Thứ 7, 16/11/2024, 02:13[GMT+7]

Chào mừng Đại hội thi đua yêu nước toàn tỉnh lần thứ V Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển nhanh, mạnh, vững chắc

Thứ 4, 18/08/2010 | 08:49:19
1,907 lượt xem
Trong 5 năm qua, công tác thi đua khen thưởng của tỉnh có bước chuyển biến tích cực cả về nội dung và hình thức. Các ngành, các cấp, đoàn thể, các đơn vị đã xác định rõ mục tiêu, phạm vi, đối tượng, có nhiều đổi mới trong tổ chức các phong trào thi đua; từ đó khơi dậy sự hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quần chúng nhân dân vượt qua những khó khăn, thách thức hăng hái thi đua lao động, học tập, công tác, đoàn kết nhất trí, giành được những th

Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng tỉnh.

Ngay sau Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV, UBND tỉnh đã phát động phong trào “Thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006-2010)” theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và được các ngành, các cấp, các đơn vị hưởng ứng tích cực.

Để nâng cao chất lượng, hiệu của của phong trào thi đua, UBND tỉnh đã phân nhóm các sở, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan trung ương trên địa bàn thành các khối, cụm thi đua. Các đơn vị trong các cụm, khối thi đua đã xây dựng tiêu chí, ký kết giao ước thi đua, tổ chức kiểm tra chéo, tổng kết công tác thi đua khen thưởng gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh.

Các cấp uỷ Đảng, chính quyền với sự tham gia của mặt trận tổ quốc và các đoàn thể đã thường xuyên chỉ đạo, lãnh đạo thông qua kế hoạch cụ thể tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, thực chất là thực hiện tốt các nhiệm vụ của đơn vị nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 39- CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến.

Kết quả, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân là 12,04%/năm, sản xuất công nghiệp phát triển với tốc độ cao, đạt 25,4%/năm; thương mại dịch vụ phát triển tốt cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân, tăng 13,4%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 28%/năm gấp 3 lần so với năm 2005. Các lĩnh vực văn hóa xã hội chuyển biến tích cực. GDP bình quân đầu người đạt 15,8 triệu đồng. Đời sống của nhân dân ngày càng nâng cao.

Trong lĩnh vực nông nghiệp: phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt kết quả tốt, năm 2009 diện tích cây vụ Đông đạt gần 40.000ha, nhiều mô hình chăn nuôi tập trung mang lại hiệu quả cao, điển hình như xã An Mỹ (Quỳnh Phụ), Hợp Tiến (Đông Hưng), Thuỵ An (Thái Thuỵ), Hồng An (Hưng Hà).... Đặc biệt, Trung ương chọn Thái Bình phát động phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đã được các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân tích cực thực hiện; đến nay, 8/8 xã điểm của tỉnh đã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới; toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới trong năm 2010; các xã: Thanh Tân (Kiến Xương), Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ), Nguyên Xá (Vũ Thư), Trọng Quan (Đông Hưng) đi đầu trong phong trào thi đua xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Người nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: Thành Tâm

Trong lĩnh vực công nghiệp: Nhiều doanh nghiệp tổ chức cam kết giao ước thi đua, gắn quyền lợi và trách nhiệm giữa người lao động và người sử dụng lao động, thực hiện văn hoá trong quản lý kinh doanh đã tạo ra động lực mới thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Nhiều sản phẩm được người tiêu dùng bình chọn và được tặng giải thưởng về chất lượng như sản phẩm của Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình, Công ty Gạch ốp lát Thái Bình, Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Sen, Công ty cổ phần Xi măng Thái Bình. Phong trào xây dựng và phát triển nghề, làng nghề được quan tâm với phương châm “Ly nông, không ly hương”; toàn tỉnh có 219 làng nghề, giải quyết việc làm ổn định và tăng thu nhập cho trên 175 nghìn lao động, điển hình như: xã Hồng Thái, xã Nam Cao (Kiến Xương), xã An Vũ (Quỳnh Phụ).

Lĩnh vực văn hóa xã hội: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được đẩy mạnh và đạt hiệu quả thiết thực. Công tác “Đền ơn, đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn” được toàn xã hội quan tâm và trở thành đạo lý, lẽ sống của nhân dân. Các phong trào “Thi đua dạy tốt, học tốt” trong ngành Giáo dục  đào tạo, “Thực hiện 12 điều y đức” của người thầy thuốc trong ngành Y tế được duy trì thường xuyên và có những chuyển biến tiến bộ. Chất lượng giáo dục - đào tạo ngày càng nâng lên; hàng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT, học sinh thi đỗ các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đứng từ thứ 4 đến thứ 2 toàn quốc. Hệ thống tổ chức y tế được củng cố, phát triển; toàn tỉnh có 208 (72,7%) xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, tăng 88 xã so với năm 2005. Thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội thu được kết quả tích cực; 5 năm qua, đã xây mới, nâng cấp 8.996 nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,5%. Hàng năm tạo việc làm mới cho 28,9 nghìn lao động.

Lĩnh vực an ninh quốc phòng: Phong trào thi đua “Quyết thắng” trong lực lượng vũ trang và phong trào “xây dựng nền quốc phòng toàn dân” được duy trì thường xuyên, góp phần nâng cao công tác huấn luyện, diễn tập, xây dựng lực lượng. Công tác hậu phương quân đội được chú trọng; xây dựng lực lượng quân sự địa phương sẵn sàng chiến đấu gắn với việc xây dựng phát triển kinh tế, phòng chống thiên tai. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được duy trì, phát triển với nhiều mô hình mới như: Tổ an ninh tự quản, tổ an toàn giao thông; phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, “Học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân” có bước phát triển mới, phát huy sức mạnh tổng hợp để thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bảo vệ an ninh trật tự, giữ vững ổn định chính trị, xã hội.

Trên lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể: Phong trào “Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh”, “Dân vận khéo” được đẩy mạnh đã động viên đảng viên gương mẫu chấp hành Điều lệ Đảng, tự giác thực hiện chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đặc biệt, phong trào thi đua thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tăng cường sự đoàn kết nhất trí, nâng cao sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng, củng cố thêm niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Nét mới thành phố. Ảnh: Ngọc Trâm

Với những kết quả đó, 5 năm qua, có 1.578 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen, 1.529 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, 422 tập thể được tặng Cờ thi đua; 4 cá nhân được công nhận Chiến sỹ thi đua toàn quốc, 324 cá nhân, tập thể được tặng thưởng Huân chương các loại, 522 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, lần đầu tiên tỉnh ta có 01 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào thi đua trong tỉnh chưa thực sự sâu rộng trong các thành phần kinh tế, cộng đồng dân cư; một số cấp ủy đảng, lãnh đạo đơn vị chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác thi đua, khen thưởng. Công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, tuyên truyền khen thưởng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt và cách làm sáng tạo chưa được tổ chức thường xuyên, vì vậy hiệu quả đạt được chưa cao.

Để phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, các cấp, các ngành, các đơn vị tiếp tục duy trì và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước một cách thiết thực với mục tiêu: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, khai thác mọi nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế; tăng tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển văn hoá- xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu  của các tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; thực hiện có chiều sâu Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Phấn đấu tăng trưởng GDP bình quân đạt 13,5%/năm; cơ cấu kinh tế đến năm 2015: Nông, lâm, ngư nghiệp 24,7%; công nghiệp, xây dựng: 40,6%; dịch vụ: 34,7%; GDP bình quân đầu người đạt 41,3 triệu đồng.

Một số nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện tốt:

Một là: Đẩy mạnh phong trào thi đua toàn dân làm kinh tế giỏi, làm giàu hợp pháp; từng doanh nghiệp, hộ gia đình làm giàu cho mình, cho cộng đồng, cho đất nước. Chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, mùa vụ, con vật nuôi theo vùng sản xuất hàng hóa tập trung được quy hoạch; nâng cao hiệu quả thâm canh; tích cực xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển thủy sản gắn với chế biến tiêu thụ để có nhiều sản phẩm xuất khẩu, đạt hiệu quả kinh tế cao; thi đua sản xuất kinh doanh tạo thêm nhiều sản phẩm mới thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp nhanh và bền vững; đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là: Nội dung thi đua phải bám sát với thực tế, phù hợp với từng giai đoạn cụ thể, các tiêu chí cụ thể với nhiều mức phấn đấu phù hợp. Khẩu hiệu thi đua phải dễ hiểu, dễ làm. Thi đua phải thường xuyên, liên tục và tạo được động lực phát triển của mỗi cá nhân, mỗi tập thể. Bên cạnh đó, phải kết hợp hài hòa giữa thi đua và khen thưởng, đảm bảo cả động viên tinh thần và vật chất.

Ba là: Các phong trào thi đua phải gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khen thưởng theo hướng thực chất và chặt chẽ hơn. Nhận danh hiệu khen thưởng phải là tổ chức, cá nhân thực sự tiêu biểu được dư luận xã hội ghi nhận và đánh giá cao.

Bốn là: Tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác thi đua khen thưởng tại các cụm, khối thi đua; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền kịp thời các gương điển hình tiên tiến trong lao động và sản xuất; tiếp tục kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng các cấp, các ngành, các đơn vị.

Năm là: Công tác khen thưởng cần chú trọng đến đối tượng là người lao động trực tiếp, nhất là công nhân, nông dân có sáng kiến góp phần thúc đẩy sản xuất - Đây chính là nguồn động viên to lớn để phong trào thi đua yêu nước phát triển sâu rộng, tiếp tục động viên cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động ra sức đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và phát triển, như Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”, “Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực...”, “Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ”.

  • Từ khóa