Thứ 6, 15/11/2024, 10:25[GMT+7]

Ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII Thảo luận hai dự án: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Phòng, chống rửa tiền

Thứ 4, 23/05/2012 | 07:21:04
1,157 lượt xem
Ngày 22-5, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường, thảo luận hai dự án: Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật phòng, chống rửa tiền. Quan trọng là tính khả thi của Luật

Ðại biểu QH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu ý kiến tại hội trường.

Sáng 22-5, QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và tiếp tục thảo luận về một số nội dung còn những ý kiến khác nhau của dự thảo luật này. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu QH tại kỳ họp thứ hai, dự thảo Luật đã được chỉnh lý gồm năm chương, 35 điều (tăng ba điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình QH). Báo cáo cũng làm rõ sáu nhóm vấn đề còn nhiều ý kiến tranh luận của các đại biểu, như: tính khả thi của dự án luật; Về Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá; Các vấn đề về xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; Về in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá; Biện pháp phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả và một số vấn đề khác...

Tại phiên thảo luận, hầu hết các đại biểu đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ QH, mong muốn Luật sớm được ban hành, cùng với các nghị định, thông tư hướng dẫn nhanh chóng đi vào cuộc sống. Bên cạnh các vấn đề được giải trình, các đại biểu QH tập trung thảo luận, làm rõ thêm một số nội dung, như: vấn đề in cảnh báo sức khỏe; quảng cáo và trưng bày quảng cáo; việc thành lập Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, nguồn thu và sử dụng sao cho hiệu quả nguồn quỹ này; hình thức xử lý vi phạm pháp luật... Ða số ý kiến đồng ý với quy định in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh chiếm ít nhất 50% diện tích của vỏ bao thuốc lá, bởi đây là một trong những biện pháp tuyên truyền ít tốn kém và có hiệu quả trong phòng, chống tác hại của thuốc lá, có thể tiếp cận với mọi nhóm đối tượng. Ðại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Ðịnh) đề nghị việc in cảnh báo phải bằng hình ảnh mầu, vì nếu in đen trắng thì không thể rõ được tác hại của thuốc lá... Ðại biểu Ðiểu K’Rứ (Ðác Nông) cho rằng, hạn chế được hoạt động trưng bày thuốc lá thì sẽ hạn chế được việc mua thuốc lá. Ðại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) cho rằng, theo điểm b, khoản 1, Ðiều 25 quy định tại các đại lý bán lẻ, các điểm bán lẻ thuốc lá không được trưng bày quá một bao hoặc một tút/hộp của một sản phẩm của một nhãn hiệu thuốc lá. Cần quy định một sản phẩm thành một nhãn hiệu thuốc lá, các điểm bán lẻ thuốc lá không được trưng bày quá quy định...

Việc thành lập quỹ hay không thành lập và nguồn thu lấy từ đâu, được các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận. Hiện, vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần thiết phải thành lập quỹ. Và loại ý kiến không đồng ý việc thành lập Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhưng tán thành với việc tăng đầu tư ngân sách cho công tác này qua phân bổ kinh phí chi thường xuyên, hoặc chương trình mục tiêu quốc gia cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Vấn đề nguồn thu cũng được trình theo hai phương án. Tuy nhiên, phần lớn các đại biểu có ý kiến đều đồng tình với việc phải thành lập quỹ. Ðại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Ðồng) cho rằng, nguồn quỹ sẽ làm công tác phòng, chống tác hại thuốc lá bền vững hơn. Theo đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) việc hình thành quỹ sẽ tăng thêm hiệu quả tính giáo dục và ý thức trong cộng đồng, cũng như thực hiện trách nhiệm trong quá trình kinh doanh của những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc lá... Bộ trưởng Tài chính Vương Ðình Huệ đã có những phân tích liên quan đến việc lập quỹ, nguồn thu của quỹ, trách nhiệm quản lý và điều hành quỹ này. Theo Bộ trưởng, việc thành lập quỹ là cần thiết và nguồn hình thành từ khoản đóng góp bắt buộc của người sử dụng và doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá như phương án hai thì sẽ bảo đảm được mục tiêu chung như Ủy ban Thường vụ QH đã nêu và cũng bảo đảm được việc có kinh phí thực hiện được chính sách xã hội hóa và không ảnh hưởng đến các quy định và nguyên tắc về thu chi và quản lý ngân sách nhà nước.

Vấn đề xử lý đối với thuốc lá nhập lậu được các đại biểu thống nhất quan điểm cần thu giữ và tiêu hủy chứ không tái xuất. Với các hành vi nhập lậu thuốc lá cần biện pháp xử lý mạnh tay hơn chứ không chỉ là xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Luật quy định cụ thể hơn các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn hoặc hút thuốc lá trong nhà, xem xét lại tính khả thi của những địa điểm này...

