mạch về nhiệm vụ được giao cho mỗi người, và chống tình trạng hoàn toàn vô trách nhiệm do hiện tượng đó gây ra”. Bởi vì, “Hiện tượng thiếu trách nhiệm, lấy cớ là lãnh đạo tập thể, đó là một tác hại nguy hiểm nhất”, tạo kẽ hở cho kẻ xấu “buông câu trong đám nước đục”. 

Tất cả những vấn đề trên có ý nghĩa rất quan trọng và tính thời sự đối với chúng ta trong việc xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, phát huy vai trò của Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tất cả những nội dung chỉ dẫn của V. I. Lênin về xây dựng Đảng và Nhà nước, trong sạch gắn với đấu tranh chống tiêu cực vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa thời sự đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta. Những thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước của nhân dân ta hơn 30 năm qua có được là do sự nghiệp đổi mới được dẫn dắt và soi sáng bởi chủ nghĩa Mác - Lênin; là do Đảng ta luôn trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong thực tiễn cách mạng. Đại hội XII của Đảng và đánh giá tổng kết 30 năm đổi mới, Đảng ta cũng rút ra bài học kinh nghiệm: “Trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin… phù hợp với Việt Nam”.