Thứ 7, 16/11/2024, 22:53[GMT+7]

Kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 – 2021: Tiếp tục phiên thảo luận tại tổ

Thứ 2, 10/12/2018 | 19:46:22
4,543 lượt xem
Chiều 10/12, HĐND tỉnh tiếp tục chia tổ thảo luận. Dự phiên thảo luận tổ có các đồng chí: Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Đại biểu thành phố thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Tâm

Tại các tổ, các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý vào báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, mục tiêu, giải pháp trọng tâm năm 2019; tình hình thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản, giải ngân vốn, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất về thực hiện hỗ trợ đầu tư cho một số xã khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. 

Các đại biểu đề nghị tỉnh cần có giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, làm tốt công tác quản lý thị trường, đặc biệt là hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; giải pháp tăng thu ngân sách, xử lý nợ đọng thuế, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường; đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học để thực hiện chương trình xây dưng nông thôn mới; đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nhà ở cho người có công; thực hiện tốt việc sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; có biện pháp hạn chế hoạt động tín dụng đen... 

Ngoài ra, các đại biểu còn cho ý kiến vào các báo cáo kiểm điểm, kê khai tài sản của người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu; đóng góp nhiều ý kiến vào các dự thảo nghị quyết được trình tại kỳ họp.

Đại biểu Đông Hưng thảo luận tại tổ. 

Phóng viên Báo Thái Bình lược ghi một số ý kiến tại phiên thảo luận tổ

 Đại tá Nguyễn Văn Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh

Thời gian qua, cử tri và nhân dân rất bức xúc vì một số doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân thường xuyên xả thải chưa qua xử lý ra môi trường; sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Dù ngành chức năng đã kiểm tra, phát hiện, nhắc nhở; HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát, ra kết luận đề nghị các ngành chức năng xử lý, doanh nghiệp khắc phục song đơn vị vẫn tái vi phạm. Ngành Công an cũng đã vào cuộc tích cực, năm 2018 đã phát hiện 79 vụ, 81 đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường, chủ yếu là vi phạm về an toàn thực phẩm, vi phạm về xả chất thải nguy hại, không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường; đã xem xét, xử lý hành chính 76 vụ, 78 đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường. Song để bảo vệ môi trường, tỉnh cần có chế tài đủ mạnh, có sức răn đe để xử phạt các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, lựa chọn nhà đầu tư vào tỉnh sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường. Các cấp, các ngành, các địa phương vào cuộc quyết liệt hơn trong phát hiện, xử lý đối tượng vi phạm.

Đại biểu Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). Tuy nhiên, đối với ngành Giáo dục và Đào tạo có đặc thù riêng, nên việc tinh giản biên chế cần tính toán kỹ lưỡng cơ cấu, số lượng giáo viên ở từng bậc học, từng bộ môn. Hiện nay, bậc học Mầm non thiếu rất nhiều giáo viên. Vì vậy, cùng với tinh giản biên chế, đề nghị tỉnh đề xuất với trung ương tiếp tục cho tuyển dụng giáo viên đối với những bậc học, môn học còn thiếu để tạo điều kiện cho các trường thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục.

Đồng chí Nguyễn Xuân Khánh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Tại kỳ họp lần này, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh một số tờ trình liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường. Tôi đề nghị các đại biểu nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng thống nhất thông qua để triển khai thực hiện, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, thời gian qua Sở Tài nguyên và Môi trường đã cử cán bộ xuống hướng dẫn các huyện, thành phố chỉ đạo các xã thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới bảo đảm đúng quy định, tiết kiệm nguồn tài nguyên đất. Phối hợp làm tốt công tác bảo vệ môi trường, nhất là trong các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng lò đốt rác bảo đảm hoạt động hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đồng chí Nguyễn Văn Bái, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Với chức năng quản lý của ngành, thời gian qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành, địa  phương thực hiện tốt việc điều tra, rà soát hộ nghèo, thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, ngành cũng tập trung thực hiện tốt chế độ chính sách cho người có công. Riêng đối với việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công, đến nay Thái Bình đã thực hiện được khoảng 50% trên tổng số hộ có nhu cầu. Thời gian tới, ngành sẽ tích cực phối hợp với các ngành, các địa phương tiến hành rà soát, hướng dẫn các hộ gia đình người có công có nhu cầu sửa chữa, xây mới về nhà ở hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục theo đúng quy định bảo đảm thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở nhanh hơn, hiệu quả.

Đại biểu Vũ Huy Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Damsan

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp cận đất đai, thực hiện các thủ tục đầu tư đối với các dự án của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, thủ tục còn rườm rà; nhiều dự án thời gian làm thủ tục kéo dài làm lỡ mất cơ hội, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, tôi đề nghị tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt hơn việc cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cắt bớt những thủ tục không cần thiết, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Cùng với đó, khi  kêu gọi lựa chọn nhà đầu tư, tỉnh cần lựa chọn những doanh nghiệp có uy tín, năng lực thực sự và muốn đầu tư vào tỉnh phải có cam kết đầu tư bảo đảm hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Cao Song, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kiến Xương

Thực hiện Nghị quyết số 18,19/NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, các địa phương đã từng bước sáp nhập một số đơn vị sự nghiệp công lập, các trường tiểu học, THCS, các trung tâm trên địa bàn. Việc sáp nhập đã giảm được lượng lớn biên chế, nhất là ở ngành Giáo dục và Đào tạo, tiết kiệm ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, những cán bộ, giáo viên dôi dư, dù đã được sắp sếp công việc khác song vẫn đang rất tâm tư vì đó chỉ là công việc tạm thời, không đúng chuyên môn, cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa cụ thể, chưa thống nhất. Vì vậy, trong quá trình sáp nhập cần thống nhất, làm có lộ trình, đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ, sắp xếp công việc ổn định cho đối tượng dôi dư để họ yên tâm làm việc. Bên cạnh đó, cần bố trí người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố cho phù hợp, nâng mức hỗ trợ để khuyến khích, động viên họ làm việc trách nhiệm hơn.

TBĐT