Thiếu những quy định về nhận dạng hành vi rửa tiền

Ðầu giờ làm việc buổi chiều, các đại biểu QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật phòng, chống rửa tiền. Báo cáo cho biết, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật phòng, chống rửa tiền. Ða số ý kiến các vị đại biểu QH tán thành Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH; đồng thời tham gia ý kiến vào các điều, khoản của dự án Luật. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để hoàn chỉnh dự án Luật.

Báo cáo cũng trình bày rõ về sáu vấn đề còn ý kiến khác nhau và ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH về từng vấn đề đó. Thí dụ về các hành vi bị cấm, nhiều ý kiến đề nghị quy định bổ sung các hành vi bị cấm vào dự thảo Luật cho đầy đủ hơn. Một số ý kiến đề nghị bỏ các quy định về các hành vi bị cấm vì những hành vi rửa tiền bị coi là vi phạm pháp luật thì đương nhiên bị cấm, do vậy không cần thiết phải quy định trong Luật.

Ủy ban Thường vụ QH cho rằng: Việc quy định các hành vi bị cấm là cần thiết, làm cơ sở để quy định các biện pháp phòng, chống rửa tiền cũng như xử lý trách nhiệm hình sự, hành chính hoặc kỷ luật tùy thuộc vào đối tượng, tính chất và mức độ vi phạm. Nhiều luật hiện hành cũng đã có quy định theo hướng này. Do đó, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH cho giữ lại kết cấu như đã trình, có bổ sung, chỉnh lý theo hướng bao quát hơn các hành vi bị cấm thành bảy khoản như quy định tại Ðiều 7 dự án Luật.

Qua thảo luận, các ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ QH, đồng thời cũng đề cập nhiều vấn đề khác trong nội dung dự thảo Luật này. Ðại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) lưu ý, trong phạm vi điều chỉnh Luật này quy định mang tính nguyên tắc về phòng, chống rửa tiền liên quan đến tài trợ khủng bố, còn việc xử lý các hành vi rửa tiền cụ thể sẽ theo quy định của Bộ luật Hình sự và dự án Luật Phòng, chống khủng bố đang được chuẩn bị trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư. Như vậy, hai luật được ban hành ở hai thời điểm khác nhau, cho nên, khi dự án Luật phòng, chống rửa tiền được ban hành trước phải có giải trình rõ ràng. Ðại biểu này tán thành báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về việc quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước; về cơ quan phòng, chống rửa tiền, theo đó không quy định về cơ quan phòng, chống rửa tiền trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cũng về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền, nhiều ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo ở các điều 43, 44 về trách nhiệm của Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân Dân là không cần thiết, vì đã được quy định ở các luật khác (Ðỗ Văn Ðương - TP Hồ Chí Minh, Trần Tiến Dũng - Hà Tĩnh). Ðại biểu Nguyễn Ðình Quyền (Hà Nội) nhận xét, trong dự thảo Luật này có những nội dung thừa, trong khi có những nội dung rất cần thiết lại thiếu. Ðại biểu Nguyễn Ðình Quyền (Hà Nội), đại biểu Trần Ðình Nhã (Thừa Thiên -Huế) và đại biểu Ðỗ Văn Ðương (TP Hồ Chí Minh) đều cho rằng, điều quan trọng nhất của dự án luật này là đưa ra được các hành vi rửa tiền để người ta nhận dạng, từ đó phòng, chống hành vi rửa tiền. Nhưng trong dự thảo chủ yếu đưa ra các hành vi giao dịch qua ngân hàng, trong khi đó rửa tiền còn qua nhiều hình thức khác như đầu tư vào ngân hàng, khách sạn... Ðại biểu Nguyễn Ðình Quyền còn cho rằng, Ðiều 3 quy định về áp dụng Luật phòng, chống rửa tiền, Ðiều ước quốc tế và các luật có liên quan là không cần thiết. Ðại biểu Trần Ðình Nhã tỏ ra không yên tâm về Khoản 1 Ðiều 13 quy định về khách hàng người nước ngoài là cá nhân có ảnh hưởng chính trị là ai, danh sách thế nào, vì chế độ chính trị ở mỗi nước khác nhau, đảng phái khác nhau. Ðại biểu này nhấn mạnh: Tôi không hiểu mục đích của quy định này là gì?

Các ý kiến phát biểu còn đề cập một số vấn đề khác như: Các hành vi bị cấm (Ðiều 7), các quy định về trách nhiệm báo cáo, việc bảo đảm bí mật thông tin, tài liệu báo cáo.

Theo nhandan

  • Từ khóa