Chủ nhật, 17/11/2024, 22:59[GMT+7]

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng bảo đảm phát triển hiệu quả, bền vững

Thứ 6, 03/01/2020 | 17:10:09
4,495 lượt xem
Chiều 3/1, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Tâm

Audio: 0401_day_manh_chuyen_doi_mixdown.mp3

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Các đồng chí: Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy dự hội nghị.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với những mô hình có hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế ngành trồng trọt hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, còn bộc lộc một số hạn chế, yếu kém như việc tổ chức sản xuất chủ yếu theo mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún; liên kết giữa sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ còn nhiều bất cập; sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp còn hạn chế; chưa có vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn… Việc ban hành Nghị quyết nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên đồng thời phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đạt tốc độ cao, ổn định và bền vững; cơ cấu cây trồng hợp lý, đạt năng suất, sản lượng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, công nghệ mới tiên tiến, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường; hình thành chuỗi giá trị gia tăng. Nâng cao năng suất lao động, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; phù hợp với nền kinh tế tri thức và khả năng thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hòa nhập tốt với kinh tế khu vực và thế giới.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Thành Tâm 

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ một số mục tiêu cụ thể về quy mô diện tích đất chuyển đổi; cơ cấu cây trồng chuyển đổi; đồng thời đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu liên quan đến cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu…

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh sự cần thiết ban hành nghị quyết. Khẳng định việc ban hành nghị quyết nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; là sự nối tiếp chủ trương sau khi đã có nghị quyết chuyển đổi cơ cấu ngành chăn nuôi; từng bước đáp ứng mục tiêu sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo yêu cầu thị trường, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị; chuyển đổi những cây truyền thống đặc biệt là lúa sang các loại cây khác có giá trị cao hơn. Đồng chí cũng cho rằng đây là nhiệm vụ cần làm sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần cải thiện vấn đề môi trường. 

Về dự thảo nghị quyết, đồng chí đề nghị phần đánh giá thực trạng hiện nay cần cụ thể hơn; xác định rõ quy mô diện tích đất chuyển đổi cho từng giai đoạn. Về phần quan điểm, cần bổ sung quan điểm phát triển bền vững; phát triển các loại cây trồng có thị trường tiêu thụ; phát triển theo phương thức hữu cơ. Về chủ thể sản xuất có thể là hộ gia đình, nhóm hộ gia đình, hiệp hội, hợp tác xã, doanh nghiệp, trong đó lưu ý khuyến khích phát triển tập trung, quy mô lớn. 

Về đối tượng chuyển đổi, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thống nhất chuyển từ đất lúa, đất trồng cây hàng năm sang loại cây trồng có giá trị cao hơn, tập trung vào 6 nhóm gồm: Lúa chất lượng cao, sản xuất theo phương thức hữu cơ; nhóm cây trồng làm thức ăn cho đại gia súc (cỏ, ngô sinh khối); nhóm cây ăn quả bao gồm cây bản địa có giá trị cao cần được bảo tồn nhân rộng (ổi, mít, hồng xiêm) đồng thời du nhập cây ăn quả có thị trường tiêu thụ và có giá trị kinh tế cao; nhóm các loại cây rau màu; nhóm cây dược liệu; nhóm cây cảnh. 

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cơ bản thống nhất 8 nhiệm vụ, giải pháp nêu trong dự thảo, tuy nhiên cần điều chỉnh, bổ sung thêm cho hoàn chỉnh; trong đó đồng chí nhấn mạnh giải pháp về công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức, tạo sự đồng thuận trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất, chuyển đổi đất trồng lúa sang phát triển các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Tăng cường đào tạo cán bộ kỹ thuật, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cho hộ nông dân để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế của việc trồng cây ăn quả và cây hàng năm khác. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và chế biến. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia chủ động, tích cực của các ngành, MTTQ, đoàn thể tỉnh đến cơ sở đối với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị, có thị trường tiêu thu và sản xuất bền vững… 

Đồng chí đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh phối hợp tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết và báo cáo Thường trực Tỉnh ủy xem xét trước khi ban hành.

Lãnh đạo huyện Tiền Hải trình bày báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Thành Tâm 

Cũng tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương để Huyện ủy, UBND huyện Tiền Hải triển khai thực hiện các thủ tục báo cáo cấp có thẩm quyền về việc trùng tu, tôn tạo Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Nam Cường, huyện Tiền Hải. Về nguồn vốn thực hiện theo hướng xã hội hóa, nếu xã hội hóa được 70% tổng kinh phí trùng tu, tôn tạo thì sẽ triển khai xây dựng.

Đào Quyên