Ngày làm việc thứ bảy, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII Cần có biện pháp quản lý bình ổn giá
Trong giờ làm việc buổi sáng, các đại biểu nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá.
Qua thảo luận, phần lớn ý kiến đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Ðồng thời, tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến về vấn đề bình ổn giá thị trường, danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá và danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, những hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá.
Ðối với danh mục hàng hóa, dịch vụ được thực hiện bình ổn giá, sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu từ kỳ họp trước, dự thảo luật đã rút từ 15 mặt hàng xuống còn mười mặt hàng trong danh mục. Tuy nhiên, nhiều đại biểu tiếp tục đề nghị bổ sung một số loại mặt hàng vào danh mục này, như: sách vở, thiết bị học tập; thuốc bảo vệ thực vật; thức ăn chăn nuôi, cà-phê... Ðại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc lập danh mục hàng hóa, dịch vụ được thực hiện bình ổn giá là cần thiết, nhưng trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn, dù có nỗ lực thế nào việc bình ổn cũng khó thực hiện được. Vì vậy, giá cả muốn ổn định cần phải có các biện pháp kinh tế vĩ mô đồng bộ và quản lý giá theo cơ chế thị trường.
Dự thảo Luật Giá cũng quy định "đăng ký giá" là một trong những biện pháp bình ổn giá. Trước khi doanh nghiệp định giá hoặc thay đổi giá bán phải gửi văn bản đăng ký giá cho cơ quan có thẩm quyền. Một số ý kiến cho rằng, biện pháp "đăng ký giá" thể hiện sự can thiệp sâu của Nhà nước, ảnh hưởng quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp. Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, cần thiết phải quy định biện pháp "đăng ký giá" để tạo công cụ kiểm soát việc hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá, nhất là trong trường hợp thao túng giá thị trường ảnh hưởng lớn quyền lợi người tiêu dùng; không can thiệp quá sâu, vì doanh nghiệp chỉ phải đăng ký giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá tại thời điểm bình ổn giá. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Ðà Nẵng), đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) và đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần làm rõ nội dung này vì không phù hợp cơ chế thị trường, không phù hợp cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhiều ý kiến cho rằng, nên thay vấn đề đăng ký giá bằng niêm yết giá.
Riêng về mặt hàng điện, theo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ QH, vấn đề giá điện dự kiến sẽ được quy định như Chính phủ đề nghị. Nhà nước sẽ chỉ định mức giá cụ thể đối với giá truyền tải, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, đây đang là những khâu đang thuộc độc quyền Nhà nước. Trước mắt, Nhà nước vẫn quy định khung giá đối với giá phát điện, giá bán buôn điện, nhưng về lâu dài sẽ áp dụng cạnh tranh theo lộ trình. Riêng về giá bán lẻ điện, Nhà nước sẽ quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để bảo đảm điều chỉnh linh hoạt theo cơ chế thị trường. Như vậy, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) sẽ có quyền định giá cụ thể giá bán lẻ điện, Bộ Công thương kiểm soát trong khung giá của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều đại biểu lo ngại về vấn đề này. Ðại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) cho rằng, trong điều kiện EVN còn độc quyền thì Nhà nước cần định giá bán cụ thể đối với giá bán lẻ điện. Không nên để doanh nghiệp tự định giá. Ðại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, cần có cơ quan độc lập giám sát giá điện. Vì, Bộ Công thương vừa là cơ quan chủ quản EVN, vừa là cơ quan thẩm định, kiểm soát giá điện, đưa ra các chính sách về giá, như vậy có thể phát sinh mâu thuẫn về lợi ích trong việc điều hành giá điện. Ðồng tình quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Thành (Lạng Sơn) lưu ý, các quy định về định giá cần xem xét kỹ, tránh nguy cơ sau khi thông qua dự luật, giá điện sẽ lại tăng cao. Vấn đề giá điện trong dự thảo Luật Giá cần thống nhất với Luật Ðiện lực.
Việc lập Quỹ bình ổn giá cũng là một trong các biện pháp nhằm bình ổn giá. Nhiều ý kiến cho rằng, việc lập Quỹ bình ổn giá là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị quy định rõ trong luật về: tính chất, việc thành lập, nguồn hình thành, cơ chế quản lý quỹ. Ðại biểu Trần Du Lịch cho rằng, chúng ta đã có Quỹ bình ổn giá xăng, dầu hoạt động trong thời gian vừa qua, đề nghị Bộ Tài chính cho biết rõ hiệu quả hoạt động của nó để có thể triển khai các quỹ bình ổn giá trong thời gian tới.
Tăng cường tiếp xúc cử tri, kịp thời giải quyết vấn đề bức xúc
Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về Ðề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH và Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2013.
Phát biểu ý kiến thảo luận, phần lớn đại biểu đồng tình với quan điểm xây dựng đề án tập trung đổi mới cách thức tổ chức công việc, bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của QH, các cơ quan của QH, Ðại biểu QH, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; bảo đảm QH thật sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.
Nội dung được đại biểu các tổ Hòa Bình, Thanh Hóa, Cần Thơ tập trung thảo luận là vai trò của QH và Ðại biểu QH trong việc đại diện cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri và nhân dân. Ðề án cần xây dựng cơ chế giúp QH và Ðại biểu QH tăng cường tiếp xúc cử tri hơn nữa, để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, từ đó giải quyết hoặc kiến nghị các ngành chức năng giải quyết kịp thời, hiệu quả, đúng nguyện vọng của cử tri và nhân dân, đúng pháp luật. Ðại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng, cần nghiên cứu và thực hiện tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo từng nhóm đối tượng như: lực lượng vũ trang, người lao động trực tiếp, thanh niên, trí thức, người cao tuổi... nhằm giải quyết những thắc mắc, kiến nghị của cử tri kịp thời, chính xác. Một số đại biểu đề nghị, trong công tác tiếp xúc cử tri, cần hạn chế tình trạng một cử tri đại diện cho cả tổ dân phố gồm nhiều tầng lớp nhân dân, nhiều ngành nghề và nguyện vọng khác nhau, khiến công tác tiếp xúc cử tri đạt hiệu quả không cao.
Về vai trò của QH trong công tác xây dựng pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay công tác xây dựng pháp luật nhiều hạn chế, nhiều luật chậm đi vào cuộc sống do chất lượng không cao, không sát thực tế. Do vậy, cần có cơ chế để Ðại biểu QH tham gia vào quá trình xây dựng luật, thẩm tra các đề án lớn ngay từ giai đoạn đầu, cũng như có cơ chế để cử tri và nhân dân tham gia góp ý kiến nhiều hơn đối với các dự án luật, các đề án lớn liên quan trực tiếp đến đời sống.
Cùng với các nội dung nói trên, nhiều đại biểu góp ý kiến đổi mới về phương thức, cách thức làm việc của QH nhằm giảm bớt thời gian họp nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, góp phần vào công tác cải cách hành chính ngay tại cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Ðại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) đề nghị, trong công tác xây dựng luật, cần nghiên cứu đưa ra thời gian xây dựng và thẩm định dự án luật theo từng dự án cụ thể, tránh tình trạng quy định chung về thời gian như hiện nay. Ðối với những dự án luật có nội dung đơn giản, cần rút ngắn thời gian thẩm định, góp ý kiến, nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng luật. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng xây dựng luật, hạn chế dần tình trạng luật ra đời nhưng không có nghị định hướng dẫn, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Theo báo Nhân dân
Tin cùng chuyên mục
- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8: Quốc hội thảo luận về các dự án luật 23.10.2024 | 16:17 PM
- Khẩn trương đưa các nghị quyết của HĐND tỉnh vào cuộc sống 29.08.2024 | 20:06 PM
- Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 26.07.2024 | 18:24 PM
- Kỳ họp thứ 7: Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật, nghị quyết 28.06.2024 | 16:09 PM
- Đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội 20.05.2024 | 16:33 PM
- Ngày làm việc thứ nhất Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII 16.05.2024 | 19:58 PM
- Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào chiều 2/5 01.05.2024 | 13:48 PM
- Xã luậnViết tiếp trang sử vàng của Đảng 03.02.2024 | 07:38 AM
- Triển khai quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh 22.01.2024 | 12:00 PM
- Đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và viếng các anh hùng liệt sĩ 01.12.2023 | 18:32 PM
Xem tin theo ngày
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
- UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Kiểm điểm tập thể, cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh năm 2024