Thứ 6, 15/11/2024, 11:04[GMT+7]

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần

Thứ 2, 15/04/2013 | 09:19:00
783 lượt xem
Thủ tướng yêu cầu bỏ ghi tên cha, mẹ trên CMND; khen 13 tỉnh, phê bình 14 tỉnh về an toàn giao thông; thờ cúng liệt sĩ được trợ cấp 500.000 đồng/năm; vốn tối thiểu thành lập hãng hàng không... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ ngày 8-12/4/2013.

Ảnh minh họa

Thủ tướng yêu cầu bỏ ghi tên cha, mẹ trên CMND

 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/1999/NĐ-CP ngày 3/2/1999 và Nghị định170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007 theo hướng bỏ thông tin họ và tên cha, mẹ trên Chứng minh nhân dân.

 

Thủ tướng cũng yêu cầu việc xây dựng, ban hành Nghị định trên thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ trong quý II/2013.

 

Thủ tướng lưu ý trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung các Nghị định trên, không triển khai mở rộng Dự án sản xuất, cấp và quản lý Chứng minh nhân dân.

 

Thủ tướng khen 13 tỉnh, phê bình 14 tỉnh

 

Tại công văn số 491/TTg-KTN, Thủ tướng Chính phủ biểu dương 13 địa phương đã giảm trên 20% số người chết vì tai nạn giao thông trong quý I/2013; đồng thời phê bình 14 tỉnh có số người chết vì tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm 2012.

 

Cụ thể, 13 địa phương được Thủ tướng Chính phủ biểu dương gồm: Cà Mau, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tây Ninh, Bạc Liêu, Kon Tum, Bình Phước, Bình Định, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Hậu Giang, Kiên Giang và Tiền Giang.

 

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng phê bình 14 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông trên địa bàn trong quý I/2013 tăng so với cùng kỳ năm 2012, gồm: Lai Châu, Khánh Hòa, Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình, Đắk Lắk, Lạng Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Thuận, Sơn La và Hà Tĩnh.

 

Thờ cúng liệt sĩ được trợ cấp 500.000 đồng/năm

 

Nghị đinh quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng quy định cụ thể chế độ trợ cấp tiền tuất hằng tháng đối với thân nhân liệt sĩ và trợ cấp thờ cúng liệt sĩ.

 

Cụ thể, thân nhân của một liệt sĩ được hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng bằng một lần mức chuẩn; thân nhân của hai liệt sĩ được hưởng trợ cấp bằng hai lần mức chuẩn; thân nhân của ba liệt sĩ trở lên được hưởng trợ cấp bằng ba lần mức chuẩn (mức chuẩn hiện đang áp dụng theo Nghị định 47/2012/NĐ-CP là 1.110.000 đồng).

 

Vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc lấy vợ khác thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng bằng một lần mức chuẩn.

 

Theo Nghị định, liệt sĩ không còn người hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng thì người thờ cúng được hưởng trợ cấp thờ cúng mỗi năm một lần, mức trợ cấp 500.000 đồng.

 

Chế độ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã

 

Chính phủ ban hành Nghị định 29/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

 

Theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương theo mức bình quân bằng 2/3 so với mức lương tối thiểu chung cho mỗi người hoạt động không chuyên trách.

 

Thay vì quy định trên, theo Nghị định 29/2013/NĐ-CP vừa được ban hành, Ngân sách trung ương thực hiện khoán quỹ phụ cấp, bao gồm cả 3% bảo hiểm y tế để chi trả hằng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

 

Cụ thể, cấp xã loại 1 được khoán quỹ phụ cấp bằng 20,3 tháng lương tối thiểu chung; cấp xã loại 2 được khoán quỹ phụ cấp bằng 18,6 tháng lương tối thiểu chung; cấp xã loại 3 được khoán quỹ phụ cấp bằng 17,6 tháng lương tối thiểu chung. 

 

Vốn tối thiểu thành lập hãng hàng không

 

Theo Nghị định về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung, vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không và duy trì kinh doanh vận chuyển hàng không từ 300-1.300 tỷ đồng (tùy số lượng tàu bay khai thác).

 

Cụ thể, vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không và duy trì kinh doanh vận chuyển hàng không khai thác đến 10 tàu bay là 700 tỷ đồng Việt Nam (đối với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế) hoặc 300 tỷ đồng Việt Nam (đối với hãng hàng không chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa).

 

Đối với hãng hàng không khai thác từ 11-30 tàu bay, vốn tối thiểu là 1.000 tỷ đồng Việt Nam (đối với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế) hoặc 600 tỷ đồng Việt Nam (đối với hãng hàng không chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa).

 

Còn với hãng hàng không khai thác trên 30 tàu bay, vốn tối thiểu là 1.300 tỷ đồng Việt Nam (đối với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế) hoặc 700 tỷ đồng Việt Nam (đối với hãng hàng không chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa).

 

Vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại là 100 tỷ đồng Việt Namon>.

 

Giảm 65% lượng túi nilon dùng trong siêu thị đến năm 2020

 

Theo Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020, đến 2020, giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 50% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi nilon khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.

 

Bên cạnh đó, ban hành quy định cấm sản xuất các loại túi nilon khó phân hủy có chiều dày một lớp màng nhỏ hơn 30 micromet (30µm), tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu gom, tái chế.

 

Tăng cường sản xuất và sử dụng sản phẩm bao gói, túi xách thân thiện với môi trường thay thế túi nilon khó phân hủy, trong đó, xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường.

 

Chuẩn bị "đóng cửa" rừng tự nhiên

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ Đề án quản lý khai thác rừng sản xuất là rừng tự nhiên, chuẩn bị tốt các điều kiện để dừng khai thác rừng tự nhiên (hay còn gọi là đóng cửa rừng) một thời gian từ năm 2014.

 

Để tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng khu vực Tây Nguyên, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh Tây Nguyên phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý Nhà nước đối với rừng và đất lâm nghiệp; tập trung rà soát diện tích rừng hiện có để xác định rõ lâm phận ổn định của từng tỉnh và địa phương làm cơ sở xây dựng chính sách phù hợp trong bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo phát triển bền vững.

Nguồn Chinhphu.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày