Chủ nhật, 17/11/2024, 14:52[GMT+7]

Tuyên truyền phục vụ đại hội đảng cần “đúng, trúng, sát thực và hiệu quả”

Thứ 2, 14/10/2019 | 09:17:37
1,425 lượt xem

Nhân dịp Báo Thái Bình đăng cai tổ chức hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc mở rộng lần thứ 27 năm 2019, phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn nhà báo, PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương - người hoạt động báo chí tròn nửa thế kỷ về những nội dung cần thảo luận xung quanh chủ đề “Báo Đảng địa phương tuyên truyền phục vụ đại hội đảng các cấp”.

Phóng viên: Thưa nhà báo, PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh, ông đánh giá như thế nào khi Báo Thái Bình lựa chọn chủ đề “Báo Đảng địa phương tuyên truyền phục vụ đại hội đảng các cấp” cho hội thảo lần này?


Nhà báo, PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh: Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Vì vậy, tôi rất hoan nghênh chủ trương của Ban Biên tập Báo Thái Bình đã đăng cai tổ chức hội thảo, chọn chủ đề “Báo Đảng địa phương tuyên truyền phục vụ đại hội đảng các cấp”. Đây là chủ đề có ý nghĩa thời sự và ý nghĩa chính trị sâu sắc. Tính thời sự thể hiện ở chỗ, báo Đảng hay báo chí cách mạng Việt Nam nói chung phải bám sát những sự kiện thời sự, chính trị trọng đại của đất nước, của địa phương, coi đó là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để thực hiện tốt chức năng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân. Tôi nhấn mạnh ý nghĩa chính trị, bởi đây là sự kiện cứ 5 năm mới diễn ra một lần và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đều rất quan tâm, mong đợi. Đại hội là dịp để cấp ủy các cấp tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội đảng cấp trên và nghị quyết đại hội cấp mình đề ra trong nhiệm kỳ 2015 - 2020; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2020 - 2025;  đồng thời lựa chọn đội ngũ cán bộ có đủ đức, đủ tài bầu vào cấp ủy, đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Báo Đảng địa phương làm tốt chủ đề này đồng nghĩa với việc đã thực hiện tốt chức năng của báo chí là “cầu nối” giữa ý Đảng với lòng dân.


Phóng viên: Vậy theo ông, làm thế nào để báo Đảng địa phương tuyên truyền phục vụ đại hội đảng các cấp đạt được mục tiêu “đúng, trúng, sát thực và hiệu quả”?


Nhà báo, PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh:
Với tư cách là đồng nghiệp lâu năm, trải qua nhiều kỳ tuyên truyền Đại hội Đảng, để đạt được mục tiêu nói trên tôi mạnh dạn gợi mở một số nội dung sau:


Thứ nhất: Muốn thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trên mặt trận tuyên truyền, tất cả các báo, nhất là báo Đảng cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho từng giai đoạn: trước, trong và sau đại hội. Ngay bây giờ, các báo cần mở chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền về chủ đề này với tần suất 2 - 3 bài/tuần; đến thời điểm tổ chức đại hội, tần suất mỗi bài/ngày với nội dung kịp thời, sâu rộng, phong phú và hiệu quả.


Thứ hai: Căn cứ diễn tiến các bước của công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội, điều kiện thực tiễn ở cơ sở, các báo tập trung vào những vấn đề chủ yếu: Thông tin về chủ trương chỉ đạo của cấp ủy tỉnh, các địa phương về các bước đi, phương thức, cách thức tổ chức đại hội đảng bộ cấp cơ sở, đại hội đảng bộ cấp tỉnh, thành phố; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân kỳ vọng vào đại hội. Tôi nghĩ rằng, đây là vấn đề rất quan trọng, các báo cần phân công những phóng viên có kinh nghiệm, tâm huyết và năng lực để viết về lĩnh vực xây dựng Đảng nói chung, tuyên truyền về đại hội đảng các cấp nói riêng; phỏng vấn các tầng lớp nhân dân, đại diện cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp góp ý vào văn kiện đại hội, tạo ra diễn đàn để mọi người cùng “hiến kế” xây dựng quyết sách cho nhiệm kỳ tới; đồng thời kiến nghị cách làm nhân sự để chọn được người đủ đức, đủ tài bầu vào cấp ủy.


