Tạo mọi điều kiện để Thái Bình phát triển
Cải cách hành chính: Quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Thái Bình là rất lớn
Đồng chí Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
Thái Bình có truyền thống, trình độ thâm canh cao, nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao; nguồn nhân lực dồi dào, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nuôi trồng, khai thác thủy hải sản, chăn nuôi phát triển mạnh. Tuy nhiên, hiện nay phát triển công nghiệp của Thái Bình vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế: tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp chưa cao, số lượng doanh nghiệp chưa nhiều. Vì vậy, tôi đề nghị thời gian tới Thái Bình cần quan tâm hơn nữa đến quy hoạch, đầu tư hạ tầng cho các khu, cụm công nghiệp; tận dụng lợi thế của Khu kinh tế Thái Bình, tuyến đường bộ ven biển để hình thành các khu công nghiệp bảo đảm tính kết nối trong vùng; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực trong phát triển công nghiệp, ưu tiên những ngành, lĩnh vực có lợi thế. Về cải cách hành chính, tôi thấy quyết tâm của lãnh đạo tỉnh hiện nay là rất lớn, đã cắt 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo quy định. Về các kiến nghị của tỉnh, tôi rất đồng tình, ủng hộ cao. Nếu Thái Bình thực hiện đề án “Thí điểm tập trung, tích tụ đất đai, phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình”, không có gì xung đột về mặt pháp lý mà thực tế hiệu quả từ các mô hình tích tụ ruộng đất thời gian qua đã chứng minh tính đúng đắn, hiệu quả của nó. Về quy hoạch chung Khu kinh tế Thái Bình, Thủ tướng đã cho chủ trương, khi tỉnh hoàn thiện các thủ tục sẽ phê duyệt, triển khai thực hiện, khi đó chắc chắn sẽ có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù theo quy định tại Nghị định số 82 của Chính phủ. Về vấn đề cho phép Thái Bình được sử dụng nguồn vượt thu ngân sách (sau làm lương) và toàn bộ nguồn thu phí xăng dầu trên địa bàn tỉnh, phần vốn nhà nước sau thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập trong tỉnh để đầu tư một số công trình của địa phương, tôi nhất trí. Đối với việc đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 10, tôi đồng tình ủng hộ, đề nghị tỉnh khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch giao thông, huy động nguồn lực, kêu gọi đầu tư để thực hiện. Tôi đồng tình với kiến nghị của tỉnh khi các tập đoàn, tổng công ty thuộc sở hữu nhà nước thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh phải mở chi nhánh và hạch toán độc lập để thực hiện các nghĩa vụ tài chính với địa phương.
Thái Bình có sự phát triển đột phá về tư duy, tầm nhìn, năng động, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm
Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
3 năm liên tục tăng trưởng kinh tế đạt mức 2 con số, đứng thứ ba trong vùng đồng bằng sông Hồng, thu nhập bình quân đầu người tăng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, an sinh xã hội được bảo đảm, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị làm rất tốt - Thái Bình có sự phát triển đột phá về tư duy, tầm nhìn, năng động, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm; niềm tin của người dân đối với các cấp ủy đảng, chính quyền được nâng cao. Kết quả này đạt được do sự lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc của các cấp ủy đảng, tổ chức thực hiện với quyết tâm cao của chính quyền với nhiều mô hình, cơ chế, chính sách và cách làm hay, sáng tạo. Tuy nhiên, theo tôi đây mới chỉ là kết quả bước đầu, Thái Bình không được chủ quan, không được hài lòng mà cấp ủy, chính quyền địa phương coi đây không phải kết thúc của một quá trình mà là bắt đầu của một quá trình mới. Bởi Thái Bình ngày hôm nay mang tầm vóc, quy mô, vị thế và tư duy, bối cảnh với những yếu tố mới, điều kiện mới đặt ra khác hẳn so với những năm về trước. Tỉnh cần xem xét, nghiên cứu xây dựng chiến lược tổng thể, xác định “kịch bản” phát triển kinh tế - xã hội, tranh thủ các nguồn lực, tận dụng những tiềm năng, thế mạnh phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới. Thái Bình đang đầu tư xây dựng Khu kinh tế, đây là một lợi thế, chắc chắn sẽ tạo động lực cho tỉnh phát triển; tuy nhiên, khi lập quy hoạch và xây dựng phải bảo đảm tính kết nối với các tỉnh, thành phố trong khu vực, huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút doanh nghiệp đầu tư. Trong quá trình phát triển, Thái Bình cần quan tâm đến vấn đề môi trường, giải quyết mặt trái của quá trình đô thị hóa, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của địa phương. Đối với các kiến nghị của tỉnh về cho phép Thái Bình thực hiện đề án “Thí điểm tập trung, tích tụ đất đai, phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình”; Khu kinh tế Thái Bình sau khi được phê duyệt quy hoạch được hưởng cơ chế, chính sách đầu tư với mức ưu đãi cao nhất theo quy định tại Nghị định số 82 của Chính phủ; cho phép Thái Bình sử dụng nguồn vượt thu ngân sách (sau làm lương) và toàn bộ nguồn thu phí xăng dầu trên địa bàn tỉnh, phần vốn nhà nước sau thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập trong tỉnh để đầu tư một số công trình của địa phương như nâng cấp, mở rộng quốc lộ 10; đầu tư nạo vét luồng tàu biển và xây kè công trình bảo vệ luồng tàu cảng biển Diêm Điền để tàu 3.000 - 3.500 tấn có thể ra vào; đầu tư xây dựng kè và cứng hóa mặt một số tuyến đê sông, đê biển xung yếu…, tôi đồng tình ủng hộ. Đối với dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 37, Bộ sẽ tổng hợp kiến nghị, báo cáo Thủ tướng xem xét, cân đối, bố trí vốn cho tỉnh triển khai thực hiện.
Nông nghiệp, nông thôn Thái Bình có vai trò rất quan trọng trong vùng đồng bằng sông Hồng và trong cả nước
Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, kinh tế - xã hội của Thái Bình có sự phát triển nhanh, toàn diện về mọi mặt. Sản xuất tiếp tục phát triển, xây dựng nông thôn mới nằm trong tốp đi đầu của cả nước và tạo nên diện mạo thành thị - nông thôn hiện đại, một khí thế mới, đoàn kết, khát vọng của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Thời gian tới, tôi khẳng định nông nghiệp, nông thôn Thái Bình có vai trò rất quan trọng trong vùng đồng bằng sông Hồng và trong cả nước. Đây cũng là một lợi thế, một đặc thù và là tất yếu. Bởi Thái Bình là tỉnh có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên thuận lợi, hạ tầng đồng bộ, nguồn nhân lực trình độ cao để phát triển nông nghiệp, con em Thái Bình làm ăn xa quê thành đạt. Đây là những nguồn lực to lớn, vì vậy, ngoài các giải pháp tổng thể đề ra cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, Thái Bình cần tận dụng những lợi thế nói trên để xây dựng kế hoạch phát triển bền vững nông nghiệp trong tương lai, trở thành trụ cột của kinh tế nông thôn. Thái Bình phải là nơi phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ nông nghiệp, thủ phủ sản xuất công cụ hỗ trợ nông nghiệp, là nơi đào tạo về kỹ thuật nông nghiệp. Đối với đề nghị của tỉnh cho thực hiện đề án “Thí điểm tập trung, tích tụ đất đai, phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình”, tôi đồng tình ủng hộ bởi việc này chúng ta đã làm từ nhiều năm nay và khi tích tụ ruộng đất vào tay người quản lý giỏi, tổ chức sản xuất tốt thì của cải vật chất sẽ làm ra nhiều hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tăng thu nhập cho người lao động và khi đó nông dân trở thành nông dân công nghiệp.
Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương “cứu” dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương
Thái Bình có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp phát triển rất đa dạng, tạo sự lan tỏa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng sản phẩm cho khu vực và quốc tế. Các cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất của Thái Bình đã hình thành đồng bộ trong thời gian qua; ngoài cơ sở vật chất của các ngành công nghiệp, tỉnh còn có thế mạnh là Khu kinh tế sẽ tạo điều kiện để Thái Bình huy động tối đa các nguồn lực đầu tư mở rộng nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Vì vậy, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển Khu kinh tế, có các cơ chế, chính sách phù hợp thu hút đầu tư vào khu vực này, tạo sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ cử đoàn công tác về hỗ trợ Thái Bình rà soát lại các quy hoạch, các lĩnh vực ngành, ngành hàng, chuỗi sản phẩm, các ngành công nghiệp trọng điểm để có định hướng phát triển cụ thể; trong đó, cần quan tâm phát triển hệ thống thương mại nội địa, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào các liên kết. Về đề nghị của tỉnh: Chính phủ sớm có giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, quan điểm của Bộ Công Thương ủng hộ cao. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc họp và có kết luận cụ thể, chỉ đạo rất quyết liệt, Bộ sẽ chấp hành nghiêm túc. Đoàn công tác của Bộ sẽ về làm việc cụ thể với địa phương. Bởi đây là dự án trọng điểm của quốc gia, đã hoàn thành tới 83% khối lượng thì không có lý do gì mà chúng ta lại để thất thoát tài sản, nguồn lực đầu tư của Nhà nước lớn như vậy, nhất là khi hoàn toàn có điều kiện để tiếp tục hoàn thiện. So với 12 dự án tồn đọng thì đây là dự án có thể “cứu chữa”, tiếp tục phát huy được, do vậy chúng tôi rất tán thành, ủng hộ quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng sẽ “cứu” dự án này nhưng phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương với các bộ, ngành, tỉnh Thái Bình và cần có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của các bộ, ngành trong quá trình thực hiện.
Với 54km bờ biển, tuyến đường bộ ven biển đã được khởi công tạo cơ hội cho Thái Bình bước phát triển đột phá trong tương lai
Cách cảng biển lớn nhất miền Bắc có vài chục ki-lô-mét cộng với hệ thống giao thông đang có và với 54km bờ biển, tuyến đường bộ ven biển đã được khởi công sẽ tạo cơ hội cho Thái Bình bước phát triển đột phá trong tương lai. Với kết quả đạt được, với quyết tâm như hiện nay, tôi tin tưởng trong thời gian ngắn nữa thu hút đầu tư, kinh tế của Thái Bình sẽ phát triển mạnh mẽ. Đối với các kiến nghị của Thái Bình liên quan đến Bộ Giao thông Vận tải, tôi đồng tình ủng hộ. Việc đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 10 là cần thiết bởi hiện nay thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông trên tuyến đường này; nếu quốc lộ 10 được đầu tư nâng cấp, mở rộng cùng với tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình đang được triển khai xây dựng sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các bộ, ngành xem xét ủng hộ Thái Bình. Về phía tỉnh, cần phối hợp với các bộ, ngành điều chỉnh lại quy hoạch giao thông cho phù hợp. Về việc nạo vét cảng Diêm Điền, Bộ đồng ý để địa phương ứng ngân sách nạo vét luồng nâng công suất của cảng để tàu 3.000 - 3.500 tấn có thể ra vào cảng. Đối với dự án tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình - Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (đường vành đai 5 Hà Nội, đoạn qua tỉnh Thái Bình) đã hoàn thành đi vào sử dụng, đề nghị Thủ tướng và các bộ, ngành xem xét bổ sung danh mục và kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 nguồn ngân sách trung ương giúp địa phương thanh toán cho nhà đầu tư số vốn còn thiếu. Đối với dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 37 đoạn qua tỉnh Thái Bình năm 2014 Bộ đã phê duyệt dự án triển khai thực hiện nhưng do khó khăn về vốn nên mới triển khai giai đoạn 1. Để tiếp tục triển khai dự án, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu xem xét, cân đối nguồn vốn để đầu tư. Về việc xây dựng cầu vượt sông Hóa thay thế cầu phao sẽ tốt hơn rất nhiều nhưng do ngân sách trung ương khó khăn, nếu thành phố Hải Phòng hợp tác với Thái Bình cam kết thi công bằng vốn ngân sách địa phương thì Bộ ủng hộ cao, đề nghị Thủ tướng đồng ý để thành phố Hải Phòng làm. Về xây dựng tuyến đường sắt kết nối thành phố Hải Phòng, Thái Bình với Nam Định, Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu, nếu huy động được các nhà đầu tư, nhà nước bỏ ra một phần vốn có thể sẽ đầu tư thực hiện.
Thực hiện đề án “Thí điểm tập trung, tích tụ đất đai, phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình” là mô hình hết sức cần thiết
Đồng chí Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Các chỉ số Thái Bình đạt được trong hơn 3 năm qua cho thấy sự phát triển hết sức toàn diện về mọi mặt. Điều này cho thấy sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy nội lực của Thái Bình rất tốt. Nước sạch cung cấp cho 100% người dân nông thôn, thu nhập bình quân đầu người tăng 1,6 lần so với năm cuối nhiệm kỳ trước là một kỳ tích. Việc thực hiện đề án “Thí điểm tập trung, tích tụ đất đai, phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình” là mô hình hết sức cần thiết, Bộ đồng tình ủng hộ cao. Bởi việc tập trung, tích tụ đất đai sẽ tạo điều kiện cho Thái Bình phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay chúng tôi đã trình Chính phủ đề án, Thủ tướng đã giao lấy ý kiến của các bộ, ngành, Bộ sẽ sớm tập hợp và báo cáo Thủ tướng, cam kết làm đúng thời gian. Về đề xuất của Thái Bình xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Hiện nay Thái Bình có 54km bờ biển và vùng ven biển, có hệ sinh thái ven biển đa dạng, vì vậy tỉnh cần làm tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế đi đôi với bảo tồn hệ sinh thái, khu dự trữ sinh quyển ven biển. Khi quy hoạch, phát triển Khu kinh tế, Thái Bình cần đánh giá kỹ về tiềm năng tài nguyên, chú trọng khai thác để phát triển du lịch, nhất là du lịch hướng ra biển gắn với bảo vệ môi trường. Thời gian tới, Thái Bình cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai chiến dịch mà Thủ tướng Chính phủ phát động là chống rác thải nhựa nói riêng, tăng cường quản lý chất thải rắn nói chung. Vì vậy, trong quá trình sắp xếp lại bộ máy, điều chỉnh chức năng của Sở Tài nguyên và Môi trường, cần bổ sung nhiệm vụ quản lý chất thải rắn, từ đó thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đặt ra. Cùng với phát triển các khu, cụm công nghiệp, phát triển sản xuất, Thái Bình cần giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường. Về thực hiện dự án VLAP, thời gian qua Thái Bình làm rất tốt nên thời gian tới sự tham gia của Thái Bình vào dự án này là đương nhiên.
