Thứ 6, 15/11/2024, 05:15[GMT+7]

Mức xử phạt mới trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp

Thứ 3, 15/10/2013 | 18:04:41
734 lượt xem
Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp có hiệu lực từ hôm nay (15/10) đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới nhằm nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu công nghiệp.

Ảnh minh họa.

Thay đổi nhiều mức phạt

 

Theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP, đối với cùng 1 hành vi vi phạm hành chính trong sở hữu công nghiệp (SHCN) thì mức phạt tiền được áp dụng đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền được áp dụng cho cá nhân.

 

Mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức là 500 triệu đồng và mức phạt tiền tối đa được áp dụng đối với cá nhân là 250 triệu đồng, thay vì mức cũ là 500 triệu đồng.

 

Ngoài ra, theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP, khung tiền phạt được điều chỉnh giảm so với quy định trong Nghị định 97/2010/NĐ-CP, đồng thời thu hẹp biên độ khung tiền phạt trong trường hợp quy định cả hình thức phạt cảnh cáo và phạt tiền để tránh sự khác biệt quá lớn giữa phạt cảnh cáo và phạt tiền.

 

Khung tiền phạt về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN được thiết kế tương tự như khung tiền phạt đối với các hành vi xâm phạm quyền SHCN khác; đồng thời quy định tăng mức phạt tiền tối đa đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN (mức phạt tiền tối đa áp dụng cho cá nhân là 250 triệu đồng và áp dụng cho tổ chức là 500 triệu đồng).

 

Mức phạt đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo được xác định theo số lượng tem, nhãn vi phạm.

 

Ngoài ra, hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề và đình chỉ hoạt động được quy định thống nhất từ 1 - 3 tháng.

 

Xác định rõ giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm

 

Quy định của Nghị định 99/2013/NĐ-CP về xác định giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm là một bước tiến đáng ghi nhận so với quy định hiện hành.

 

Thứ nhất, việc xác định giá trị hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền SHCN để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt được áp dụng dựa trên một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên như sau: Giá niêm yết hoặc giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu; Giá theo thông báo của cơ quan tài chính địa phương; trường hợp không có thông báo giá thì giá theo giá thị trường của địa phương tại thời điểm xảy ra vi phạm hành chính; Giá thành của hàng hóa vi phạm nếu là hàng hóa chưa xuất bán.

 

Thứ hai, đối với tang vật là hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu thì giá trị hàng hóa đó được xác định như giá trị hàng hóa xâm phạm quyền SHCN chứ không phải được xác định theo giá thị trường của hàng hóa thật.

 

Thứ ba, trường hợp không thể áp dụng các căn cứ trên đây để xác định giá trị tang vật là hàng hóa, dịch vụ vi phạm thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc có thể ra quyết định tạm giữ tang vật vi phạm và thành lập Hội đồng định giá theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

 

Nghị định 99/2013/NĐ-CP cũng bổ sung một số hành vi vi phạm quy định về đại diện SHCN như: Không thực hiện thủ tục xoá tên trong Sổ đăng ký quốc gia về đại diện SHCN khi chấm dứt hoạt động ở tổ chức đại diện SHCN; Không làm lại thủ tục ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về đại diện SHCN khi hoạt động ở tổ chức đại diện SHCN khác; Từ bỏ hoạt động dịch vụ đại diện SHCN khi chưa tiến hành chuyển giao một cách hợp pháp công việc đại diện chưa hoàn tất cho tổ chức dịch vụ đại diện SHCN khác.

 

Bổ sung và mở rộng thẩm quyền xử phạt

 

Nghị định mở rộng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN của Quản lý thị trường.

 

Bên cạnh thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng hóa tại thị trường trong nước, Quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt hành vi phạm tại cơ sở sản xuất nếu khi xử lý xâm phạm đối với hàng hóa lưu thông tại thị trường trong nước mà xác định được cơ sở sản xuất loại hàng hóa đó.

 

Đối với cơ quan công an, Nghị định bổ sung thẩm quyền phát hiện, xác minh, thu thập thông tin, chứng cứ các hành vi xâm phạm quyền SHCN.

 

Bổ sung thẩm quyền xử phạt của trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Sở Khoa học và Công nghệ, trưởng đoàn thành tra chuyên ngành Bộ Khoa học và Công nghệ, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Sở Thông tin và Truyền thông, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Thông tin và Truyền thông.

 

Đáng chú ý, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có thẩm quyền tương tự như Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục trưởng Cục quản lý thị trường, Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

 

Thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm được xác định rõ ràng dựa vào giá trị tang vật, phương tiện vi phạm theo nguyên tắc: có thẩm quyền phạt tiền tối đa bao nhiêu thì có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm có giá trị tối đa tương ứng.

 

Và mức phạt tiền tối đa của những người có thẩm quyền phạt tiền được quy định cao hơn so với Nghị định 97/2010/NĐ-CP (trừ một số trường hợp được điều chỉnh giảm như Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục hải quan, Cục trưởng Cục hải quan, trạm trưởng trạm công an cửa khẩu, khu chế xuất).

 

Nghị định còn bổ sung quy định về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo hướng mở rộng phạm vi chủ thể có thẩm quyền này nhằm phát hiện kịp thời hành vi vi phạm và đảm bảo phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính.

 

Bên cạnh người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính còn thuộc về công chức, viên chức đang thi hành công vụ.

 

Xử lý nghiêm xâm phạm tên miền

 

Quy định về xử lý tên doanh nghiệp và tên miền xâm phạm quyền SHCN trong Nghị định 99/2013/NĐ-CP khắc phục những hạn chế quy định về vấn đề này.

 

Đối với tên doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vi phạm phải thay đổi tên doanh nghiệp hoặc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp trong 60 ngày kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành. Sau thời hạn này mà tổ chức, cá nhân không tự nguyện thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thực hiện yêu cầu này.

 

Đối với tên miền, tổ chức, cá nhân vi phạm phải thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền trong 30 ngày kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực; nếu sau thời hạn này mà tổ chức, cá nhân không tự nguyện thực hiện thì cơ quan quản lý tên miền thu hồi tên miền vi phạm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

 

Trong bối cảnh biện pháp hành chính tiếp tục được áp dụng phổ biến trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, với những quy định mới trên đây, Nghị định 99/2013/NĐ-CP sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta.

Nguồn chinhphu.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày