Chủ nhật, 17/11/2024, 08:38[GMT+7]

Kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Chủ nhật, 16/06/2019 | 17:31:37
1,576 lượt xem
Sau 20 ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ (từ ngày 20/5 đến ngày 14/6/2019), Quốc hội đã hoàn thành chương trình kỳ họp thứ 7 với những kết quả chủ yếu sau:

Các vị đại biểu Quốc tỉnh biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp.

Audio: 170619_ket_qua_ky_hop_thu_7_mixdown.mp3

1. Quốc hội đã xem xét, thông qua 7 luật, 10 nghị quyết, cho ý kiến về 9 dự án luật:

- Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được ban hành có 7 chương, 36 điều, quy định các biện pháp về giảm mức tiêu thụ, quản lý việc cung cấp rượu, bia và giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

- Luật Giáo dục được sửa đổi toàn diện có 9 chương, 117 điều quy định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông và giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa; việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa; chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; cơ sở giáo dục; các quy định liên quan đến nhà giáo, người học; đầu tư, tài chính trong giáo dục; quản trị cơ sở giáo dục …

- Luật Thi hành án hình sự được sửa đổi toàn diện có 16 chương, 207 điều mở rộng phạm vi điều chỉnh; bổ sung quy định về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại; tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện; sửa đổi, bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân, tổ chức lao động cho phạm nhân; tha tù trước thời hạn có điều kiện, án treo, thủ tục thi hành các hình phạt và biện pháp tư pháp; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án hình sự.

- Luật Đầu tư công được sửa đổi toàn diện có 6 chương, 101 điều với một số điểm mới như: quy định thống nhất quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án không phân biệt nguồn vốn trừ chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; phân cấp cho Hội đồng nhân dân được quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A, B, C sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên; thông báo tổng mức vốn đầu tư công dự kiến của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương vào năm thứ tư của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước...

- Luật Quản lý thuế được sửa đổi toàn diện có 17 chương, 152 điều với một số điểm mới như: áp dụng nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế; quy định Kiểm toán nhà nước chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện việc xác định chính xác nghĩa vụ thuế; quy định về khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt...

- Luật Kiến trúc được ban hành có 5 chương, 41 điều, quy định về: quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc; chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc và định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam; bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc và quy chế quản lý kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu thực hiện các cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Trong đó, đã sửa đổi, bổ sung quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, sáng chế, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ,...

- Nghị quyết gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể: là khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định CPTPP và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến tới ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

- Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã điều chỉnh 8 dự án của Chương trình năm 2019 và quyết định 18 dự án của Chương trình năm 2020.

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến gồm: Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Thư viện.

2. Giám sát tối cao

- Sau khi xem xét báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 và tình hình triển khai thực hiện những tháng đầu năm 2019, Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện linh hoạt, quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, góp phần đạt được những kết quả toàn diện trên mọi lĩnh vực. Đồng thời, yêu cầu Chính phủ phân tích, đánh giá cụ thể nguyên nhân kết quả đạt được, những yếu tố tích cực có tính đột biến và dài hạn để phục vụ công tác điều hành năm 2019. Quốc hội cơ bản thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ và yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương phát huy những mặt tích cực trong thời gian qua, bám sát tình hình thực tiễn, có các giải pháp kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành để giữ vững đà tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; chủ động, linh hoạt ứng phó trước những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị trong nước và  thế giới.

- Trong thời gian 2,5 ngày, đại biểu Quốc hội đã chất vấn; các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng 04 bộ: Công an, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các Bộ trưởng, trưởng ngành khác đã tham gia trả lời chất vấn.

Các nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn xác đáng, bám sát thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội. Đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều chất vấn gọn, rõ, bám sát nhóm vấn đề, thể hiện sự đồng hành, chia sẻ những khó khăn trong quản lý, điều hành của Chính phủ. Thành viên Chính phủ đã trả lời thẳng thắn, trách nhiệm, đưa ra nhiều cam kết nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập và nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong lĩnh vực phụ trách. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7.

- Trên cơ sở kết quả giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị trong đó ghi nhận những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập, đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh các bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai trong thời gian tới, nhằm phát huy tối đa giá trị của đất đai trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường.

- Trên cơ sở các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 7, Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, nghiêm túc, trách nhiệm của các cơ quan trong giải quyết các kiến nghị của cử tri. Các nội dung trả lời đều rõ ràng, giải thích ngắn gọn, dễ hiểu, đúng trọng tâm vấn đề cử tri nêu; cung cấp thêm thông tin về các quy định của pháp luật có liên quan cũng như kế hoạch triển khai khắc phục những vấn đề mà cử tri kiến nghị.

- Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập 01 Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Tại kỳ họp cuối năm 2020, Quốc hội sẽ xem xét, chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, về chất vấn tại kỳ họp.

3. Xem xét, quyết định các vấn đề khác 

- Sau khi xem xét các báo cáo của Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và Báo cáo thẩm tra, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Trong đó, yêu cầu Chính phủ tăng cường chỉ đạo, có giải pháp tích cực để khắc phục hạn chế, xử lý nghiêm các vi phạm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, tăng cường quản lý nợ công, vốn đầu tư và bội chi ngân sách, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế.

- Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với ông  Dương Văn Thăng, Thiếu tướng, Quyền Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương.

- Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, trong đó, giao Chính phủ khẩn trương sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tăng chế tài, xử phạt nghiêm các trường hợp sử dụng ma túy, rượu, bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông. Đồng thời, quyết định một số vấn đề liên quan đến điều hành ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư công trung hạn.

4. Kết quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại Kỳ họp

Tại Kỳ họp, các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn cùng với đại biểu Quốc hội trong cả nước đã tích cực tham gia xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, đã tham gia đóng góp 44 lượt ý kiến phát biểu về các lĩnh vực như kinh tế - xã hội, thảo luận về các dự án luật, chất vấn Chính phủ và các thành viên của Chính phủ, trong đó có: 19 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường; có 25 lượt ý kiến phát biểu tại tổ; có 5 lượt đại biểu với 11 ý kiến chất vấn trực tiếp đối với Bộ trưởng các bộ: Giao thông Vận tải, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; có 4 lượt chất vấn bằng văn bản với 7 vấn đề chất vấn Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ. Nội dung các ý kiến đều đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri đồng thời thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của đại biểu Quốc hội với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân.

Bên cạnh việc tham gia tích cực vào các nội dung của Kỳ họp, tại Kỳ họp này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức nhiều buổi làm việc, gặp gỡ để trình bày, kiến nghị trực tiếp những khó khăn, vướng mắc với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội và huy động nguồn lực để xây dựng hạ tầng kinh tế, xã hội của địa phương. Tổ chức và tham gia nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hoạt động với các Đoàn đại biểu Quốc hội nhằm quảng bá, giới thiệu về điều kiện tự nhiên, con người, tiềm năng và thế mạnh của Thái Bình góp phần tăng cường thu hút đầu tư phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. 

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng ĐBQH tỉnh)