Thứ 7, 23/11/2024, 10:48[GMT+7]

Nhiều chính sách giáo dục mới có hiệu lực từ tháng 2/2024

Thứ 5, 01/02/2024 | 17:41:32
18,051 lượt xem
Nhiều chính sách giáo dục mới có hiệu lực từ tháng 2/2024; trong đó đáng chú ý là quy định về lựa chọn sách giáo khoa và xét tốt nghiệp THCS.

Ảnh minh họa.

Xét tốt nghiệp THCS theo quy định mới

Quy chế xét công nhận tốt nghiệp THCS mới ban hành kèm Thông tư số 31/2023/TT-BGDĐT sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2024.

Hai điểm mới đáng chú ý của Quy chế là được tổ chức 2 lần xét công nhận tốt nghiệp THCS trong năm và bỏ xếp loại tốt nghiệp THCS.

Cụ thể, đối với các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, trong năm có học sinh học hết lớp 9, tổ chức xét công nhận tốt nghiệp nhiều nhất 2 lần.

Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ nhất được thực hiện ngay sau khi kết thúc năm học. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ hai (nếu có) được thực hiện trước khai giảng năm học mới.

Đối với các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS, trong năm có học sinh học hết lớp 9, tổ chức xét công nhận tốt nghiệp ít nhất 1 lần ngay sau khi kết thúc năm học.

Nhiều chính sách giáo dục mới có hiệu lực từ tháng 2/2024 - Ảnh 1.

Học sinh chưa được công nhận hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS được nhà trường tổ chức cho học lại, rèn luyện trong kỳ nghỉ hè; được kiểm tra, đánh giá lại các môn học, hoạt động giáo dục trong kỳ nghỉ hè theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Quy chế xét công nhận tốt nghiệp THCS mới ban hành kèm Thông tư số 31/2023/TT-BGDĐT cũng không còn quy định về xếp loại tốt nghiệp giỏi, khá, trung bình.

Học sinh được công nhận tốt nghiệp nếu có đủ các điều kiện: Không quá 21 tuổi (tính theo năm) đối với học sinh học hết Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS; từ 15 tuổi trở lên (tính theo năm) đối với học viên học hết Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS.

Trường hợp học sinh ở nước ngoài về nước, học vượt lớp, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định, thực hiện theo quy định về độ tuổi theo cấp học của Bộ GD&ĐT. Đã hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS. Có đầy đủ hồ sơ theo quy định.

Học sinh được công nhận tốt nghiệp thì được cấp bằng tốt nghiệp THCS. Việc xét công nhận tốt nghiệp căn cứ vào kết quả rèn luyện và kết quả học tập năm học lớp 9 của học sinh.

Học sinh THCS nghỉ quá 45 buổi ở năm học lớp 9 vẫn được tốt nghiệp.

Quy định mới về lựa chọn sách giáo khoa

Từ ngày 12/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức trao quyền quyết định chọn sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục thay vì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn như trước. Mỗi cơ sở giáo dục thành lập 1 hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi của học sinh.

Nhiều chính sách giáo dục mới có hiệu lực từ tháng 2/2024 - Ảnh 2.

Cụ thể, Theo Thông tư, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục do Hiệu trưởng cơ sở giáo dục hoặc Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, người đứng đầu các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS, THPT (người đứng đầu) thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.

Mỗi cơ sở giáo dục thành lập 1 Hội đồng. Đối với cơ sở giáo dục có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 Hội đồng.

Hội đồng bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; tổ trưởng tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn, phòng chuyên môn (tổ chuyên môn), đại diện giáo viên, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở giáo dục.

Hội đồng xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng.

Căn cứ vào kế hoạch của Hội đồng và tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, tổ trưởng tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn sách giáo khoa cho từng môn học được cơ cấu trong tổ chuyên môn, báo cáo người đứng đầu trước khi thực hiện.

Tổ chức cho toàn bộ giáo viên môn học của cơ sở giáo dục (bao gồm giáo viên biên chế, hợp đồng, biệt phái, thỉnh giảng, dạy liên trường) tham gia lựa chọn sách giáo khoa của môn học đó.

Chậm nhất 20 ngày trước phiên họp đầu tiên của tổ chuyên môn, tổ trưởng tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên môn học nghiên cứu các sách giáo khoa của môn học, viết phiếu nhận xét, đánh giá các sách giáo khoa môn học theo các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa.

Một thông tư khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có hiệu lực từ trong tháng 2 này: Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học. Theo đó, không được đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên.

Theo vtv.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày