Thứ 7, 16/11/2024, 20:42[GMT+7]

Tọa đàm khoa học 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội

Thứ 4, 10/10/2018 | 14:47:54
7,331 lượt xem
Sáng ngày 10/10, Tỉnh ủy Thái Bình phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức tọa đàm khoa học tổng kết một số vấn đề lý luận, thực tiễn qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trọng tâm là 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi tọa đàm.

Các đồng chí: Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; Tiến sĩ Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đồng chủ trì buổi tọa đàm.

Dự tọa đàm có các đồng chí: Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại biểu các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; thành viên Đoàn nghiên cứu, khảo sát của Hội đồng Lý luận Trung ương.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi tọa đàm.

Báo cáo tóm tắt tổng kết 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trọng tâm là 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 của Tỉnh ủy Thái Bình đã nêu rõ: Bài học về mất ổn định chính trị những năm 1997 - 1999 được Đảng bộ tỉnh Thái Bình rút ra nguyên nhân cốt lõi là mất dân chủ. Kể từ đó đến nay, Thái Bình đã đẩy mạnh các giải pháp về thực hành dân chủ để nhanh chóng đi vào ổn định về mọi mặt. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các công việc trên tinh thần công khai, dân chủ và minh bạch. Phát huy tinh thần "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, lấy dân chủ là "điểm tựa” để phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả đó đã được chứng minh qua công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Đến nay, Thái Bình đã có 200/265 xã và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài đẩy mạnh dân chủ, địa phương còn từng bước cải cách, hiện đại hóa bộ máy hành chính các cấp. Trong công cuộc đổi mới, tỉnh Thái Bình chú trọng phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với đổi mới chính trị theo phương châm "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, trong đó lấy đại đoàn kết dân tộc là trọng tâm; đồng thời phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội trong thực hiện các phong trào thi đua.

Nhờ có cách làm sáng tạo, đổi mới, từ một tỉnh nghèo, thuần nông, cơ sở hạ tầng yếu kém, bước vào thời kỳ đổi mới đến nay, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; giao thông thông suốt giữa các địa phương trong tỉnh và giữa Thái Bình với các địa phương trong khu vực. Kinh tế của tỉnh trong những năm qua luôn giữ ổn định và đạt tốc độ tăng trưởng khá; tăng trưởng các năm đều đạt trên 10% và năm sau cao hơn năm trước, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, công tác an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh được bảo đảm.

Đồng chí Nguyễn Hồng Chuyên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận 8 nội dung liên quan đến: Dân chủ xã hội chủ nghĩa và thực hành dân chủ ở địa phương; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở địa phương; hoạt động cầm quyền của Đảng ở địa phương; xây dựng và phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc; vận dụng mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị trong quá trình phát triển ở Thái Bình... 

Ngoài ra, các đại biểu đã trao đổi, phân tích, đánh giá hiệu quả một số vấn đề liên quan ở Thái Bình như: Chủ trương dân bầu một số chức danh lãnh đạo cấp xã; kinh nghiệm xây dựng các mô hình tự quản; sáng kiến của địa phương về bồi dưỡng, phát triển Đảng trong thế hệ trẻ; mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành tỉnh công nghiệp hóa trong những năm tới...

Phát biểu tổng kết tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá cao những thành tựu tỉnh Thái Bình đạt được từ sau khi thực hiện các cương lĩnh; đồng thời khẳng định: Trong giai đoạn 1997 - 1998, Thái Bình là địa phương được Trung ương lựa chọn làm điểm để nghiên cứu, ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở. "Chìa khóa” thành công của Thái Bình hôm nay chính nhờ sự phát huy dân chủ, sáng tạo và đoàn kết. Địa phương đã khai thác được thế mạnh từ người dân để lại dấu ấn tốt đẹp trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Vai trò lãnh đạo của cấp ủy các cấp trong tỉnh bảo đảm theo đúng nguyên tắc của Đảng, kiên định và vận dụng sáng tạo vào điều kiện, tình hình thực tế của địa phương; phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất, thường xuyên chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, góp phần vận hành cơ chế lãnh đạo của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở một cách nhịp nhàng, đồng bộ. Những yếu tố căn bản đó đã giúp Thái Bình có những bước tiến vượt bậc, trở thành hình mẫu của cả nước trong xây dựng nông thôn mới.

Tiếp thu những ý kiến đóng góp của Đoàn công tác đối với tỉnh, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng: Đây là dịp để địa phương tiếp tục nghiên cứu vận dụng lý luận và những kinh nghiệm thực tiễn vào công việc của địa phương một cách sáng tạo, linh hoạt và hiệu quả. Đồng chí mong rằng những kinh nghiệm thực tiễn ở Thái Bình mà Đoàn đã nghiên cứu, khảo sát từ thực tế ở cơ sở và trong buổi tọa đàm sẽ là những kiến thức quý báu giúp Hội đồng Lý luận Trung ương có cái nhìn tổng quan và đề ra chủ trương, định hướng phát triển đất nước phù hợp trong giai đoạn 2020 - 2025 cũng như những năm tiếp theo.

Tất Đạt – Thành Tâm