 Thứ ba: 
Chúng ta cần gắn kết chặt chẽ với việc tuyên truyền học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tôi nhấn mạnh điều này bởi sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, vì cán bộ là gốc của mọi công việc. Trong Di chúc của mình, trước hết Bác nói về xây dựng Đảng, do đó các báo nên dựa vào tư tưởng của Bác để tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền đậm nét các lời chỉ bảo của Bác về tiêu chí cán bộ. Nên trích in đậm, đóng khung những lời Bác nói về cán bộ, để thu hút bạn đọc, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ hơn. Tôi nhấn mạnh điều này vì vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Đây là việc Trung ương đã lường trước, bởi thực tiễn đã tổng kết và chỉ ra rằng, cứ mỗi dịp chuẩn bị Đại hội Đảng, lại xuất hiện tình trạng không ít cán bộ chạy chức, chạy quyền bằng nhiều hình thức, bằng nhiều cách tinh vi để vào cấp ủy. Có một số cán bộ nhận thức rất sai rằng khi được bầu vào cấp ủy thì đồng nghĩa với việc họ có chức, có quyền và được hưởng lợi. Do vậy cần chú trọng tuyên truyền, biểu dương những tấm gương sáng của cán bộ, đảng viên được dân tin, dân quý, dân yêu; đề cao hành động của những cán bộ tiên phong trong thực hiện các phong trào thi đua và thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cấp.

Nhà báo, PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh trao đổi với cán bộ, phóng viên Báo Thái Bình những kinh nghiệm trong tuyên truyền về xây dựng Đảng.


Từ những vấn đề đã đề cập ở trên, việc tuyên truyền phục vụ đại hội đảng các cấp cần kết hợp hài hòa giữa các quy định của Đảng với những vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra, giữa biểu dương và phê bình. Để làm được điều đó cần hết sức cẩn trọng trong tuyên truyền, nếu Ban Biên tập không chỉ đạo chặt chẽ, có kế hoạch bài bản thì những kẻ cơ hội có thể lợi dụng báo chí để tung hô người này, hạ bệ người khác trong cuộc “cạnh tranh” vào cấp ủy. Khi chúng ta lựa chọn biểu dương hay phê phán một vấn đề gì, một con người nào đó liên quan đến nhân sự đại hội phải hết sức cẩn trọng, phải kiểm chứng, xác minh thông tin một cách kỹ lưỡng; đặc biệt với những bài bạn đọc viết về những con người cụ thể thì Ban Biên tập càng phải chú ý kiểm chứng chặt chẽ hơn.
Phóng viên: Xin ông cho biết những thế mạnh của báo Đảng địa phương khi tuyên truyền phục vụ đại hội đảng các cấp?


Nhà báo, PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh: Theo tôi tờ báo Đảng địa phương có thế mạnh riêng của mình là “ở ngay cạnh dân”, hàng ngày phóng viên bám cơ sở, tiếp xúc với nhân dân. Toàn bộ chủ trương, đường lối của Đảng cũng được cụ thể hóa, được triển khai ở cơ sở nên phóng viên có thể bám cơ sở để phản ánh ngay phong trào thi đua, các sự kiện nóng, những vấn đề dư luận bức xúc, xã hội quan tâm. Chính vì các bạn “gần dân”, “hiểu dân” nên khi có những bức xúc của xã hội xảy ra ở cơ sở, báo Đảng địa phương có điều kiện kiểm tra nhanh những thông tin đó chính xác đến đâu; biết được dân nghĩ gì, dân kiến nghị gì? Báo Đảng địa phương cũng có ưu thế là khi có vấn đề gì “hóc búa”, Ban Biên tập có thể làm việc trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh để thông tin ngay cho nhân dân biết sự kiện ấy, cấp ủy, chính quyền đang tập trung giải quyết như thế nào…
Tôi hy vọng qua hội thảo này, báo Đảng các địa phương có thêm kinh nghiệm và bài học mới để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình.


Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn nhà báo, PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh!

Mạnh Cường

(thực hiện)

  • Từ khóa