Thứ 7, 16/11/2024, 23:06[GMT+7]

Thảo luận tổ trước kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021

Chủ nhật, 09/12/2018 | 17:18:25
2,698 lượt xem
Chiều ngày 9/12, HĐND tỉnh đã chia 8 tổ thảo luận, đóng góp ý kiến vào các nội dung chuẩn bị cho kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XVI.

Đại biểu tổ Đông Hưng thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Tâm

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự phiên thảo luận tổ. Dự thảo luận tổ còn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, đoàn thể của tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh.

Tại các tổ, các đại biểu tham gia ý kiến đều cơ bản nhất trí với nội dung các báo cáo, tờ trình trình tại kỳ họp thứ bảy; bày tỏ sự phấn khởi về những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung, làm rõ hơn kết quả đạt được, nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2018. 

Một số đại biểu cho rằng tiến độ thực hiện một số dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh còn chậm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; công tác quản lý nhà nước về môi trường khu vực nông thôn, làng nghề và khu, cụm công nghiệp chưa được siết chặt còn gây ô nhiễm môi trường khiến cử tri bức xúc, kiến nghị. 

Các đại biểu cũng cho rằng, chương trình nước sạch nông thôn của tỉnh đã đạt được kết quả nổi bật nhưng cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để 100% người dân sử dụng nước sạch, quản lý chặt chẽ chất lượng nguồn nước. 

Cũng có ý kiến cho rằng cần có giải pháp hữu hiệu hơn nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; cần quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi phù hợp, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ bền vững; có cơ chế, chính sách đẩy mạnh tích tụ ruộng đất phát triển nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao. Những khó khăn trong xây dựng nông thôn mới; giải phóng mặt bằng; quản lý thị trường; kiểm soát ngăn chặn, xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, nhất là hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, sự can thiệp của một số đối tượng xã hội đen vào việc đấu giá quyền sử dụng đất ở một số địa phương; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giảm tải và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong các bệnh viện; hỗ trợ các bệnh viện tuyến huyện nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng được nhiều đại biểu đóng góp ý kiến. 

Một số đại biểu đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm hành chính công, thực hiện sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tinh gọn bộ máy cần có lộ trình cụ thể; kiểm soát chặt chẽ việc dạy thêm học thêm, tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội quản lý học sinh...


Cũng tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu cũng kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các kỳ họp của HĐND tỉnh; thảo luận và đăng ký nội dung phát biểu và chất vấn tại phiên họp ngày 12/12.

Phóng viên Báo Thái Bình đã lược ghi các ý kiến của đại biểu tại phiên thảo luận tổ:

Đại biểu Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh

Những năm qua, các cấp, các ngành đã có nhiều hoạt động tổ chức kết nối cung - cầu giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, hộ sản xuất để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân. Tuy nhiên so với yêu cầu đề ra thì chưa đáp ứng được dẫn đến tình trạng "được mùa, mất giá” ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người nông dân. Trong khi đó, nhiều địa phương qua tuyên truyền, vận động bà con nông dân đã tích cực, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng diện tích cây vụ đông xong đến kỳ thu hoạch lại khó khăn về thị trường tiêu thụ. Vì thế, qua các cuộc tiếp xúc, cử tri đề nghị tỉnh có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông sản; quy vùng sản xuất, tạo liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà, hình thành việc sản xuất theo chuỗi

Đại biểu Tô Quý Bôn, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tiền Hải

