Thứ 6, 15/11/2024, 19:09[GMT+7]

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác cải cách hành chính

Thứ 3, 19/07/2011 | 10:33:55
1,647 lượt xem
Văn phòng Chính phủ vừa tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác cải cách thủ tục hành chính.

Thưc hiện cải cách hành chính, UBND Thành phố Thái Bình đã tích cực đưa hoạt động của bộ phận một cửa liên thông phục vụ nhân dân tốt nhất.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Thái Bình dưới sự chủ trì của đồng chí Cao Thị Hải, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Lãnh đạo các sở: Nội vụ, Tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh... cùng tham dự hội nghị.

Sau phát biểu khai mạc của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đã báo cáo về tình hình và kết quả thực thi giai đoạn 3 của Đề án 30 và việc triển khai nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.

Sau một thời gian thực hiện, công tác kiểm soát thủ tục hành chính đã có những chuyển động tích cực trong toàn bộ máy cải cách hành chính từ Trung ương đến các địa phương. Đến nay đã có 24/24 bộ, ngành và 62/63 địa phương triển khai việc thành lập phòng kiểm soát thủ tục hành chính. Các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền và dự thảo văn bản trình cấp có thẩm quyền để đơn giản hoá 3037 thủ tục hành chính trên tổng số khoảng 4800 thủ tục phải đơn giản hoá; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động ban hành văn bản thuộc thẩm quyền để thực thi đơn giản hoá 3636 thủ thục hành chính…

Quyết tâm cải cách thủ tục hành chính tại các cơ quan công quyền của Việt Nam được nhân dân đặt nhiều niềm tin, doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Từ cải cách hành chính, môi trường đầu tư của Việt Nam đã tiến lên 10 bậc so với thời gian trước.

Hội nghị đã nghe 17 ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, đáng chú ý các tham luận của các ngành: Giao thông vận tải, Nông nghiệp & PTNT, Tài chính, Y tế và các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai, Thừa Thiên Huế… Phần lớn các ý kiến đều thống nhất quan điểm thực hiện cải cách hành chính là một vấn đề quan trọng; song quan trọng hơn hết là đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp của người trực tiếp tham gia vào các hoạt động cải cách hành chính.

Các ý kiến cũng thống nhất cải cách hành chính chỉ có hiệu quả khi công tác này thực sự nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo các ngành và địa phương, công tác cải cách hành chính cần được đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ và người dân khi tham gia làm các thủ tục hành chính.

Kết luận hội nghị, đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã nêu 6 nhiệm vụ trong thời gian tới. Đó là: các bộ trưởng, lãnh đạo, chánh văn phòng các  tỉnh, thành phố phải thực sự quan tâm đến công tác cải cách hành chính, phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên liên tục. Mỗi bộ, ngành, địa phương phải tạo điều kiện và hỗ trợ tốt nhất  để những bộ phận chuyên trách thực hiện cải cách hành chính hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc thực hiện đánh giá tác động của việc cải cách thủ tục hành chính, thường xuyên báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết. Đồng thời, thực hiện công khai hóa thủ tục hành chính; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cải cảch thủ tục hành chính tại mỗi cấp chính quyền, mỗi đơn vị. Kêu gọi người dân, doanh nghiệp tham gia vào công tác này; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cải cách thủ tục hành chính. 

Bộ trưởng cũng mong muốn các bộ, ngành, địa phương, đơn vị cần có những sáng kiến, quyết tâm cụ thể trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong giai đoạn 3 của Đề án 30 để hoạt động cải cách hành chính thực sự đi vào cuộc sống. 

Trần Thu Hương

  • Từ khóa