Thứ 6, 15/11/2024, 10:32[GMT+7]

Ngày làm việc thứ mười, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII Nghe trình nhiều dự án Luật

Thứ 6, 01/06/2012 | 07:26:29
1,234 lượt xem
Ngày 31-5, ngày làm việc thứ mười, kỳ họp thứ ba, Quốc hội (QH) khóa XIII. Các đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về năm dự án luật, thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang phát biểu ý kiến tại hội trường.

Chính phủ trình năm dự án Luật

Trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu QH đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của năm dự án luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðiện lực; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðiện lực. Luật này được QH khóa XI, kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 3-12-2004, đã tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động điện lực và sử dụng điện, góp phần khẳng định vai trò của điện lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực và quốc tế. Tuy nhiên hiện nay, một số quy định của Luật Ðiện lực đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp các mục tiêu phát triển, phương thức quản lý, điều hành của ngành điện lực. Trong quá trình thi hành đã có những khó khăn, vướng mắc giữa quy định của Luật với thực tiễn cuộc sống. Về quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực, khâu lập và phê duyệt quy hoạch điện lực địa phương còn chồng chéo; thời gian của quy hoạch điện lực địa phương quá ngắn gây khó khăn, lãng phí trong quá trình thực hiện. Về giá điện và cơ chế điều chỉnh giá điện, còn nhiều bất cập, vướng mắc, chưa đáp ứng mục tiêu từng bước hình thành thị trường điện cạnh tranh trong nước nhằm chuyển ngành điện sang thực hiện theo cơ chế thị trường... Những hạn chế, bất cập trong quá trình thi hành Luật Ðiện lực đặt ra một yêu cầu cấp bách là cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp yêu cầu của thực tiễn hoạt động điện lực nói riêng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Ðối với Luật Dự trữ quốc gia, trình bày Tờ trình về Luật này, Bộ trưởng Tài chính Vương Ðình Huệ cho biết, Pháp lệnh Dự trữ quốc gia (DTQG) được ban hành ngày 29-4-2004 đã tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động DTQG. Tuy nhiên, qua tám năm thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ nhiều hạn chế. Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH nhất trí với Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Dự trữ quốc gia nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động DTQG, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực DTQG; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Bùi Quang Vinh trình bày Tờ trình về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Dự án Luật này nhằm mục tiêu khuyến khích và phát triển mạnh mẽ mô hình hợp tác xã kiểu mới, đồng thời định hướng phát triển các hợp tác xã hiện có hoạt động theo đúng bản chất hợp tác xã; đưa khu vực hợp tác xã nói riêng và thành phần kinh tế tập thể nói chung trở thành lực lượng to lớn, phát triển rộng khắp và có vị trí quan trọng trong nền kinh tế nước ta; bảo đảm quyền và lợi ích của hàng chục triệu hộ nông dân, hàng chục triệu người tiêu dùng, hộ kinh doanh cá thể; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ thành viên, đặc biệt là kinh tế hộ nông dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần cải thiện công bằng xã hội, ổn định kinh tế, chính trị, xã hội, và định hướng xã hội chủ nghĩa nền kinh tế thị trường ở nước ta.

Trong Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế do Bộ trưởng Tài chính Vương Ðình Huệ trình bày nêu rõ sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Trong đó nhấn mạnh, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, ngoài những tác động tích cực cũng xuất hiện những thách thức, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý thuế (như dàn xếp tránh thuế, chuyển giá,...), đòi hỏi công tác quản lý thuế phải được tiếp tục hoàn thiện về thẩm quyền, biện pháp quản lý để phù hợp hơn với các chuẩn mực, thông lệ và cam kết quốc tế, góp phần tăng cường quản lý, giám sát công tác quản lý thuế nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia về quyền thu thuế.

Trong phiên họp này, QH cũng đã nghe Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.

Nhiều ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Dự thảo trình QH tại kỳ họp này đã được Ủy ban Thường vụ QH tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện trên cơ sở ý kiến đại biểu QH thảo luận ở tổ và ở hội trường tại kỳ họp trước và ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý tại hội thảo. Qua thảo luận, các ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ QH; đồng thời đóng góp khá nhiều ý kiến về những quy định cụ thể, trong đó nhiều ý kiến đề nghị bổ sung nội dung vào một số điều, khoản trong dự thảo luật và chỉnh sửa về câu chữ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn quan tâm phạm vi điều chỉnh của luật (Ðiều 1). Theo Ðiều 1, Luật này quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Khoản 1). Nước biển và nước dưới đất thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa; nước nóng, nước khoáng thiên nhiên được điều chỉnh bằng pháp luật khác (Khoản 2). Có ý kiến cho rằng, đối tượng quy định tại Khoản 2 Ðiều 1 cũng cần được điều chỉnh bởi luật này. Có ý kiến đề nghị tại Khoản 1, cụm từ: trên lãnh thổ của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đổi thành thuộc lãnh thổ của nước CHXHCN Việt Nam. Cũng có ý kiến lại cho rằng, quy định về phạm vi điều chỉnh ở Ðiều 1 là phù hợp Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Ngoài phạm vi điều chỉnh, một số ý kiến đề nghị bỏ Ðiều 33 quy định về phòng, chống ô nhiễm nước biển, vì ở Ðiều 1 quy định nước biển không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Có ý kiến phát biểu còn đề cập nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước.

Theo nhandan

  • Từ khóa