Qua báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2018, mục tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2019, đại biểu và cử tri rất phấn khởi đánh giá cao những nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; nhất là trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế; an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, hiện nay ở các địa phương hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi xuất hiện. Một số người dân vay với lãi suất cao không có điều kiện trả nợ, đã gây ra những hệ lụy xấu cho xã hội, gây mất an ninh trật tự ở địa phương. Cùng với đó, đã xuất hiện sự can thiệp của một số đối tượng là xã hội đen bao thầu việc đấu giá quyền sử dụng đất ở một số địa phương cản trở người dân tham gia đấu giá, gây bất bình trong nhân dân, ảnh hưởng không tốt đến việc đấu giá quyền sử dụng đất của các địa phương. Chúng tôi đề nghị, các ngành chức năng cần quan tâm làm tốt công tác quản lý nhà nước về những lĩnh vực này, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Đại biểu Bùi Đức Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 37 vụ cháy làm 1 người chết và 8 người bị thương, thiệt hại về tài sản trên 14 tỷ đồng. So với năm 2017, số vụ cháy tăng 208,3% số vụ, tăng 100% về người, thiệt hại về tài sản giảm 24,21 tỷ đồng. Các vụ cháy chủ yếu xảy ra vào ban đêm, ngoài giờ hành chính tập trung ở nhà dân, các hộ kinh doanh, sản xuất tư nhân nhỏ lẻ vừa là nhà ở vừa là nơi tận dụng làm điểm kinh doanh sản xuất. Nguyên nhân chủ yếu là do các ban, ngành, các địa phương và người dân chưa chú trọng đến công tác phòng cháy chữa cháy. Vì vậy, cần tập trung tuyên truyền người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên kiểm tra hệ thống điện sinh hoạt và chủ động trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy tại nhà để sẵn sàng chữa cháy kịp thời khi đám cháy vừa mới phát sinh. Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện phòng, chống cháy nổ tại chỗ; xây dựng và củng cố lực lượng chữa cháy tại chỗ. Các ban, ngành chức năng, các địa phương cần vào cuộc tích cực hơn nữa để đề phòng cháy nổ.

Đại biểu Tạ Văn Trang, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh

Những năm qua, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, an sinh xã hội trên địa bàn được bảo đảm. Tỉnh và các địa phương rất quan tâm chăm lo cho công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện công tác bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn thành phố Thái Bình và một số điểm di tích, khu du lịch vẫn còn xuất hiện nhiều người ăn xin, đề nghị các ngành chức năng và các địa phương quản lý tốt những đối tượng này, huy động các nguồn lực hỗ trợ họ về vật chất để có cuộc sống tốt hơn. 

Một vấn đề nữa mà cử tri huyện Tiền Hải quan tâm là tuyến đường 221 từ thị trấn Tiền Hải đi Cồn Vành đã khởi công xây dựng nhưng năm 2019 lại chưa được bố trí vốn để tiếp tục thực hiện. Cùng với đó, đoạn đê biển số 5 qua địa bàn xã Nam Phú còn 1 đoạn xung yếu cần xử lý khẩn cấp. Cử tri đề nghị tỉnh, ngành chức năng xem xét, bố trí vốn để khẩn trương hoàn thiện cải tạo, nâng cấp đường 221A và  xử lý khẩn cấp đoạn đê xung yếu ở xã Nam Phú, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, phục vụ tốt công tác phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn.

Đại biểu Trần Hữu Hiệp, Trưởng ban Pháp chế, HĐND tỉnh

Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhờ đó, môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện đáng kể, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 của tỉnh chưa xếp ở thứ hạng cao. Để thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh phải nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Muốn vậy, tỉnh phải tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động các trung tâm hành chính công, tinh giản các thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế… Thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong suốt quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Mến, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Nam Tiền Hải

Hiện nay, các bệnh viện tuyến huyện đã được giao tự chủ về tài chính, tuy nhiên khó khăn đặt ra là cơ sở vật chất của một số bệnh viện xuống cấp, thiếu trang thiết bị phục vụ việc khám, chữa bệnh. Trong điều kiện như vậy nên các bệnh viện rất khó thu hút được các bác sĩ về làm việc, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Vì vậy, tôi đề nghị tỉnh và ngành chuyên môn hàng năm có cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần kinh phí cho các bệnh viện tuyến huyện để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị; có chính sách ưu đãi, tuyển dụng các bác sĩ về làm việc tại tuyến huyện, từ đó giúp các bệnh viện nâng cao chất lượng chuyên môn, chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn, hạn chế bệnh nhân vượt tuyến.

Đại biểu Phạm Minh Kha, Bí thư Đảng ủy xã Minh Quang (Vũ Thư)

Đại biểu HĐND tỉnh và cử tri rất phấn khởi trước những thành tựu mà tỉnh ta đã đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nhờ xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng ở vùng nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang, sản xuất phát triển, đời sống của người dân được nâng lên. Được biết, cùng với mục tiêu đến năm 2019 phấn đấu 100% số xã về đích nông thôn mới, đến năm 2020 các huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh chỉ đạo một số địa phương xây dựng, đạt nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2019 - 2020. Hiện nay, các tiêu chí xây dựng đã rõ, tuy nhiên chúng tôi đề nghị tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù, đồng bộ cho những địa phương triển khai xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tiếp tục hỗ trợ xi măng để những xã này hoàn thiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo tiêu chí mới cao hơn. Cùng với đó, có cơ chế khuyến khích, động viên nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

TBĐT