Thái Bình thực hiện tốt việc thu ngân sách trên địa bàn
Đồng chí Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính
Thái Bình là địa phương thực hiện tốt việc thu ngân sách trên địa bàn, đặc biệt thu nội địa bảo đảm chi thường xuyên. Tỉnh cũng tích cực thực hiện việc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm chi thường xuyên, dành nguồn lực chi cho đầu tư phát triển. Về các kiến nghị của tỉnh: được hưởng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất đối với Khu kinh tế Thái Bình; cho phép Thái Bình được sử dụng nguồn vượt thu ngân sách (sau làm lương) dành cho đầu tư, chúng tôi đồng tình ủng hộ. Về việc sử dụng toàn bộ nguồn thu phí xăng dầu trên địa bàn tỉnh dành cho đầu tư phát triển, đề nghị thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách. Về phần vốn nhà nước sau thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp mà phần vốn đó do ngân sách của tỉnh đầu tư thì đưa về tỉnh, nhưng về thủ tục hành chính, vấn đề này Chính phủ phải trình ra Quốc hội xem xét. Về phần vốn của các đơn vị sự nghiệp công lập sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn theo Nghị quyết số 19 Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) thì cũng sẽ được tái đầu tư về tỉnh. Nếu những kiến nghị, giải pháp này được thực hiện sẽ tăng nguồn vốn đầu tư phát triển cho Thái Bình. Đối với dự án tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình - Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (đường vành đai 5 Hà Nội, đoạn qua tỉnh Thái Bình) và tuyến đường 39B (đoạn từ thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương đến thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy thuộc quốc lộ 37B) đã hoàn thành nhưng thiếu vốn thanh toán, chúng tôi kiến nghị Thủ tướng sớm cho ý kiến theo chủ trương Trung ương sẽ bố trí nguồn vốn hỗ trợ một phần cho Thái Bình. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn vốn đầu tư trung hạn và nguồn tiết kiệm ngân sách để ứng tiền cho tỉnh thanh toán. Về kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và cho phép các tập đoàn, tổng công ty thuộc sở hữu của Nhà nước thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Bình (như Công ty khí Đông Nam Bộ thuộc Tổng công ty PVGas) thì phải mở chi nhánh và hạch toán độc lập để thực hiện các nghĩa vụ về tài chính với địa phương cần xem xét từng trường hợp. Một số sẽ thực hiện theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam hiện có 1 đơn vị khai thác kinh doanh khí ga trên địa bàn tỉnh nhưng đang vướng mắc về cơ chế giá, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong tháng 3 này phải giải quyết, khi đó kiến nghị của tỉnh sẽ được giải quyết. Về kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, chúng tôi đồng tình bởi đây là dự án lớn và cần phải xác định rõ những vấn đề đặt ra với nhà máy để giải quyết một cách hiệu quả.
Mạnh Cường
Tin cùng chuyên mục
- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8: Quốc hội thảo luận về các dự án luật 23.10.2024 | 16:17 PM
- Khẩn trương đưa các nghị quyết của HĐND tỉnh vào cuộc sống 29.08.2024 | 20:06 PM
- Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 26.07.2024 | 18:24 PM
- Kỳ họp thứ 7: Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật, nghị quyết 28.06.2024 | 16:09 PM
- Đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội 20.05.2024 | 16:33 PM
- Ngày làm việc thứ nhất Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII 16.05.2024 | 19:58 PM
- Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào chiều 2/5 01.05.2024 | 13:48 PM
- Xã luậnViết tiếp trang sử vàng của Đảng 03.02.2024 | 07:38 AM
- Triển khai quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh 22.01.2024 | 12:00 PM
- Đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và viếng các anh hùng liệt sĩ 01.12.2023 | 18:32 PM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai