Thứ 6, 15/11/2024, 08:26[GMT+7]

Ngày làm việc thứ 24, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII Thảo luận dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðiện lực và thông qua năm dự án luật, một dự thảo nghị quyết

Thứ 5, 21/06/2012 | 09:47:25
1,162 lượt xem
Ngày 20-6, ngày làm việc thứ 24, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội (QH) khóa XIII. Các đại biểu QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðiện lực và biểu quyết thông qua các dự án: Luật Giá; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Giám định tư pháp; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Ðại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) phát biểu ý kiến tại hội trường.

Phá bỏ thế độc quyền trong kinh doanh điện lực

Buổi sáng, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðiện lực. Ða số đại biểu QH cho rằng, việc sửa đổi Luật Ðiện lực là cần thiết để phù hợp thực tế. Các đại biểu cũng tập trung đóng góp ý kiến về vấn đề quy hoạch phát triển điện lực, chính sách về giá điện và các loại phí, cũng như vấn đề giấy phép hoạt động điện lực...

Về quy hoạch phát triển điện lực, nhiều đại biểu cho rằng, quy hoạch số lượng các nhà máy điện còn nhiều, không phù hợp khả năng đầu tư. Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), thời gian qua, việc quy hoạch còn bất hợp lý. Thí dụ, có những nhà máy nhiệt điện ở khu vực phía nam xa mỏ than thì sử dụng nguồn than nội địa, trong khi các nhà máy khu vực phía bắc lại sử dụng nguồn than nhập từ nước ngoài về. Ðại biểu này cho rằng, đó có lẽ cũng là một trong những lý do làm tăng chi phí. Ðại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) thì cho rằng, việc quy hoạch thủy điện là quá nhiều, cần thẩm tra lại. Trong việc quy hoạch phải chú ý đến các vấn đề kinh tế - xã hội của địa phương, yếu tố môi trường, tái định cư. Ðại biểu Ðỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị, phát triển bền vững điện lực cần trên cơ sở kết hợp hợp lý các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Quy hoạch cần bảo đảm tính kết nối, tái tạo nguồn năng lượng, chú trọng các nguồn năng lượng mới. Theo đại biểu này, nên sớm soạn thảo Luật Năng lượng mới và năng lượng tái tạo để bắt kịp nhu cầu phát triển... Ða số các đại biểu phát biểu ý kiến đồng tình với việc bỏ quy hoạch phát triển điện lực cấp huyện. Các đại biểu cũng nhất trí với chu kỳ lập quy hoạch phát triển là mười năm và có định hướng cho mười năm tiếp theo, để tránh tình trạng manh mún, lãng phí...

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, điện là loại hàng hóa đặc biệt, vì vậy, giá bán điện cần quy định theo quy luật của cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Quy định như vậy vừa bảo đảm cho giá bán điện được điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu thị trường, nhưng vẫn giữ được vai trò điều tiết của Nhà nước. Ðại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) đề nghị nên giảm bớt các loại mức giá trong cơ cấu giá điện hiện nay, đồng thời, minh bạch, công khai hơn nữa trong việc điều chỉnh tăng, giảm giá điện. Ðại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) thẳng thắn đề nghị, cần có giải pháp chống độc quyền ngành điện, nếu còn độc quyền thì sẽ không bao giờ có sự bình đẳng giữa người mua và người bán. Và trong cơ sở tính giá thành, ngành điện phải bảo đảm cơ sở hạ tầng, làm rõ trách nhiệm của các bên đối với việc tiêu hao trong quá trình truyền tải điện. Ðồng tình với ý kiến này, đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) cho rằng, giá điện bán lẻ là quan trọng nhất, liên quan trực tiếp tới nhiều người dân. Thời gian qua, tình trạng độc quyền trong cung cấp điện đã gây bức xúc trong dư luận. Ðể chống độc quyền cần công khai, minh bạch giá điện trên cơ sở giá phải bảo đảm tính đúng, tính đủ giá trị... Ðại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Ðác Nông) cho rằng, để bảo đảm quyền bình đẳng giữa người mua điện và bán điện, khi không bảo đảm nguồn cung cấp điện, bên cung cấp phải chịu trách nhiệm và luật cần có cơ chế để quy định về vấn đề này...

Ðể có thị trường điện cạnh tranh, nhiều đại biểu đề xuất cần tái cơ cấu ngành điện. Ðồng thời khuyến khích, mở rộng các thành phần tham gia đầu tư, làm tăng nguồn điện cung ứng, cần đa dạng hóa các nguồn đầu tư của tư nhân. Nhiều đại biểu nhận xét, đến năm 2022, mới thật sự có thị trường điện cạnh tranh là quá chậm, đề nghị cần rút ngắn thời gian này càng sớm càng tốt để bảo đảm quyền, lợi ích của người tiêu dùng... Các đại biểu cũng cho rằng, đây là dự luật liên quan trực tiếp đời sống người dân, đến quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cho nên đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.

Thông qua năm dự án luật và một dự thảo nghị quyết

Buổi chiều, QH tiến hành biểu quyết thông qua năm dự án luật và một dự thảo nghị quyết, đó là các dự án: Luật Giá; Luật Giám định tư pháp; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Công đoàn (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Các đại biểu QH đã nghe các vị đại diện Ủy ban Thường vụ QH trình bày các báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH trong các phiên thảo luận tại hội trường về các dự án luật nói trên và ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH đối với từng vấn đề cụ thể cũng như việc chỉnh lý đối với từng dự án luật. Trên cơ sở đó, QH lần lượt tiến hành biểu quyết thông qua các dự án luật này.

Trước hết là Luật Giá, sau khi biểu quyết thông qua các Ðiều: 15, 17, 19 quy định về hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá; biện pháp bình ổn giá; hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá với số phiếu tán thành đạt từ 93,19% tổng số đại biểu trở lên, QH đã thông qua toàn bộ dự án luật này với  476 đại biểu tán thành, bằng 95,39% tổng số đại biểu QH. Ðối với dự án Luật Giám định tư pháp, sau khi biểu quyết thông qua các Ðiều: 12, 14, 30 quy định về Tổ chức giám định tư pháp công lập; Văn phòng giám định tư pháp; Hội đồng giám định với ít nhất từ 90,78% tổng số đại biểu trở lên, QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự án luật này với 464 đại biểu tán thành, bằng 92,99% tổng số đại biểu QH. Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, QH đã biểu quyết thông qua các Ðiều: 3, 10, 11 của dự thảo luật này quy định về: Chính sách của Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật; nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật; hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật với số phiếu đạt từ 91,38% tổng số đại biểu tán thành trở lên.

Trên cơ sở đó, QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự án luật này với 468 đại biểu tán thành, bằng 93,79% tổng số đại biểu QH. Cũng với phương thức làm việc như vậy, QH đã biểu quyết thông qua một số nội dung cụ thể của dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính, rồi thông qua toàn bộ dự án luật này với 428 đại biểu tán thành, bằng 85,77% tổng số đại biểu QH. Sau đó, QH tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính với 447 đại biểu tán thành, bằng 89,58% tổng số đại biểu QH. Theo đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2014.

Cuối cùng, QH đã tiến hành biểu quyết thông qua toàn bộ dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) với 450 đại biểu tán thành, bằng 90,18% tổng số đại biểu QH.

Theo nhandan

  • Từ khóa